MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu các Big Tech có đang gian lận hàng tỷ USD doanh thu nhờ cơn sốt AI: Không tăng trưởng nhưng vẫn bùng nổ thu nhập nhờ ‘giao dịch mua bán vòng’?

24-05-2024 - 14:41 PM | Tài chính quốc tế

Hàng loạt hãng công nghệ lớn đổ tiền đầu tư startup AI để rồi họ quay lại sử dụng sản phẩm, dịch vụ điện toán đám mây của Big Tech đang tạo nên nguy cơ gian lận giao dịch mua bán vòng.

Kết quả kinh doanh khả quan của ngành công nghệ đang khiến giá cổ phiếu thăng hoa trước các số liệu doanh thu tích cực. Tập đoàn Microsoft đã tăng 14% doanh thu trong quý I/2024 còn Google tăng 28%, Amazon là 13% còn Nvidia thậm chí là tăng 262% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên tờ Business Insider (BI) cho hay ngày càng nhiều chuyên gia Phố Wall lo ngại về nguy cơ gian lận giao dịch mua bán vòng khi doanh thu mảng điện toán đám mây của các Big Tech tăng cao nhờ cơn sốt trí thông minh nhân tạo.

Gian lận doanh thu

Cụ thể, việc các tập đoàn lớn đổ tiền vào startup AI cùng những dự án liên quan để rồi những doanh nghiệp này quay lại sử dụng sản phẩm, dịch vụ điện toán đám mây của công ty mẹ và tạo nên tăng trưởng doanh thu nhưng thực chất không đem lại lợi ích kinh tế thực sự.

Liệu các Big Tech có đang gian lận hàng tỷ USD doanh thu nhờ cơn sốt AI: Không tăng trưởng nhưng vẫn bùng nổ thu nhập nhờ ‘giao dịch mua bán vòng’?- Ảnh 1.

Trong tài chính, hành vi này được gọi là "Gian lận giao dịch mua bán vòng" (Round Tripping).

Ví dụ, tập đoàn A đầu tư cho startup B để phát triển AI để rồi B quay lại sử dụng dịch vụ của bên A. Lúc này doanh thu của A tăng lên nhờ được B mua dịch vụ nhưng thực chất lợi ích kinh tế không tăng do đây là tiền của chính họ đầu tư. Trong khi đó bên B cũng chẳng thiệt hại gì vì nếu không đem lại lợi nhuận thì không cần hoàn trả cho A.

Những giao dịch đó được thực hiện với mục đích duy nhất là làm khống doanh thu và tạo ra khối lượng lớn các hàng hóa được bán.

Thủ thuật này trước đây thường diễn ra rộng rãi trong ngành công nghiệp viễn thông, dầu khí. Ví dụ rất nhiều công ty viễn thông khai khống số lượng hàng bán bằng việc chuyển đổi quyền sử dụng mạng lưới cáp quang với các doanh nghiệp viễn thông khác. Hình thức này còn được biết đến như "hoán đổi năng suất" trong ngành viễn thông. Những giao dịch này đôi khi được ghi nhận là các khoản doanh thu mặc dù việc hoán đổi không tạo ra doanh thu cho các công ty này.

Theo BI, thủ thuật giao dịch mua bán vòng hiện đang được áp dụng ngày càng nhiều trong mảng AI khi các doanh nghiệp công nghệ cần một báo cáo tài chính "đẹp" trước cổ đông để thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên.

Hiện Amazon đã đầu tư 4 tỷ USD cho Anthropic để startup này phát triển AI và họ đã quay lại mua chính dịch vụ điện toán AWS của hãng. Microsoft cũng làm điều tương tự với OpenAI, còn Oracle thì làm với Cohere. Thậm chí đến Google cũng đang làm điều tương tự. Tuy nhiên quy mô và tầm ảnh hưởng của thủ thuật này đến mức nào thì lại tùy vào từng dự án.

Liệu các Big Tech có đang gian lận hàng tỷ USD doanh thu nhờ cơn sốt AI: Không tăng trưởng nhưng vẫn bùng nổ thu nhập nhờ ‘giao dịch mua bán vòng’?- Ảnh 2.

Tranh cãi

Vụ việc này đã được BI nêu ra từ cuối năm 2023 khi nhiều nhà đầu tư nổi tiếng bày tỏ sự lo ngại về các thương vụ AI đang tác động ngược lại doanh thu của mảng điện toán đám mây.

Mới đây nhất, quỹ đầu tư RBC Capital đã đặt nghi vấn về những khoản đầu tư của Amazon, Google hay Oracle có ảnh hưởng ngược lại thế nào cho đà tăng doanh thu điện toán đám mây của họ.

"Liệu doanh thu của AWS có bao gồm việc đào tạo các mô hình startup mà Amazon đầu tư như Anthropic hay không?", báo cáo của RBC nêu rõ nghi vấn liệu doanh thu điện toán đám mây của các Big Tech liệu có khả quan như tuyên bố.

Xin được nhắc rằng tốc độ tăng trưởng chi tiêu cho nền tảng điện toán đám mây đã giảm tốc trong bối cảnh doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách trước tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát và lãi suất đều cao.

Liệu các Big Tech có đang gian lận hàng tỷ USD doanh thu nhờ cơn sốt AI: Không tăng trưởng nhưng vẫn bùng nổ thu nhập nhờ ‘giao dịch mua bán vòng’?- Ảnh 3.

Theo RBC, số liệu của Microsoft được cho là minh bạch hơn khi hãng không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào từ việc đào tạo các mô hình GPT của OpenAI trên nền tảng điện toán đám mây Azure của mình. Điều này cho thấy sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh điện toán đám mây của Microsoft là có thể tin tưởng.

Tuy nhiên người phát ngôn của Amazon thì lại từ chối cho biết liệu doanh thu AWS có bao gồm chi tiêu đến từ Anthropic hay không.

"Amazon tuân thủ tất cả các quy tắc và tiêu chuẩn về kế hoán, đồng thời hạch toán phù hợp mọi doanh thu lẫn chi phí. Những lời đồn về thỏa thuận của AWS với các đối tác kinh doanh hoàn toàn là sai sự thật", người phát ngôn của Amazon trả lời BI về vụ việc trên.

Trong khi đó, phía Google, Microsoft và Oracle đều từ chối bình luận câu hỏi của BI về nghi vấn này.

*Nguồn: BI


Theo Băng Băng

An ninh tiền tệ

Trở lên trên