Liên kết các nhà thầu Việt để đón đầu Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Sáng ngày 30/11, tại trụ sở Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã diễn ra chương trình "Cafe nhà thầu xây dựng" lần thứ 4. Chương trình do Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam chủ trì tổ chức, có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Xây dựng cùng các doanh nghiệp, nhà thầu.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, nội dung chương trình lần này tập trung thảo luận về một số điểm bất cập trong Luật Đấu thầu; vấn đề liên kết, hợp tác và các cơ chế, chính sách để chuẩn bị cho các dự án lớn trong thời gian tới.
Đặc biệt là Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sắp triển khai vào năm 2027. Bởi đây là một dự án quy mô, trọng điểm của quốc gia, không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam.
"Tuy nhiên hiện vẫn còn đang tồn đọng rất nhiều những khó khăn, vướng mắc xoay quanh dự án mà chúng ta cần phải trao đổi và thảo luận. Ngoài ra, buổi giao lưu lần này còn là dịp để Hiệp hội có thể lắng nghe những băn khoăn, chia sẻ của các doanh nghiệp, nhà thầu trong quá trình thi công các dự án. Từ đó, có thể đưa ra những kiến nghị kịp thời với Nhà nước", Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu nói.
Cùng khẳng định tầm quan trọng của Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Ông Phạm Minh Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, dự án này có quy mô lớn hơn rất nhiều so với những dự án từng triển khai và là dự án đặc biệt được quan tâm, liên tục có chỉ đạo sát sao, trực tiếp từ Chính phủ.
"Thủ tướng Chính phủ từng nói, chỉ có nhà thầu Việt Nam mới chỉ đạo gấp rút được tiến độ, không chỉ các dự án đầu tư xây dựng mà các dự án năng lượng cũng vậy. Thế nên, theo quan điểm của tôi, riêng đối với dự án đường sắt tốc độ cao, người Việt Nam làm được càng nhiều là càng tốt. Chúng ta phải nắm được ưu thế, làm chủ ngay trên sân nhà. Có như vậy, mới có thể tối ưu được nguồn nhân lực và tiết kiệm được nguồn chi phí cho quốc gia", ông Hà nhận định.
Thực tế nhiều năm gần đây, vấn đề đào tạo chuyên gia, nhân lực còn rất hạn chế trong nước, khiến nhiều dự án đòi hỏi yêu cầu cao phải giao cho các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, đại diện Bộ Xây dựng kỳ vọng, trong giai đoạn sắp tới, cùng với những ý kiến đóng góp của Hiệp hội, sẽ làm việc với Chính phủ, sớm tháo gỡ các ràng buộc liên quan đến điều kiện về năng lực nhà thầu như vốn điều lệ hay các quy định về Luật Đấu thầu… nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho các nhà thầu trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm khác, không riêng gì dự án đường sắt tốc độ cao.
Cũng tại buổi giao lưu Cafe nhà thầu, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch kiêm TGĐ Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc phòng đánh giá cao và ghi nhận sự nhiệt huyết, nỗ lực của Hiệp hội nhà thầu trong suốt quá trình vừa qua đã liên tục có ý kiến gửi đến Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải để tham mưu với Chính phủ, điều chỉnh một loạt quy định phù hợp với tình hình xây dựng hiện nay.
Thiếu tướng Ngọc cho biết, Chính phủ đã và đang quyết liệt thúc đẩy đầu tư, xây dựng hàng loạt các dự án đường sắt mới, trong đó tuyến Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng sẽ là dự án đầu tiên triển khai trong năm 2025. Đây sẽ là cơ hội cũng như tiền đề rất quan trọng cho các doanh nghiệp trong nước tiến tới tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam trong tương lai.
"Tuy nhiên, trong cơ hội cũng đan xen nhiều thách thức. Theo như Thứ trưởng Bộ Xây dựng vừa nói, muốn xây dựng được, chúng ta phải có nhân lực, có công nghệ… Bên cạnh đó, thời gian qua, doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam lại chưa có định hướng phát triển rõ nét, khác biệt hoàn toàn với một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc khi sở hữu những hiệp hội nhà thầu rất lớn", Thiếu tướng Ngọc nói.
Mặt khác, ngành xây dựng tại Việt Nam hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt, có những gói thầu giảm đến 30-40% khiến một số dự án không thể triển khai xây dựng do áp lực về đảm bảo nguồn tiền. Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp tục diễn ra, sẽ ảnh hưởng rất xấu đến nền ngành xây dựng nước nhà, Thiếu tướng Ngọc nhấn mạnh.
Do đó, với khối lượng công việc rất lớn của dự án đường sắt tốc độ cao, Thiếu tướng Ngọc cho rằng cần xây dựng một Hiệp hội nhà thầu đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau và đảm bảo cạnh tranh minh bạch. Có như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cùng nhau vượt qua những thách thức, tận dụng cơ hội phát triển, từ đó đưa ngành xây dựng trong nước ngày càng lớn mạnh, hội nhập với thế giới.
Góp ý đưa ra giải pháp tăng cường nguồn lực cho nhà thầu Việt Nam, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Fecon đề xuất nghiên cứu cơ chế ưu đãi lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia dự án trọng điểm quốc gia, học hỏi kinh nghiệm từ các nước như Trung Quốc. Riêng đối với dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, việc chỉ định nhà thầu xây lắp là cần thiết để đảm bảo các yếu tố như năng lực thực hiện, tiềm lực tài chính và cam kết về bảo hành công trình.
Chiều cùng ngày 30/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam với 92,48% đại biểu Quốc hội tán thành.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 1.713.548 tỷ đồng.
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công; áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Nhịp sống thị trường