Liệu có làn sóng "chốt lời" trên thị trường chứng khoán Mỹ nếu Joe Biden trúng cử Tổng thống?
Thị trường chứng khoán Mỹ được kì vọng sẽ xuất hiện làn sóng "chốt lời" nếu ông Biden trúng cử Tổng thống bởi nhà đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận trước khi chịu khoản thuế gần gấp đôi.
- 04-10-2020Một góc nhìn về kinh tế Mỹ nếu ông Biden đắc cử
- 04-10-2020Những tỷ phú nào đang rót tiền cho chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden?
- 30-09-2020"Made in USA" - Tham vọng xa vời của cả Donald Trump và Joe Biden?
Theo khảo sát mới nhất do Wall Street Journal/NBC News tiến hành đối với những người đăng kí bầu cử, ứng cử viên Tổng thống Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump 14%. Nếu Joe Biden trúng cử tổng thống, liệu thị trường chứng khoán Mỹ có sụt giảm bởi làn sóng "chốt lời" của nhà đầu tư?
Ứng cử viên Tổng thống Joe Biden đã đề xuất chính sách tăng thuế áp dụng cho lợi nhuận từ đầu tư và cổ tức của những nhà đầu tư có khoản thu nhập trên 1 triệu USD. Mức thuế suất này sẽ tăng từ 20% lên 39,6%, mức cao nhất trong các nấc thang thuế lũy tiến. Vì vậy, thị trường chứng khoán Mỹ được kì vọng sẽ xuất hiện làn sóng "chốt lời" khi ông trúng cử Tổng thống bởi nhà đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận trước khi chịu khoản thuế gần gấp đôi.
Đề xuất tăng thuế của Joe Biden đối với nhóm nhà đầu tư này nằm tăng thuế đánh vào tầng lớp giàu có và tạo nguồn thu ngân sách phục vụ các mục đích an sinh xã hội cho các tầng lớp thu nhập thấp và trung bình. Chính sách này có thể thực hiện dễ dàng hơn khi Đảng Dân Chủ giành được Thượng viện và giữ vững quyền kiểm soát Hạ viện. Do đó, từ nay đến cuối năm 2020, nếu Tổng thống tương lai của Hoa Kỳ là Joe Biden, nhiều ý kiến cho rằng các nhà đầu tư lớn sẽ "chốt lời", dẫn đến sự bất ổn của thị trường chứng khoán Mỹ trong quý cuối cùng của năm 2020. Hơn nữa, Joe Biden cũng đề xuất tăng thuế doanh nghiệp lên 28%. Điều này làm giảm lợi nhuận sau thuế, một trong những nguyên nhân làm giảm giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, Joe Biden với những nỗ lực hàn gắn Hoa Kỳ, củng cố mối quan hệ với các nước đồng minh, và chính sách đối ngoại mềm mỏng, có thể giúp nước Mỹ hàn gắn chia rẽ và bước vào một giai đoạn ổn định hơn. Như vậy, làn sóng "chốt lời" có thể diễn ra trong ngắn hạn.
Về dài hạn, chiến lược đầu tư "mua và nắm giữ" (buy and hold) có thể mang lại lợi nhuận bền vững cho các nhà đầu tư nếu Mỹ vượt qua khủng hoảng do Covid-19. Chính sách của Joe Biden cũng được dự đoán sẽ hỗ trợ tăng giá của các cổ phiếu ngành Dược và Y tế do kế hoạch mở rộng chương trình Obamacare mặc dù mức tăng giá này có thể bị hạn chế bởi việc giảm giá thuốc. Đối với ngành năng lượng và hạ tầng, các ngành này cũng được dự báo sẽ hưởng lợi từ chính sách đầu tư vào năng lượng sạch, hạ tầng để phát triển bền vững của Joe Biden.
Trong thời điểm hiện tại, mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sau thông tin Tổng thống Donald Trump nhiễm Covid-19 và báo cáo việc làm không khả quan như kì vọng, nhiều cổ phiếu vẫn tăng giá do tác động của thông tin mang đặc thù ngành và kì vọng của nhà đầu tư vào tương lai của ngành và công ty. Chẳng hạn, về dài hạn, cổ phiếu của Tesla đã tăng 436% kể từ đầu năm đến nay trong khi cổ phiếu của Zoom Video Communications tăng 610%. Cổ phiếu Amazon tăng khiêm tốn hơn nhưng vẫn ở mức cao 74%. Chỉ số S&P 500 tăng 3.8% trong năm. Như vậy, chiến lược đầu tư "mua và nắm giữ" đã mang lại lợi nhuận lâu dài cho nhà đầu tư ở cả phạm vi thị trường nói chung (đo lường bằng chỉ số chứng khoán) và phạm vi doanh nghiệp cụ thể.
Thêm nữa, thị trường chứng khoán không phải khi nào cũng hiệu quả bởi giá chứng khoán có thể theo "quán tính ngắn hạn" (short-term momentum). Điều này có nghĩa là nếu giá chứng khoán đã tăng, thì trong ngắn hạn, giá của tài sản rủi ro này cũng sẽ tiếp tục tăng. Theo nhận định của Ryan Detrick, chiến lược gia của LPL Financial, khi thị trường chứng khoán Mỹ đã có quý ba ấn tượng với mức tăng giá của cổ phiếu thì đà tăng này khó có thể kết thúc trong quý tư. Đặc biệt, tháng 11 và tháng 12 thường được xem là những tháng mà thị trường chứng khoán có mức tăng ấn tượng nhất trong năm.