Liên tiếp phát hiện hàng loạt vụ cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam
Sau chỉ đạo của Thủ tướng về siết chặt tình trạng nhập khẩu thủy sản không rõ nguồn gốc, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện hàng loạt vụ nhập lậu cá tầm tại biên giới các tỉnh Quảng Ninh, Lai Châu.
- 01-04-2021Mối lo từ cá tầm Trung Quốc
- 30-03-2021Hải quan giám sát xử lý các lô hàng cá tầm nhập khẩu
- 09-03-2021Tăng cường kiểm tra hoạt động nhập khẩu và kinh doanh cá tầm
Thông tin từ Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết, Đồn biên phòng Pò Hèn vừa bắt giữ vụ vận chuyển 500 kg cá tầm Trung Quốc nhập lậu.
Theo đó, vào khoảng lúc 1 giờ 50 phút ngày 24/4, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới tại khu vực cầu Thán Phún 2, đường quốc lộ 18C (thuộc địa phận thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, TP Móng Cái), tổ tuần tra của Đồn biên phòng Pò Hèn trong đã phát hiện và bắt giữ Chìu A Lộc (SN 1992, lao động tự do, trú tại thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái) đang điều khiển xe tải biển kiểm soát 14C 231.12, trọng tải 1,4 tấn hướng Bắc Sơn lên Hải Sơn.
Qua kiểm tra, trên xe chở 25 thùng xốp, bên trong chứa cá tầm tổng trọng lượng 500 kg. Tại thời điểm kiểm tra Lộc không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số cá trên.
Thông tin ban đầu, đối tượng Chìu A Lộc khai nhận đã mua số cá trên bên Trung Quốc, sau đó thuê người vận chuyển về Việt Nam qua khu vực mốc 1353 để kiếm lời, khi đang vận chuyển số cá trên đi tiêu thụ thì bị Bộ đội biên phòng bắt giữ.
Cách đây 2 ngày, tổ công tác của Công an huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) khi đang làm nhiệm vụ tại bản Khoa San, xã biên giới Mù Sang cũng phát hiện chiếc xe tải biển kiểm soát 29H-480.42 lưu thông trên đường có biểu hiện nghi chở hàng buôn lậu.
Theo Bộ NN&PTNT cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng
Tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe có một lô hàng cá tầm Trung Quốc gần 2 tấn. Nhóm đối tượng khai nhận sau khi mua, đã thuê người vận chuyển về Việt Nam qua đường tiểu ngạch, không khai báo hải quan và không đóng thuế với mục đích bán lại để kiếm lời.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, thời gian qua, Bộ NN&PTNT nhận nhiều phản ánh của doanh nghiệp về tình trạng nhập khẩu cá tầm thương phẩm lậu các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra rất phức tạp.
Các lô hàng không qua kiểm dịch thú y gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản, ảnh hưởng đến ngành cá tầm ở trong nước và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng...
Trước tình hình trên, theo vị này, Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các lực lượng như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, quản lý thị trường, Thú y kiểm soát chặt chẽ và xử lý triệt để các vụ nhập lậu cá tầm, nghiêm cấm việc xác nhận để hợp thức hóa nguồn gốc đối với thủy sản không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra nắm tình hình, đấu tranh và triệt phá các đối tượng đầu nậu, các địa điểm tập kết, thu gom thủy sản nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Mới đây, Bộ NN-PTNT phối hợp với địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ cá Yên Sở (TP Hà Nội) và chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh). Kết quả có 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam trong các năm từ 2018, 2019 và 2020 lần lượt là 1.164 tấn, 1.849 tấn và hơn 1.000 tấn.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về qua 2 cửa khẩu quốc tế là Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) đã đạt con số 812 tấn. Trong đó, riêng tại cửa khẩu Hữu Nghị là 687 tấn.
Đáng chú ý, không ít trường hợp doanh nghiệp từng vi phạm Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ, khai báo hải quan gian dối nhưng vẫn tiếp tục được tạo điều kiện nhập khẩu cá tầm với số lượng lớn.
Trước đó, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C05 (Bộ Công an) gửi công văn số 455 đến Cơ quan quản lý Cites Việt Nam (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấm, Bộ NN&PTNT) về việc 7 doanh nghiệp nhập khẩu hơn 300 tấn cá tầm trái Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Tiền phong