MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lên facebook nhìn trước ngó sau ai cũng bán đồ ăn online, có đúng là "1 vốn 4 lời" như thiên hạ đồn thổi?

17-10-2017 - 20:30 PM | Doanh nghiệp

Kinh doanh đồ ăn online là hình thức không quá xa lại, phù hợp với nhiều đối tượng: từ sinh viên, nhân viên văn phòng đến các bà mẹ “bỉm sữa”. Tuy nhiên không phải ai cũng thành công với mô hình tưởng như rất dễ dàng này.

Chỉ cần gõ từ khóa “đồ ăn online” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, trong vòng chưa đầy một giây, bạn sẽ nhận về gần 6 triệu kết quả. Ngành kinh doanh ít vốn, không tốn nhiều chi phí mặt bằng và nhân sự này đang trở thành công cụ kiếm tiền hiệu quả của các bạn trẻ năng động.

Phương (25 tuổi) đến từ Hà Nội cho biết cô bắt đầu bước chân vào công việc kinh doanh cháo online khoảng 2 tháng nay, nhằm tận dụng khoảng thời gian nghỉ sinh ở nhà chăm con. Ban đầu Phương lựa chọn quần áo online nhưng vốn lớn, hàng tồn lâu nên cô phải tính đến chuyện chuyển sang mặt hàng khác.

“Mình để ý thấy khu chung cư mình ở có nhiều trẻ con, xung quanh chỉ có khoảng 2-3 quán cháo mà quán nào cũng đông khách. Mình nghĩ sao không thử chuyển sang món này xem”.

Nghĩ là làm. Mỗi sáng Phương nhờ mẹ dậy sớm, ra khu chợ gần nhà mua đồ về làm món cháo thịt băm và cháo trai. Không cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng trong khu, Phương tập trung phục vụ khách hàng vào khung giờ từ 10h sáng đến 6h chiều. Sản phẩm có mức giá trung bình 20.000 đồng/bát, lại vận chuyển tận nơi nên được nhiều khách ủng hộ.

“Mấy ngày đầu cũng ít khách nhưng mình vẫn cố gắng duy trì, đến nay ngày nhiều bù ngày ít, trung bình mình bán được khoảng 50 bát/ngày. Có hôm chỉ bán buổi trưa mà đã hết hàng. Trừ chi phí thì còn lại 7-8 triệu mỗi tháng, ngang với mức lương mình đi làm văn phòng trước đây”, Phương lý giải.

Thực phẩm, đồ ăn hiện là một trong những loại hàng hóa được mua sắm online phổ biến nhất. Dù không có số liệu tính trên các kênh online như Facebook cá nhân, Fanpage nhưng nếu tính dựa vào các website thương mại điện tử, mặt hàng này chiếm khoảng 33% các loại sản phẩm được mua sắm nhiều nhất (theo Báo cáo thương mại điện tử VN năm 2015 của Bộ Công thương).

Còn theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Việt Q&Me trong tháng 7/2016, bên cạnh các mặt hàng như thời trang, công nghệ và thiết bị, người sử dụng internet ở các đô thị lớn tại Việt Nam còn ưu tiên cho mặt hàng đồ ăn, đồ uống.

Khi nhu cầu khách hàng ngày càng tăng cao, các sản phẩm cũng đa dạng hơn, không chỉ là đồ ăn vặt như trước đây, mà còn mở rộng ra nhóm đồ uống như nước trái cây, trà sữa, hay đồ ăn trưa, bữa tối, thực phẩm đã chế biến sẵn…

Chia sẻ tại một hội thảo tổ chức hồi cuối tháng 9, anh Nguyễn Xuân Trường, CEO Ahamove cho biết thị trường giao đồ ăn online đang tăng đột phá. Là đơn vị chuyên về mảng giao hàng trong ngành F&B (Food & Beverage), anh nhận thấy sức nóng và tiềm năng phát triển của kinh doanh đồ ăn online khi mỗi ngày, số lượng khách đặt đồ online ngày càng lớn.

“Thay vì bạn phải thuê một cửa hàng mặt tiền đẹp, đầu phố với chi phí vô cùng đắt đỏ thì chỉ một cửa hàng nhỏ trong ngõ cũng sẽ vận hành vô cùng hiệu quả”, CEO Ahamove lý giải. “Số lượng khách được phục vụ nhiều hơn, khách hàng khi mua đồ online cũng sẽ mua nhiều hơn vì suy nghĩ chung là tiện một công tiền ship”.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc kinh doanh đồ ăn online không phải dễ dàng. Phương cho biết vì bán quanh khu chung cư đang ở nên không gặp vấn đề chuyển hàng, trong khi bạn cô bán chè online thường than phiền khó gọi ship lúc trời mưa hoặc vào giờ cao điểm. Hoặc có những lần ship đến nơi khách hàng không nghe, sản phẩm bị trả về và chính cửa hàng phải chịu khoản tiền ship này.

“Ngoài ra, ai kinh doanh đồ ăn cũng hiểu sản phẩm ế là phải hủy. Hủy nhiều quá thì không có lãi, cuối cùng sẽ thất bại thôi”, Phương chia sẻ.

Dưới góc nhìn của một người có kinh nghiệm 5 năm trong nghề, anh Nguyễn Khắc Hiếu, CEO Quà Vặt Online cho rằng mỗi cá nhân phải thật tỉnh táo khi quyết định đầu tư vào thị trường đồ ăn online. Khi có quá nhiều người chơi như hiện nay, tính cạnh tranh rất cao; nếu sản phẩm không chất lượng và không có sự khác biệt thì rất khó thành công.

“1 vốn 4 lời thì chưa chắc, có khi thực tế phải là 5 vốn 1 lời. Nhiều người lầm tưởng rằng đồ ăn ship thì chi phí thấp nhưng với công ty mình thì phải chịu 2 khoản chi phí về con người và ship hàng. Cái tiền ship hàng bên mình một tháng mất tương đối lớn. Nên mọi người đừng tưởng là nó hấp dẫn quá, phải đánh giá chi tiết về mặt tài chính không thì sẽ chịu khá nhiều rủi ro”, anh Hiếu khẳng định.

Theo Hồng Lam

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên