Một quốc gia Đông Nam Á trở thành “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn né thuế quan của Mỹ
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển sản xuất sang Đông Nam Á để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh thuế quan từ Hoa Kỳ.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã gặp các quan chức cấp cao của Malaysia với mong muốn được đảm bảo có thể tránh được thuế quan của Mỹ nếu chuyển hoạt động sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này.
Tờ Financial Times trích lời ba nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực pin, thiết bị y tế và bán dẫn mong muốn bộ trưởng và quan chức cấp cao Malaysia vận động hành lang để Washington dỡ bỏ thuế quan đối với một số sản phẩm do Trung Quốc sản xuất hoặc lắp ráp tại Malaysia.
Động thái này diễn ra sau khi Mỹ tuyên bố sẽ tăng thuế đối nhiều mặt hàng của Trung Quốc nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Các công ty Trung Quốc đã chuyển sản xuất sang một số nước Đông Nam Á không chịu những loại thuế đó. Sự dịch chuyển này đã thúc Trung Quốc đầu tư nước ngoài. Nhưng có một điều vẫn chưa chắc chắn là liệu Mỹ có áp dụng mức thuế mới đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất trong khu vực này hay không.
Theo một quan chức chính phủ Malaysia, vào tháng 6, Eve Energy, nhà sản xuất pin lithium đến từ Trung Quốc, đã gặp các bộ trưởng Malaysia và Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia với mong muốn nhận được đảm bảo có thể tránh thuế quan trước khi triển khai kế hoạch mở rộng ở nước này.
Vị quan chức này cho biết: “Họ muốn có sự đảm bảo nhưng chúng tôi không thể mang lại cho họ điều đó”. “Chúng tôi có thể vận động hành lang nhưng không thể biết được Mỹ sẽ làm gì trong tương lai. Chúng tôi vẫn đang cố gắng giải quyết vấn đề đó”.
Eve, công ty xuất khẩu khoảng 20% hàng hóa sang Mỹ, không trả lời yêu cầu bình luận từ FT.
Một quan chức chính phủ Malaysia khác cho biết họ đã tiếp “hàng chục” lãnh đạo các công ty bán dẫn Trung Quốc trong năm nay. Những doanh nghiệp này muốn được đảm bảo có thể xuất khẩu hợp pháp sang Mỹ nếu có trụ sở tại Malaysia, đồng thời muốn biết xem liệu họ có thể tiếp cận các con chip tinh vi của Mỹ hay không.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ năm 2023, Malaysia chiếm 20% lượng nhập khẩu chất bán dẫn của Mỹ hàng năm, nhiều hơn Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Dưới lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, các cá nhân và doanh nghiệp nước này bị cấm hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho một số nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc.
“Đôi khi họ bay đến chỉ trong một ngày”, vị quan chức này nói thêm. “Họ hỏi chúng tôi liệu họ có thể tiếp cận hoặc sử dụng chip hay GPU của Mỹ ở Malaysia hay không nếu họ thành lập một thực thể hoặc văn phòng ở đây hoặc Singapore”.
Trong 1 năm rưỡi qua, nhiều công ty Trung Quốc mở nhà máy tại Penang, một bang của Malaysia chuyên sản xuất chất bán dẫn từ những năm 1970. Bang Johor, trung tâm công nghiệp và sản xuất, cũng thu hút chú ý từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Ủy viên hội đồng bang Johor, Lee Ting Han, cho biết lãnh đạo một công ty thiết bị y tế Trung Quốc gần đây đã tham vấn ông về việc liệu công ty có phải chịu thuế sau khi chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Malaysia hay không. Lee cho biết công ty này cũng đang cân nhắc cả Mexico.
Chính quyền Tổng thống Biden đã tuyên bố áp thuế đối với ống/kim tiêm, găng tay y tế/phẫu thuật và các thiết bị y tế khác từ Trung Quốc.
Lee nói: “Tôi đã nói với công ty đó rằng họ không phải chịu thuế nếu làm như vậy ở thời điểm hiện tại. Nhưng rất khó để khẳng định liệu điều đó có tiếp diễn hay không. Mỹ có thể đột ngột thay đổi chính sách, và việc này ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đang tìm cách củng cố quan hệ với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Tuần trước, ông Anwar đã công bố kế hoạch gia nhập khối BRICS, bao gồm các thành viên chủ chốt là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Theo Financial Times
Nhịp sống thị trường