MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga: Kinh tế không sụp đổ, nhưng đây mới là hậu quả tồi tệ

21-12-2022 - 10:39 AM | Tài chính quốc tế

Lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga: Kinh tế không sụp đổ, nhưng đây mới là hậu quả tồi tệ

Khi các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất được đưa ra, nhiều người đã dự đoán kinh tế Nga sẽ sụp đổ nhanh chóng. Nhưng điều đó đã không xảy ra: nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt tiếp tục chảy vào và đồng tiền sớm phục hồi.

Lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga: Kinh tế không sụp đổ, nhưng đây mới là hậu quả tồi tệ - Ảnh 1.

Thay vào đó, những gì đang nổi lên là một vấn đề khác: không phải là sự suy giảm nghiêm trọng, mà là sự suy giảm dần năng lực sản xuất.

Những "chuyên gia" xuất nhập khẩu

Một buổi chiều tháng 8, một chiếc taxi dừng trước một khách sạn ở Istanbul, một nhóm đàn ông bước xuống, nói tiếng Nga. Họ kéo 5 chiếc vali ra khỏi xe.

Bên trong, các thiết bị đã mua ở Áo được đóng gói kỹ càng. Hàng hóa không có gì đặc biệt: đồ điện tử dùng trong trường học nhưng được sản xuất bởi một thương hiệu phương Tây đã quyết định tẩy chay thị trường Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Hàng hóa được ngụy trang như thể dành cho mục đích sử dụng cá nhân, Stanislav, người đã gặp những người đàn ông tại khách sạn ở Istanbul, mời họ đi ăn tối và sau đó bay về Moscow cùng những chiếc vali, nói. “Tất nhiên, đó là hàng lậu”, anh nói, với điều kiện giấu tên.

Đây là một chuyến hàng bất thường đối với Stanislav. Thông thường, anh chuyên sử dụng xe tải để buôn lậu ra khỏi châu Âu những mặt hàng cồng kềnh hơn và nhạy cảm hơn, những mặt hàng chịu lệnh trừng phạt với Nga, chẳng hạn như vật liệu cho ngành xây dựng, các bộ phận và máy móc cho ngành công nghiệp nặng.

Stanislav là một trong số ngày càng nhiều người Nga được gọi là "chuyên gia xuất nhập khẩu", người chuyên tìm kiếm kẽ hở và đưa hàng hóa qua hải quan, để lách lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các cuộc phỏng vấn với những người tham gia thị trường ngầm này cho thấy một hoạt động thương mại béo bở nhưng không ổn định.

Tuy nhiên, nền kinh tế Nga ngày càng phải dựa vào biện pháp này, tờ Financial Times bình luận.

Các biện pháp trừng phạt sâu rộng đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng của Nga.

Nga đang cố gắng vận hành một nền kinh tế hiện đại mà không có khả năng nhập khẩu nhiều linh kiện, nguyên liệu thô và công nghệ mà nước này phụ thuộc.

Tác động đang được cảm nhận trên toàn bộ nền kinh tế - từ các ngân hàng cần máy chủ để xử lý các khoản thanh toán cho đến ngành chăn nuôi gia cầm, vốn dựa vào Hà Lan với tư cách là nhà cung cấp gà con nuôi lấy thịt hay để sản xuất trứng hàng loạt.

Trong khi đó, các công ty nông nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn lốp máy kéo, còn các công ty hàng không không thể đảm bảo đủ linh kiện nhập từ nước ngoài để sửa chữa máy bay.

Dữ liệu từ các đối tác thương mại của Nga cho thấy nhập khẩu của Nga đã giảm 20-25% kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine - một đòn giáng mạnh đối với một quốc gia đã gắn kết với nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ.

“Nếu bạn nhìn vào dược phẩm, sản xuất hóa chất, chế tạo máy, kim loại và khai thác mỏ. . ., khó có thể tìm thấy một ngành công nghiệp nào ở Nga không phụ thuộc vào nhập khẩu ít nhất 50% [đầu vào]", Elina Ribakova, nhà kinh tế học tại Viện Tài chính Quốc tế nói.

Trong trung hạn, các biện pháp trừng phạt có thể sẽ khiến nền kinh tế Nga thụt lùi nhiều năm. Người tiêu dùng sẽ buộc phải điều chỉnh lại để lựa chọn hàng hóa hạn chế hơn trong khi chất lượng sản phẩm có thể bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, tương lai kinh tế dài hạn của Nga phụ thuộc vào việc liệu Moscow có thể nhanh chóng sản xuất các sản phẩm nội địa thay thế cho hàng hóa nước ngoài hay không, hoặc tìm nguồn hàng tương tự từ các quốc gia “thân thiện” như Trung Quốc. Nếu 2 lựa chọn này không thành công, bắt buộc phải dựa vào hàng nhập lậu của những người như Stanislav.

“Bất kỳ thương hiệu nào đã rời khỏi Nga, bất kể đó là gì - máy hút bụi, quần áo, rượu - dù sao thì tất cả đều được nhập khẩu,” một công dân Nga khác sống ở châu Âu tham gia vào hoạt động thương mại xuất nhập khẩu cho biết.

Nhưng cũng như nhiều hàng hóa nhập khẩu khác, những hàng hóa này sẽ đắt đỏ.

Do sự thiếu hụt các bộ phận nhập khẩu, sản xuất ô tô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với sản lượng giảm gần 80% trong tháng 9 so với cùng tháng năm trước, theo dịch vụ thống kê nhà nước Nga Rosstat.

Một tỷ phú thân cận với Điện Kremlin cho biết lợi nhuận tiềm năng từ các mặt hàng nhập lậu cao đến mức hàng hóa xa xỉ sẽ luôn được đưa vào nước này, bất kể lệnh trừng phạt. Anh ấy nói rằng vào mùa hè, anh ấy đã mua hai chiếc Maybach thay vì chiếc Mercedes mà anh ấy muốn nhưng không tìm được nguồn. Anh ấy nói thêm, nếu cái đầu tiên bị hỏng, anh ấy có thể sử dụng cái thứ hai để thay thế các bộ phận.

Quay trở lại nền kinh tế tự cung tự cấp?

Cho đến nay, nền kinh tế đã tránh được những dự đoán tồi tệ nhất. Các nhà kinh tế đang ước tính tổng sản phẩm quốc nội sẽ giảm từ 3,5 đến 5,5% trong năm nay.

Điều này một phần là do doanh thu xuất khẩu vẫn mạnh và Nga đang ngày càng tìm được những người mua thay thế cho dầu mỏ của mình.

Nhưng trong khi không có sự tan rã của nền kinh tế, các nhà phân tích tin rằng tăng trưởng dài hạn sẽ bị suy giảm đáng kể, do hạn chế nhập khẩu làm giảm tiềm năng nâng cấp công nghệ.

Họ nói rằng các ngành công nghiệp địa phương sẽ sản xuất thay thế thường kém hiệu quả hơn, trong khi dòng nhập khẩu từ thị trường chợ đen không ổn định.

Rất khó để xây dựng chuỗi cung ứng khi bạn có các loại lệnh trừng phạt toàn diện này, nhà kinh tế Jacob Nell nói.

Stanislav cũng tán đồng. Các lô hàng rất dễ "bay hơi" khi các quốc gia trung gian đang đưa ra các quy định mới nhằm loại bỏ loại hình thương mại này. Đầu tháng này, EU đã đề xuất coi việc lách các lệnh trừng phạt là một tội hình sự.

Ngay lập tức đã có sự sụt giảm lớn đối với các nhà cung cấp. Một trong những chuyến hàng của Stanislav bị kẹt ở hải quan Kazakhstan.

Trên diện rộng, các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đang tìm cách ứng phó với sự sụt giảm nhập khẩu.

Vào tháng 7, Tổng thống Putin đã bổ nhiệm bộ trưởng thương mại lâu năm Denis Manturov vào một vị trí cấp cao trong chính phủ với nhiệm vụ khôi phục chuỗi cung ứng. Ông Manturov tuyên bố sẽ duy trì “chủ quyền công nghệ” của Nga và coi việc thay thế hàng nhập khẩu là “vấn đề an ninh quốc gia”.

Các doanh nghiệp cũng bắt đầu có phương án đối phó.

Grigory Bolotin, sở hữu một nhà máy lớn bên bờ sông Volga, phía đông Moscow, chuyên sản xuất xe nâng, máy kéo và các máy móc hạng nặng khác.

Ngay sau khi các gói trừng phạt đầu tiên được đưa ra, ông đã tập hợp các nhân viên và nhanh chóng phát hiện ra mình quá phụ thuộc vào vật liệu từ phương tây.

Đối với các thành phần quan trọng, họ tìm thấy sự thay thế trong nước. Các động cơ Nhật Bản được sử dụng trong xe nâng hàng đã được hoán đổi bằng các động cơ thay thế được sản xuất tại Minsk, Belarus.

“Tất nhiên, động cơ Minsk ồn hơn, kém tiết kiệm hơn, kém tin cậy hơn. Nhưng nó ở đó, nó có sẵn. Và mọi người đã quen với nó,” Bolotin nói.

Nhìn chung, họ đã thành công. Nhưng Bolotin có thể thấy tác động trên diện rộng của việc hạn chế nhập khẩu đối với chất lượng và trình độ công nghệ.

Một ví dụ nữa, Phần Lan là nước xuất khẩu chính sang Nga các hóa chất được sử dụng trong tẩy trắng giấy. Sau khi ngừng vận chuyển, một số nhà máy bột giấy của Nga đã phải học cách không sử dụng hoặc bắt đầu tự sản xuất hóa chất tẩy trắng.

Nhưng hệ quả của việc không sử dụng hóa chất hoặc chất lượng thấp hơn là một số loại giấy được sử dụng trong các văn phòng của Nga đã chuyển sang màu nâu xám.

Minh Khôi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên