Liệu chu kỳ kinh tế 10 năm có lặp lại và kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái?
Hiện tại xuất hiện nhiều điểm tương đồng với giai đoạn kinh tế toàn cầu cất cánh 2005- 2007 trước khủng hoảng 2008 do đó có nhiều ý kiến lo ngại rằng 2019 – 2020 nền kinh tế thế giới có thể rơi vào giai đoạn suy giảm của một chu kỳ kinh tế 10 năm.
- 13-08-2018Khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ: Tồi tệ hơn Lehman, tương đương châu Á cuối những năm 1990
- 18-07-20183 nhân vật chủ chốt trong khủng hoảng 2008 đồng loạt cảnh báo về cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay
- 11-07-2018Mark Mobius: Chiến tranh thương mại chỉ là màn khởi đầu cho khủng hoảng tài chính
- 29-06-2018Chứng khoán toàn cầu bị rút vốn mạnh chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu
Công ty chứng khoán MBS vừa công bố báo cáo chuyên đề "Chu kỳ kinh tế thế giới và bài học cho Việt Nam" phân tích tình hình hiện nay và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu có phải kinh tế thế giới sắp rơi vào giai đoạn suy giảm của 1 chu kỳ kinh tế 10 năm.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, nền kinh tế thế giới đã trải qua giai đoạn phục hồi chậm chạp từ đáy trước khi có những tín hiệu khả quan vào năm 2016, 2017 và những tháng đầu năm 2018.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế dần phục hồi hoặc duy trì trạng thái ổn định tại các nền kinh tế lớn (Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản), tỷ lệ thất nghiệp giảm, hoạt động thương mại sôi động trở lại, nợ công ổn định sau thời kỳ tăng mạnh. Nền kinh tế thế giới hồi phục và lấy lại phong độ trong hơn trong gần 3 năm qua kéo theo các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản toàn cầu tăng trưởng tốt cộng thêm xu hướng bình thường hóa tiền tệ của các NHTW trên thế giới khiến mặt bằng lãi suất gia tăng.
Những nhân tố trên có điểm tương đồng với giai đoạn kinh tế toàn cầu cất cánh 2005- 2007 trước khủng hoảng 2008 do đó có nhiều ý kiến lo ngại rằng 2019 – 2020 nền kinh tế thế giới có thể rơi vào giai đoạn suy giảm của một chu kỳ kinh tế 10 năm.
Mặc dù các quan ngại trên là có cơ sở song nếu tham chiếu quy luật của chu kỳ kinh tế với 4 giai đoạn gọi là: khủng hoảng – tiêu điều – phục hồi – hưng thịnh thì chưa đủ căn cứ để khẳng định nền kinh tế thế giới đang trong điểm cuối của giai đoạn hưng thịnh để cấu thành nên nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra trong 2018.
Thông thường một giai đoạn tăng trưởng hưng thịnh của nền kinh tế (tạo ra nhân tố xảy ra khủng hoảng hoặc suy thoái tiếp theo) thường có các đặc điểm cơ bản sau:
- Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng GDP đạt đỉnh nhiều năm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp do nhu cầu lao động tăng cao.
- Tổng cầu gia tăng khiến lạm phát tăng lên ở mức cao, lạm phát tăng khiến lãi suất tăng lên ở mức cao.
- Thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản tăng mạnh mẽ và đạt trạng thái bong bóng.
Tăng trưởng thực tế mới chỉ phục hồi chưa tạo đỉnh
Kinh tế thế giới mặc dù đã lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2017 và các tháng đầu năm 2018 song mới chỉ đạt mức 3,9%. Mức tăng trưởng GDP hiện tại vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP trung bình đạt xấp xỉ 5% của giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Tình trạng tăng trưởng ghi nhận ở hầu hết các nhóm quốc gia chỉ ở mức bình thường đặc biệt là nhóm quốc gia có nền kinh tế phát triển chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế toàn cầu như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Ngoại trừ Mỹ có tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan (mặc dù chỉ xấp xỉ thời kỳ đỉnh cao) các quốc gia khác như Trung Quốc, Châu Âu và Nhật Bản chỉ ghi nhận sự phục hồi nhẹ.
Đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, tăng trưởng kinh tế cũng chỉ ở mức tương đối hài hòa và không phải ở mức nóng ngoại trừ Ấn Độ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế khá mạnh mẽ.
Bên cạnh mức độ tăng trưởng GDP, hoạt động thương mại toàn cầu cũng đang phản ánh một giai đoạn phát triển kinh tế khá hài hòa. Tăng trưởng thương mại toàn cầu giai đoạn 2010 – 2017 thường xuyên giao động quanh mức 5% thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình đạt 15% giai đoạn 2005 – 2007.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất công nghiệp toàn cầu mặc dù đã phục hồi song còn cách khá xa mức kỷ lục của giai đoạn 2005 -2007.
Áp lực lạm phát có gia tăng song vẫn ở mức thấp
Lạm phát giai đoạn 2016 – 2018 cũng đang ghi nhận những chuyển biến khá hài hòa và tích cực. So với thời kỳ tăng trưởng nóng của kinh tế thế giới 2005 – 2007, lạm phát luôn là một thách thức đối với việc duy trì sự ổn định của kinh tế toàn cầu, sức ép lạm phát giai đoạn 2016 – 2018 không quá lớn. Thậm chí tại các quốc gia phát triển lạm phát mới tăng trở lại từ mức rất thấp. Trong các năm 2015 và 2016 các quốc gia phát triển vẫn còn đang đối mặt với rủi ro giảm phát trên diện rộng.
Lạm phát toàn cầu duy trì ở mức khá thấp trong giai đoạn 2015 – 2016 và mặc dù đã tăng lại trong năm 2018 song cũng chỉ kỳ vọng duy trì ở mức 3,8%.
Lạm phát toàn cầu
Xu hướng lạm phát đã giảm dần tại các nhóm nước kinh tế phát triển. Đối với nhóm nước này, lạm phát đã có dấu hiệu chạm đáy và đi lên nhờ sức cầu gia tăng khi tăng trưởng kinh tế khả quan song không hề ở mức cao mà vẫn giao động quanh mức mục tiêu 2%.
Đối với nhóm nước đang phát triển và mới nổi, xu hướng lạm phát cũng có chiều hướng tăng nhẹ song vẫn thấp hơn đáng kể trong các giai đoạn trước. Yếu tố lạm phát phân hóa khá rõ giữa các quốc gia mới nổi. Trong khi một số nền kinh tế như Brazil, Indonesia, Ấn Độ đang đối mặt với áp lực lạm phát tăng lên thì ngược lại một số nền kinh tế như Trung Quốc, Thái Lan, lạm phát lại đang duy trì ở mức thấp.
Đặc biệt là Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế với định hướng điều hành hạ nhiệt tăng trưởng, giảm đòn bẩy qua đó hướng tới một mô hình tăng trưởng cân bằng hơn.
Lạm phát không có nhiều biến động trong giai đoạn 2011 – 2017 và vẫn ở mức thấp nếu so với thời kì kinh tế thế giới tăng trưởng cao vào các năm 2006 và 2007 do các áp lực đối với lạm phát từ phía cung cũng như phía cầu là không quá lớn.
Về phía cung, giai đoạn 2011 – 2017 giá cả các yếu tố đầu vào bao gồm các loại hàng hóa cơ bản không có sự biến động quá mạnh, thậm chí còn có xu hướng giảm từ năm 2011 – 2015 do nhu cầu tụt giảm từ Trung Quốc (là quốc gia có nhu cầu hàng hóa cơ bản lớn) khi nền kinh tế của quốc gia này hạ nhiệt. Mặc dù giá các hàng hóa cơ bản đã tăng lại từ cuối năm 2015 song mức tăng cũng không nhiều và còn cách khá xa mức giá của những năm trước khủng hoảng toàn cầu.
Về phía cầu, sức ép lạm phát cũng không thực sự rõ ràng. Kinh tế thế giới chậm phục hồi thể hiện ở cả hoạt động thương mại phục hồi chậm và sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhẹ cho thấy tổng cầu thế giới ở mức thấp trong giai đoạn vừa qua. Sức ép lạm phát từ phía cầu chỉ đến trong một số thời điểm nhất định khi các nền kinh tế lớn liên tục tung ra các gói kích thích kinh tế, đồng nghĩa với việc một lượng tiền lớn được bơm ra toàn cầu đã tạo áp lực dịch chuyển các dòng vốn nóng, đặc biệt vào các thị trường mới nổi.
Các thị trường tài sản như chứng khoán và bất động sản có bong bóng hay không
Thị trường chứng khoán là một thị trường dễ phát sinh bong bóng nhất trong các thị truờng tài sản do yếu tố thanh khoản cao và dễ tiếp cận với các dòng vốn nóng. Do đó thị trường chứng khoán là một trong các chỉ báo sớm cho các giai đoạn của chu kỳ kinh tế.
Nếu xét trên mặt bằng định giá cổ phiếu, TTCK toàn cầu tại một số quốc gia đúng là đã xuất hiện tình trạng định giá cao vào thời điểm cuối tháng 3 2018. Nguyên nhân là do dòng tiền đầu tư có chi phí thấp từ các gói kích thích tiền tệ của các NHTU Mỹ, EU trong các năm trước. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, tình trạng định giá cao của các thị trường đã không còn.
Mặt bằng định giá của các thị trường hiện tại mặc dù có sự gia tăng so với thời điểm đáy là năm 2014, 2015 (lúc nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn phục hồi khó khăn) song không có thị trường nào cao đến mức bong bóng. Tham chiếu các bong bóng chứng khoán trong quá khứ như thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015 (PE sàn Thâm Quyến ở mức 73) hay bong bóng dotcom tại Mỹ năm 2000 (PE lên tới mức 100) thì TTCK toàn cầu hiện này vẫn ở trạng thái bình thường.
Trong các năm từ 2005 đến 2018 các thị trường chứng khoán của các quốc gia trên thế giới có xảy ra tình trạng định giá cao cục bộ chủ yếu là do tác dụng phụ của các gói kích thích tiền tệ của các NHTW trên thế giới khiến dòng tiền rẻ tìm kiếm cơ hội trên các thị trường tài sản ví dụ như TTCK Nhật Bản những năm 2008, 2009, 2015, 2016; TTCK Đức và Pháp năm 2015; TTCK Indonesia năm 2015; TTCK Philipin năm 2015 và 2017.
Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại khi xu hướng bình thường hóa chính sách tiền tệ của các NHTW trên thế giới đã tương đối rõ ràng, các TTCK toàn cầu không được hỗ trợ bởi dòng tiền rẻ đã tiến hành định giá lại trong gần 3 tháng vừa qua và mặt bằng định giá của các TTCK hầu hết đã giảm đáng kể so với mức đỉnh.
Sự điều chỉnh của TTCK toàn cầu trong hơn 3 tháng qua đã không gây một xáo trộn đáng kể nào đến các nền kinh tế của các quốc gia. Điều này cho thấy các TTCK kể trên đều trong trạng thái bình thường không ở tình trạng bong bóng.
Trong suốt giai đoạn từ 2008 đến 2018, TTCK các quốc gia mới nổi như Thái Lan, Indonesia và Philipin có sự gia tăng đáng kể về mặt bằng định giá một phần nhờ dòng tiền rẻ từ các gói kích thích tiền tệ của Mỹ, EU và Nhật Bản đổ vào tìm kiếm lợi suất cao hơn. Tuy nhiên TTCK của các quốc gia này cũng có sự tăng trưởng đáng kể về quy mô vào khối lượng giao dịch trong suốt 10 năm vừa qua.
Đối với thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản cũng là một chỉ báo đáng tin cậy đối với chu kỳ kinh tế. Thông thường khi nền kinh tế tăng trưởng nóng thì thị trường bất động sản cũng rất sôi động. Ngoài ra yếu tố tín dụng lỏng và kỳ vọng đầu cơ cũng sẽ khiến thị trường bất động sản rơi vào trạng thái bong bóng đe dọa gây bất ổn kinh tế vĩ mô khi bong bóng này vỡ.
Khảo sát các thị trường bất động sản của nhóm quốc gia phát triển có quy mô kinh tế lớn cho thấy có sự phục hồi từ đáy song chưa xuất hiện tình trạng bong bóng như thời điểm trước khủng hoảng 2007 – 2008.
Mức tăng giá theo tháng trên thị trường bất động sản Mỹ đã phục hồi lại mức trước khủng hoảng năm 2007, tuy nhiên lượng nhà mới mở bán vẫn còn khá thấp và còn cách khá xa mức nóng của năm 2008. Điều này cho thấy thị trường bật động sản Mỹ vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng khá bình thường dựa trên sự phục hồi của nền kinh tế.
Thị trường bất động sản khu vực Eurozone mặc dù đã phục hồi tuy nhiên mức tăng giá không cao. Chỉ số giá nhà của khu vực mới chỉ tăng khoảng 5% so với mức trước khủng hoảng năm 2008, trong khi tăng trưởng công trình xây dựng khá thấp chỉ khoảng 3% trong các tháng gần đây thấp hơn đáng kể so với mức 10% trước khủng hoảng 2008.
Mức tăng giá nhà của Trung Quốc tại 70 thành phố lớn hiện tại tăng khoảng 5% so với cùng kỳ. Mặc dù mức tăng giá đã khá cao trong năm 2017 (khoảng 15%) tuy nhiên do thị trường cũng trải qua hai năm khá trầm lắng và giảm giá vào năm 2015 và 2016 do đó chưa thể kết luận thị trường đang tồn tại bong bóng.