MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lịch sử gần 24 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận điều chưa từng có

Lịch sử gần 24 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận điều chưa từng có

Nửa cuối năm 2024, nhiều chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có bước thăng hoa.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa có thông báo về số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán (TKGD) của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại ngày 30/6/2024.

Theo đó, trong tháng 6, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới 10.580 tài khoản, giảm hơn 25.000 tài khoản so với mức được thiết lập hồi tháng 5 vừa qua.

Trong tháng 6, nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực lượng nòng cốt khi mở mới 106.417 tài khoản và các tổ chức mở mới 163 tài khoản. Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt xấp xỉ 8 triệu tài khoản. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử gần 24 năm của thị trường chứng khoán trong nước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 7,98 triệu tài khoản, tương đương 8% dân số.

Lượng tài khoản chứng khoán trong tháng có sự sụt giảm bởi thị trường gặp nhiều khó khăn trước ngưỡng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm. VnIndex khép lại tháng 6 vừa qua với mức giảm 1,3%.

Lịch sử gần 24 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận điều chưa từng có- Ảnh 1.

Ảnh minh họa AI

Tháng 6 vừa qua, khối ngoại tiếp tục phá kỷ lục khi bán ròng gần 16.600 tỷ đồng chỉ riêng trên HoSE. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 54.000 tỷ đồng (2 tỷ USD) trên HoSE.

Đánh giá về việc này, trong báo cáo chuyển động thị trường của Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, sau giai đoạn đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam mạnh mẽ từ 2017 - 2019, nhà đầy tư nước ngoài bắt đầu quay ra bán ròng từ năm 2020 và áp lực này kéo dài tới hiện tại. Thời điểm khối ngoại quay trở lại mua ròng mạnh mẽ chỉ ngắn ngủi trong tháng 6/2020 và tháng 11 - 12/2022 là 2 thời điểm đáy lịch sử của VnIndex.

"Nhìn chung, áp lực bán ròng của khối ngoại đến từ một loạt yếu tố: Sự dịch chuyển của dòng tiền khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, tỷ giá, định giá của VnIndex, và việc thoái vốn khỏi 1 số cổ phiếu thuộc họ Vingroup", ACBS nhận định.

Lịch sử gần 24 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận điều chưa từng có- Ảnh 2.

Nguồn: ACBS.

Nhận định chung về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024, Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024. Trong khi đó, theo Báo cáo chiến lược đầu tư nửa cuối năm 2024, Khối Nghiên cứu CTCP Chứng khoán MB (MBS Research) dự đoán VnIndex sẽ đạt 1.350 - 1.380 điểm vào cuối năm 2024, sau khi lợi nhuận tăng trưởng 20% trong năm tài chính 2024 và mục tiêu P/E 12 - 12,5 lần.

Đồng quan điểm đó, chia sẻ trên Tạp chí tài chính, bà Bùi Thị Quỳnh Nga - Chuyên viên Phân tích Cao cấp vĩ mô và chiến lược PHS dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường sẽ tăng 18% trong năm 2024 tương ứng với P/E forward (giá ước tính trên thu nhập trong tương lai) là 12,2.

"Đây là mức khá hấp dẫn và dự đoán trong kịch bản tích cực VnIndex có thể chạm 1.452 điểm. Chính phủ cũng thể hiện sự chỉ đạo sát sao với quyết tâm nâng hạng thị trường. Đây là cơ sở cho sự phát triển trong dài hạn của thị trường chứng khoán bên cạnh sự phát triển của nền kinh tế", bà nhấn mạnh.

"Lãi suất tiền gửi tuy có tăng nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức thấp, ở kỳ hạn 12 tháng là dưới 6% đối với ngân hàng thương mại cổ phần và giữ nguyên mức 4,7% đối với ngân hàng thương mại quốc doanh, vẫn kém hấp dẫn hơn so với tỷ suất sinh lời kỳ vọng của VnIndex, do đó, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán vẫn là kênh thu hút vốn của nhà đầu tư", chia sẻ trên Thời báo Ngân hàng.

Theo Pha Lê

Đời Sống Pháp Luật

Trở lên trên