MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu dòng vốn FDI có rời khỏi Việt Nam?

Chuyên gia cảnh báo không phải là không có khả năng xảy ra việc dòng vốn FDI rời khỏi Việt Nam cho dù hiện tại chúng ta vẫn là điểm sáng về thu hút FDI.

Tín hiệu lạc quan giữa tâm bão dịch

Số liệu vừa công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 8 tháng năm 2021, Việt Nam thu hút được 19,12 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn FDI giải ngân trong 8 tháng qua đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Các lĩnh vực thu hút vốn FDI nhiều nhất bao gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện; kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ...

Singapore dẫn đầu lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 8 tháng qua, với tổng vốn đầu tư trên 6,2 tỷ USD, chiếm gần 32,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai, Hàn Quốc đứng thứ ba. Hàn Quốc mặc dù chỉ xếp thứ ba về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới cũng như số lượt dự án điều chỉnh vốn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 20,4 tỷ USD thì khu vực FDI xuất siêu gần 16,7 tỷ USD kể cả dầu thô, và xuất siêu 15,6 tỷ USD không kể dầu thô.

Với kết quả thu hút FDI tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được Hội nghị của Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy điểm đến vững chắc để các nhà đầu tư tự tin với từng đồng vốn của mình.

Dù đại dịch Covid-19, nhất là các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, tác động nhất định đến sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài, song những kết quả khả quan về dòng vốn FDI trong thời gian gần đây vẫn cho thấy tín hiệu lạc quan.

Ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, phân tích về doanh nghiệp trước khi đưa ra các quyết định mua bán, sáp nhập, làm cho dòng vốn M&A giảm. Số lượng dự án FDI cấp mới và điều chỉnh góp vốn mua cổ phần ở Việt Nam có xu hướng giảm.

Theo ông Thắng, nếu Covid-19 kéo dài hơn thì ảnh hưởng là dài hạn. Sức mua trong nước giảm, chuỗi cung ứng thay đổi, vấn đề mất lao động, tuyển dụng lại lao động… đều làm tăng chi phí đầu tư, từ đó làm giảm triển vọng của nhà đầu tư.

Ông Trần Toàn Thắng cũng nêu rõ: Cạnh tranh thu hút vốn FDI tại châu Á đang ở mức cao. Với đặc điểm dòng vốn đổ vào các lĩnh vực lắp ráp nhiều hơn, tận dụng lao động giá rẻ, ưu đãi tài chính, cũng như tận dụng kiểm soát môi trường kém… không phải là không có khả năng xảy ra việc dòng vốn FDI rời khỏi Việt Nam.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông Thắng cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trước mắt có một số tích cực giúp giữ chân được doanh nghiệp nước ngoài. Đó là các hiệp định FDI cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu được linh kiện rẻ hơn, tiếp cận thị trường xuất khẩu tốt hơn. Lao động giá rẻ và năng xuất lao động đang được cải thiện.

Song, về lâu dài yếu tố quyết định việc giữ chân doanh nghiệp FDI chính là câu chuyện liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, cũng như mạng lưới của doanh nghiệp FDI ở trong nước. Nếu Việt Nam xây dựng tốt mối ràng buộc giữa các nhà đầu tư với các doanh nghiệp FDI thì cơ hội thu hút và giữ chân doanh nghiệp sẽ tốt hơn, ông Thắng lưu ý.

Nỗ lực "giữ chân" nhà đầu tư nước ngoài

Chia sẻ trên báo Công Thương về triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc sụt giảm về thu hút FDI trong một thời gian ngắn chưa nói lên điều gì về xu hướng, nên cũng không thể dựa vào đó để khẳng định FDI vào Việt Nam sẽ giảm.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), dòng vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam có thể đang chậm lại. Mặc dù dòng vốn FDI giảm do cú sốc Covid-19, nhưng cũng chứng tỏ được sự vững vàng so với các quốc gia khác trên thế giới, cho thấy niềm tin vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam.

WB cho biết: Việc vốn FDI giảm tại Việt Nam đó cũng là xu hướng chung đang diễn ra ở các quốc gia có dịch bệnh trên toàn cầu và đó là bình thường. Chúng tôi không cho rằng FDI có xu hướng dịch chuyển vốn FDI ra ngoài Việt Nam. Tất nhiên, Chính phủ Việt Nam sẽ phải nỗ lực sớm kiểm soát dịch bệnh, củng cố nền tảng của mình và tiếp tục phát huy sức mạnh nội tại, để tiếp tục là địa chỉ đầu tư giữ chân các nhà đầu tư quốc tế.

Mới đây, tờ báo kinh tế hàng đầu của Australia - The Australia Financial Review (AFR) - đánh giá, dù Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam nhưng không ngăn được dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào quốc gia này.

AFR nhìn nhận, dù các biện pháp hạn chế cũng như siết chặt hoạt động cộng đồng đang được áp dụng nhưng bức tranh toàn cảnh về việc Việt Nam trở thành điểm đến ưa chuộng của giới đầu tư nước ngoài có lẽ sẽ vẫn không thay đổi.

Có nhiều nguyên nhân đóng góp vào thành công của Việt Nam bên cạnh yếu tố nền chính trị ổn định, chính sách thu hút FDI ngày càng được cải thiện. Theo AFR, chi phí lao động thấp, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và thủ tục hành chính được đẩy mạnh cải cách theo hướng đơn giản hóa là những yếu tố đã hấp dẫn được những công ty như Samsung, Foxconn, Nike, Adidas, Gap và Levis lựa chọn.


Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên