MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu giá điện "sạch" có thể thấp hơn giá điện truyền thống?

Với sự cải tiến không ngừng của công nghệ, giá cả các loại “năng lượng sạch” – hay “năng lượng tái tạo” – đang dần đạt tới mức giá cạnh tranh so với các loại điện truyền thống.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các công trình lắp mới năng lượng tái tạo có thể tăng gần 200 GW trong năm 2019, tăng khoảng 12% so với con số 181 GW trong năm 2018.

Phát triển năng lượng sạch đang là xu thế ở nhiều nơi trên thế giới. Có tới 64% các công trình lắp mới trong ngành năng lượng thuộc về các loại năng lượng điện tái tạo, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp đạt trên mức 50%.

Liệu giá điện sạch có thể thấp hơn giá điện truyền thống? - Ảnh 1.

Tỷ trọng các công trình lắp mới của 2 loại điện truyền thống và tái tạo giai đoạn 2008 – 2018. Nguồn Global Status Report 2019

Vậy điều gì đã khiến nguồn năng lượng này lại dần trở nên phổ biến đến vậy? 

Đúng như tên gọi, các loại năng lượng tái tạo tạo có khả năng "tự bổ sung" liên tục, không có tính khan hiếm như than đá, khí tự nhiên.

Đơn cử như điện mặt trời, khác với nhiệt điện than hay nhiệt điện khí, chỉ cần có công nghệ chuyển đổi quang năng từ mặt trời thành điện năng là đã có điện để dùng. Vì thế, do công nghệ luôn có tính đổi mới, tiên tiến hơn nên giá điện mặt trời sẽ có xu hướng giảm chứ không tăng.

Tuy nhiên, nhược điểm của loại năng lượng này lại nằm ở khả năng áp dụng chúng trong thực tế. Không phải bất cứ mái nhà nào cũng có thể là địa điểm lý tưởng để lắp đặt pin mặt trời. Khả năng dự trữ năng lượng qua đêm cũng là một vấn đề cần tính đến khi lượng nắng mỗi ngày là không đều và cũng có giới hạn.

Trên thế giới, giá điện qua các năm đã tăng đáng kể. Ở Mỹ, giá điện dân dụng bán lẻ tăng trung bình 4% trong vòng 10 năm qua. Giá các loại điện từ than đá, khí gas qua thời gian cũng chỉ dao động quanh một ngưỡng nhất định chứ không có xu hướng giảm.

Liệu giá điện sạch có thể thấp hơn giá điện truyền thống? - Ảnh 2.

Giá cả trung bình của các loại năng lượng giai đoạn 2009 – 2017 tại Bắc Mỹ Nguồn: Business Insider

Trong bối cảnh đó, điện mặt trời được xem là một giải pháp hữu hiệu về chi phí khi công nghệ quang điện ngày càng tiên tiến. Chỉ trong vòng 8 năm, từ 2006 đến 2014, giá pin mặt trời trung bình trên thế giới đã giảm tới 75%, từ mức 3,25 USD/watt xuống 0,72 USD/watt. Có thể thấy chi phí của loại điện "sạch" này đã giảm đáng kể ở Mỹ, xuống mức thấp hơn cả các loại điện truyền thống.

Trong một báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho biết, các loại năng lượng tái tạo hiện có thể cạnh tranh về chi phí phát triển các nhà máy mới với các nhiên liệu hóa thạch như dầu khí, thường dao động từ 0,05 USD/kWh đến hơn 0,15 USD/kWh.

Về mặt giá cả, nguồn năng lượng tái tạo hấp dẫn nhất hiện nay là gió và mặt trời. Các tua-bin gió trên đất liền với mức phí từ 0,03-0,04 USD/kWh hiện có thể lắp đặt ở những nơi có điều kiện tự nhiên cũng như khung pháp lý và thể chế phù hợp.

IRENA cũng chỉ ra rằng, các dự án điện mặt trời mới ở những quốc gia như Chile, Mexico, Peru hay UAE đã ghi nhận chi phí cung cấp điện năng khá thấp, ở mức 0,03 USD/kWh. Điều này có được là do chính phủ các nước này đã và đang tổ chức quá trình đấu thầu cạnh tranh khi triển khai các hợp đồng phát triển nhà máy điện mới.

Tất cả số liệu trên đều cho thấy dự đoán giá năng lượng điện tái tạo sẽ rẻ hơn điện truyền thống vào năm 2020 của IRENA là hoàn toàn có thể xảy ra.

Không nằm ngoài xu hướng trên thế giới, giá điện mặt trời ở Việt Nam cũng liên tục ghi nhận mức giảm trong thời gian gần đây. Ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng Mặt Trời Đỏ, cho biết vào năm 2009 một tấm pin điện có giá tới 4 – 6 USD/W thì bây giờ chỉ còn 40 Cent – chưa tới 1 USD. Do đó nhiều hộ lắp đặt cách đây vài năm hệ thống 1 Kw hết 120 – 130 triệu VND thì nay cả gói 3 Kw mới chỉ hết 70 triệu VND.

Ông lý giải: "Có nhiều nguyên nhân giúp giá thành lắp đặt ngày càng giảm. Do trước đây nhu cầu thấp, ít người làm vì pin hệ suất thấp và hay hư hỏng vì kỹ thuật kém. Bây giờ do khoa học kỹ thuật tiến bộ nên pin năng suất cao hơn, ít hư hỏng, nhu cầu bảo vệ môi trường và giá điện truyền thống ngày càng tăng nên cầu điện mặt trời cũng tăng. Chi phí lắp đặt điện mặt trời hiện đã giảm bằng 1/6 so với cách đây 10 năm".

Giá bán lẻ điện cho hộ sinh hoạt hiện được ngành điện chia thành 6 bậc theo chỉ số sử dụng từ 0 – 50 kWh, từ 51 – 100 kWh, từ 101 – 200 kWh, từ 201 – 300 kWh, từ 301 – 400 kWh và từ 401 kWh trở lên. Mức tiêu thụ điện năng với các gia đình trung bình phổ biến là bậc 3 (2.014 VND/kWh) và bậc 4 (2.530 VND/kWh).

Trong khi đó, giá lắp đặt trung bình của điện mặt trời là 20 triệu VND/Kw, 1 năm cung cấp được 1.440 kWh điện. Chia cho 20 năm bình quân sử dụng thì giá cho 1kWh điện mặt trời chỉ hơn 800 VND, chưa bằng 1/2 lần giá điện tối thiểu và gần bằng 1/3 lần giá điện trung bình. Đáng chú ý hơn nữa, giá này không tăng trong suốt 20 năm sử dụng và không biến động thất thường như giá điện hiện nay.

Hoàng Linh

Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên