MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Li hôn vì... Tết Nguyên đán: Hàn Quốc và góc khuất trọng nam khinh nữ đầy ám ảnh mỗi dịp năm mới về

15-02-2021 - 15:24 PM | Sống

Li hôn vì... Tết Nguyên đán: Hàn Quốc và góc khuất trọng nam khinh nữ đầy ám ảnh mỗi dịp năm mới về

Tết là dịp sum vầy, nhưng với phụ nữ Hàn Quốc thì lại ẩn chứa quá nhiều sự ám ảnh.

Theo Cơ quan Quản lý Tòa án Quốc gia (National Court Administration) Hàn Quốc, số lượng các đơn xin li dị luôn tăng đột biến trong tháng Seollal. Vào năm 2016, nó thậm chí cao hơn các tháng khác hẳn 2 lần.

Seollal là tên gọi của Tết Âm lịch ở Hàn Quốc. Nó là lễ hội quan trọng nhất trong năm, được tổ chức cực kỳ long trọng, kéo dài ít nhất 3 ngày.

Tết Nguyên đán: Dịp con dâu phải vất vả gấp mười

Người Hàn Quốc có lối sống nặng quan niệm Nho giáo. Ngay cả bây giờ, trong kỷ nguyên bình đẳng giới, phụ nữ ở đây vẫn bị áp đặt "tam tòng, tứ đức" hệt như thời Choson (phong kiến Triều Tiên). Một khi đã kết hôn, họ là "người của nhà chồng", có trách nhiệm và nghĩa vụ chăm lo cho toàn bộ các thành viên thuộc gia đình chồng.

Li hôn vì... Tết Nguyên đán: Hàn Quốc và góc khuất trọng nam khinh nữ đầy ám ảnh mỗi dịp năm mới về - Ảnh 1.

Seollal là lễ tết thường niên quan trọng nhất ở Hàn Quốc

Theo nguyên tắc truyền thống, vào các dịp lễ Tết quan trọng, con dâu Hàn Quốc phải có mặt ở nhà cha mẹ chồng. Họ phụ trách chuẩn bị và nấu nướng thức ăn, phục vụ mâm bàn, dọn dẹp, rửa bát…

Seollal là dịp đại đoàn viên, tất cả con cháu quy tụ về nhà nội. Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Hàn Quốc tổ chức lễ cúng tổ tiên cực kỳ thịnh soạn, gọi là jesa. Các con dâu phải vào bếp, nấu nướng, bưng bê, phục vụ luôn chân luôn tay.

"Ngày còn nhỏ, tôi luôn thấy mẹ đầu tắt mặt tối trong ngày Tết ở nhà nội, nhưng lại không nghĩ nhiều về điều đó," - Shin Min-jeong (35 tuổi) kể. "Giờ đây, khi bản thân trở thành con dâu, tôi mới thấm thía cảm giác bất công vô cùng."

Li hôn vì... Tết Nguyên đán: Hàn Quốc và góc khuất trọng nam khinh nữ đầy ám ảnh mỗi dịp năm mới về - Ảnh 2.

Ngày Seollal, các con dâu phải nội trợ phục vụ 3 thế hệ

Trong ngày Tết, mỗi đại gia đình Hàn Quốc đều có chí ít là 3 thế hệ quy tụ. Thế nhưng, chỉ có các con dâu làm việc bếp núc. Toàn bộ con gái, con trai, cháu chắt… ngồi chơi xơi nước, chờ được phục vụ tận miệng. Seollal với các chị em Hàn Quốc có chồng đơn giản là dịp phục dịch, cực nhọc và mệt mỏi gấp mười lần.

Bạo lực gia đình leo thang

Trước Seollal năm 2019, công ty Saramin, Hàn Quốc thực hiện một cuộc khảo sát trên 3.507 người trưởng thành bao gồm cả nam và nữ, đã lập gia đình và chưa kết hôn. Kết quả 70,9% phụ nữ có chồng phàn nàn "thấy áp lực vì Tết nhất sắp tới".

Trang web tìm kiếm việc làm Incruit, Hàn Quốc thì thực hiện một khảo sát với đối tượng là phụ nữ đã kết hôn. Họ nhận được kết quả 60% các chị cảm thấy căng thẳng vì "Tết bên chồng", và 31,7% thừa nhận nguyên nhân là "phải nấu nướng, dọn dẹp liên hồi".

Trong khi các chị không rời nổi căn bếp, các đức ông chồng thoải mái vui chơi, chè chén… Nếu kêu ca, các "vợ thảo" liền bị mắng: "Mỗi năm chỉ có một ngày mà cũng không chịu đựng được hay sao?"

"Tôi không muốn phải nghe những lời nhiếc móc vô tận từ nhà chồng và bực dọc với chồng," - Kim Soo-hyun (bà mẹ trẻ có con 7 tuổi) bức xúc. Có điều, chịu đựng tất cả những chuyện này vẫn chưa phải là hết. Như phần đông các nước có âm lịch, Hàn Quốc cũng quan niệm "mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ". Theo lẽ thường, sau khi xong xuôi nghĩa vụ "Tết nhà chồng", các "dâu hiền" được phép cùng chồng con đi thăm và chúc tết cha mẹ đẻ.

Nếu ở nhà chồng, phụ nữ vất vả bao nhiêu thì khi về nhà mẹ, họ thảnh thơi bấy nhiêu. Ngược lại, các con rể bị… liếc xéo. Cũng theo kết quả khảo sát của Saramin, 53,6% các anh "ngán Seollal" vì "Tết bên ngoại".

Nhưng khác với phụ nữ, đàn ông Hàn Quốc được quyền "Tết nhà vợ" hoặc không. Còn các chị thì nhất định phải được cha mẹ chồng và chồng đồng ý, mới được phép về nhà mẹ ruột. Trong tất cả các mâu thuẫn ngày Tết, lên lịch chúc Tết bên nội, bên ngoại là gây căng thẳng nhất. Nó thậm chí tạo ra xung đột, thúc đẩy bạo lực gia đình. Theo báo cáo từ Cục Cảnh sát Quốc gia (National Police Agency) Hàn Quốc, tổng số vụ tố cáo bạo lực gia đình trong Seollal năm 2019 là 970, cao hơn mức trung bình cả năm 40%.

Li hôn trước Tết cho đỡ cực?

"Cứ sắp hết năm, tôi lại ngẫm nghĩ, hay là mình li hôn trước Tết đi, cho khỏi phải chịu đựng cực khổ," - một chị nội trợ người Hàn Quốc giấu tên chia sẻ nỗi niềm.

Li hôn vì... Tết Nguyên đán: Hàn Quốc và góc khuất trọng nam khinh nữ đầy ám ảnh mỗi dịp năm mới về - Ảnh 3.

Nhiều chị em Hàn Quốc "ngán Tết" tới độ, "nghĩ tới mà muốn li hôn luôn"

Thực tế, không ít phụ nữ Hàn Quốc đã thật sự đâm đơn li dị ngay trước Tết Nguyên đán. Theo báo cáo từ Cơ quan Quản lý Tòa án Quốc gia Hàn Quốc, tỷ lệ đơn xin li hôn luôn tăng vọt trong khoảng 10 ngày trước Seollal. Sự gia tăng này tiếp tục trong khoảng 10 ngày sau Seollal. Vào năm 2016, chỉ từ ngày 3-13/1 âm lịch, Hàn Quốc có 577 cặp vợ chồng li dị, cao hơn mức trung bình của 10 ngày trên cả năm (298 cặp) gần 2 lần.

Thống kê vụ li hôn trước và sau Seollal 2019 cũng cho thấy, con số gia tăng là 140%.

Những năm gần đây, giới truyền hình Hàn Quốc mạnh dạn đào sâu vào các góc khuất văn hóa đáng ngại. Năm 2018, họ giới thiệu bộ phim tài liệu Myeoneuri: My Son’s Crazy Wife, kể về cuộc đối đầu kịch liệt giữa một cặp mẹ chồng - nàng dâu.

Nhân vật chính trong tác phẩm tài liệu này là Jin-young, một nàng dâu "điên khùng", chống đối mẹ chồng. Ở đỉnh điểm của "cuộc chiến", cô bỏ tới nhà chồng vào dịp Chuseok (Tết Trung thu, quan trọng chỉ sau Seollal).

"Đổi lại, tôi có một kỳ nghỉ hoàn hảo đến không thể tuyệt vời hơn được nữa," - Jin-young trả lời phỏng vấn, miệng nở nụ cười thỏa mãn.

Tham khảo: Korea Herald

Theo Vũ Huế

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên