Liên tục giảm giá, ôtô lắp ráp trong nước hy vọng xuất khẩu trong ASEAN
Các dòng xe lắp ráp trong nước đã liên tiếp được điều chỉnh giá. Không chỉ mong muốn tiếp cận với người tiêu dùng nội địa, 2 doanh nghiệp trong nước còn hy vọng xuất khẩu xe hơi trong ASEAN.
Cuộc đua hạ giá
Toyota Việt Nam, liên doanh lắp ráp ôtô lớn nhất nước vừa giảm giá một loạt các dòng xe được lắp ráp trong nước: Vios giảm 30 triệu đồng, Altis giảm gần 40 triệu đồng, Camry giảm hơn 50 triệu đồng, Innova giảm 45 triệu đồng. Động thái trên của Toyota Việt Nam là khởi đầu cho một đợt giảm giá mới trên thị trường ôtô trong nước.
Hai dòng xe lắp ráp tại Đà Nẵng của Nissan vừa được doanh nghiệp này điều chỉnh về giá. Trong khi dòng xe Sunny được ưu đãi 35 triệu đồng, thì X-Trail giảm mạnh tới 95 triệu đồng cùng quà tặng trị giá 30 triệu đồng cho khách hàng mua xe.
Hãng xe Chevrolet cũng đã giảm 60 triệu đồng với dòng xe Cruze. Dòng xe Aveo được giảm giá 30 triệu đồng. 24 triệu đồng là mức giảm giá được hãng đề xuất với dòng xe Captiva Revv.
Trong tháng 5/2017, Honda cũng giảm giá thêm 18 triệu đồng đối với dòng xe thể thao đa dụng CR-V. Nếu tính cả đợt giảm giá hồi tháng 4, mẫu CR-V đã giảm giá bán được hơn 115 triệu đồng.
Sau đợt giảm giá dịp Tết Nguyên đán, hiện các dòng xe của Kia và Mazda được lắp ráp bởi Trường Hải không có mức điều chỉnh lớn. Hyundai Thành Công chưa có sự thay đổi giá xe trong tháng 5/2017 sau khi áp dụng chương trình khuyến mãi lên đến 50 triệu đồng hồi cuối tháng 3/2017. Dòng xe Ford Focus lắp ráp trong nước cũng chưa có sự thay đổi về giá sau lần điều chỉnh gần nhất (giảm 59 triệu đồng).
Hy vọng xuất khẩu trong ASEAN
Bên cạnh việc giảm giá để gia tăng thị phần ở trong nước, nhiều doanh nghiệp lắp ráp xe hơi nội địa cũng ấp ủ tham vọng xuất khẩu sản phẩm của mình sang các nước khác thuộc ASEAN.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công cho rằng, doanh nghiệp lắp ráp ôtô phải hướng tới xuất khẩu để mở rộng ra thị trường bên ngoài. Theo ông, việc làm này sẽ giúp tăng sản lượng, tối đa hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh, từ đó tạo điều kiện để đẩy mạnh sản xuất linh kiện, tăng nội địa hóa,...
Thực tế, cơ hội xuất khẩu ôtô của Việt Nam sang các nước trong khu vực ASEAN là có thật. Con đường sẽ thêm rộng mở khi thuế suất nhập khẩu sẽ về 0% vào năm 2018. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để xe hơi Việt có thể lăn bánh tại các nước khác trong ASEAN là tỷ lệ nội địa hóa phải đạt từ 40% trở lên.
Hiện nay tỷ lệ nội địa hóa của Hyundai Thành Công mới đạt 19%. Doanh nghiệp này đang đầu tư một dây chuyền dập chi tiết thân vỏ xe từ thép tấm, sản xuất một số linh kiện khác, dưới sự chuyển giao công nghệ của Hyundai Hàn Quốc, nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 40%. Hyundai Thành Công cũng đã xúc tiến đầu tư một nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô mới tại Gia Viễn (Ninh Bình) với công suất 120.000 xe/năm, trị giá 500 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2019.
Trường Hải cũng tỏ ra không muốn đứng ngoài cuộc trong cuộc cạnh tranh xuất khẩu xe hơi. Công ty này vừa khởi công dự án sản xuất, lắp ráp 100.000 xe Mazda/năm với số vốn 500 triệu USD, tại Khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam). Sự chuyển giao công nghệ từ Mazda có thể giúp Trưởng Hải nâng tỷ lệ nội địa hóa lên mức 40% vào tháng 4/2018, khi dự án hoàn thành. Trường Hải cho biết, khi sản xuất được thân vỏ và một số linh kiện khác, xe hơi Mazda do công ty lắp ráp sẽ được xuất khẩu sang Myanmar, Campuchia, Philippines,...