3 ngày không có ca mắc Covid-19: Đáng mừng nhưng không nên chủ quan
Chuyên gia cho rằng, Việt Nam trong 3 ngày liên tiếp không có ca mắc Covid-19 là 1 điều đáng mừng nhưng không nên chủ quan, lơ là phòng, chống.
- 19-04-2020Bệnh nhân phi công người Anh đã âm tính với SARS-CoV-2
- 19-04-2020Vì sao các ca COVID-19 nặng đều được điều trị thành công?
- 18-04-2020Trong 60 giờ liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới
Tính đến 6h sáng 19/4, Việt Nam ghi nhận 268 ca mắc Covid-19. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp cả nước không phát hiện ca mắc mới.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyễn nhiễm Việt Nam cho rằng trong 3 ngày qua, Việt Nam liên tiếp không có ca Covid-19 là 1 điều đáng mừng. Việt Nam đã từng bước phát hiện và kiểm soát tốt các ổ dịch, không có ca lây nhiễm mới.
Ngày 18/4, Hà Nội tiến hành xét nghiệm nhanh Covid-19 tại các chợ đầu mối. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, mới chỉ có 3 ngày chưa xuất hiện ca Covid-19 mới, cũng chưa thể đánh giá được điều gì, chúng ta tuyệt đối không nên chủ quan, lơ là, bởi thời gian ủ bệnh của bệnh phải đến 14 ngày. “Có những ca tiềm tàng, một số ca Covid-19 có biểu hiện rất nhẹ, họ không đi đến các bệnh viện nên cần phải tiếp tục theo dõi, giám sát, đánh giá để tìm ra những ca mới trong cộng đồng” - PGS Nguyễn Hồng Hà cho biết.
PGS Nguyễn Hồng Hà cũng cho rằng, hiện nay, tình hình dịch trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Vì vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên là tập trung chống dịch, cũng cần có những bước hài hòa trong việc quản lý xã hội, phát triển kinh tế.
Tăng cường nâng cao xét nghiệm
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, lâu nay chúng ta chỉ xét nghiệm với những người đến từ vùng dịch về; Bên cạnh đó, khi phát hiện 1 ca bệnh (F0), chúng ta truy tìm những người tiếp xúc gần (F1,F2...) để xét nghiệm, theo dõi quản lý để cách ly, phát hiện các ca nhiễm chưa có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, điều quan trọng là phải nâng cao việc xét nghiệm cho những người có biểu hiện sốt, biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.
“Nếu tăng việc xét nghiệm các đối tượng này, chúng ta sẽ phát hiện được những ca không có dấu vết về dịch tễ rõ ràng. Khi đó, chúng ta có thể truy tìm, phát hiện những mối liên quan để có thể tiếp tục khống chế dịch. Nếu coi thường xét nghiệm, khi để dịch bùng lớn, chúng ta sẽ không thể tìm được các dấu vết để thực hiện việc ngăn chặn như bây giờ”- PGS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo.
Người dân khi có biểu hiện sốt phải báo cáo các cơ quan chống dịch, qua đường dây nóng để được hỗ trợ. Các bệnh viện khi gặp nhóm đối tượng này, phải xếp vào diện nghi ngờ, thực hiện xét nghiệm ngay.
Theo PGS Hồng Hà, việc bệnh truyền nhiễm diễn tiến như thế nào tùy thuộc vào mầm bệnh có tiếp tục lưu hành ở người hay không. Nếu vẫn còn người lành mang virus, bệnh sẽ còn dai dẳng, tiếp theo sẽ bùng phát các đợt dịch khác khi cộng đồng chưa có miễn dịch.
“Người dân phải tiếp tục cảnh giác trong thời gian này. Tuyệt đối không lơ là nhất là khi chưa có vaccine và thuốc điều trị. Khi có sự giao lưu, tiếp xúc nhiều, trong cộng đồng còn có ca bệnh tự do sẽ dẫn đến tình trạng lây nhiễm. Do đó, người dân cần thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như khuyến cáo của ngành y tế như đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, không tụ tập đông người... Đặc biệt, người ốm phải tư vấn khám bệnh để được xét nghiệp kịp thời, thường xuyên phải đeo khẩu trang. Những biện pháp này phải được thực hiện thường xuyên” - PGS Nguyễn Hồng Hà cho biết./.
VOV