MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu không ăn thịt nữa có giúp bảo vệ môi trường?

24-11-2019 - 20:50 PM | Tài chính quốc tế

Không thể phủ nhận rằng bít tết và sườn nướng mang lại cảm giác ngon miệng cho đa số chúng ta. Tuy vậy, việc tiêu thụ một lượng thịt lợn như vậy gây ra một cái giá phải trả rất cao đối với cả người ăn và ngay chính hành tinh này.

Hơn một nửa số người trưởng thành ở cả Mỹ và Anh nói rằng họ muốn giảm tiêu thụ thịt, theo Mintel, một công ty nghiên cứu thị trường cho biết. Cho dù họ sẽ thực hiện hay không là một vấn đề khác nhau. Số lượng thịt mà người Mỹ và người Anh tiêu thụ mỗi ngày đã tăng 10% kể từ năm 1970, theo số liệu từ Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm của Liên Hợp Quốc.

Việc mọi người muốn ăn ít thịt động vật, song họ lại không có khả năng tự đem đổi chiếc bánh mì kẹp thịt để thay bằng đậu là chủ đề của hai bài báo học thuật gần đây. Một nghiên cứu được công bố trong tuần này bởi các nhà khoa học tại Đại học Oxford và Đại học Minnesota ước tính gánh nặng y tế và môi trường khi mỗi ngày phải sản xuất và chế biến nhiều loại thực phẩm khác nhau. 

Những phát hiện về sức khỏe là rất chính xác. So với một người trưởng thành phương Tây ở cùng độ tuổi có ăn chế độ ăn trung bình, một người ăn thêm 50g thịt đỏ chế biến (khoảng hai lát thịt xông khói) mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 41% trong một năm.

Thịt thậm chí còn có tác động mạnh mẽ hơn đến môi trường. So với một phần 100g rau - một phần phục vụ tiêu chuẩn được xem xét trong các bài báo học thuật, một miếng thịt đỏ 50g có liên quan tới lượng khí nhà kính thải ra nhiều hơn ít nhất gấp 20 lần, và sử dụng diện tích đất gấp 100 lần. Tính trung bình trên tất cả các chỉ số sinh thái mà các tác giả đã sử dụng, một miếng thịt đỏ có hại gấp 35 lần một bát rau xanh.

Liệu không ăn thịt nữa có giúp bảo vệ môi trường?  - Ảnh 1.

Sản xuất và tiêu thụ thịt đỏ gây hại cho môi trường gấp nhiều lần so với tiêu thụ rau xanh. (Nguồn: The Economist)

Tuy nhiên, một người mới chuyển sang chế độ ăn chay bằng cách thay thế 50g thịt bò bằng 100g cải xoăn, sẽ bị đói nhanh hơn. Một phần rau xanh tiêu chuẩn chứa ít calo hơn nhiều so với một miếng thịt. Vì vậy, người ăn chay sẽ phải ăn nhiều salad hơn so với lượng bánh mì kẹp thịt mà họ đã từ bỏ.

Đầu năm nay, một nhóm các học giả, chủ yếu ở Đại học Johns Hopkins, đã mô phỏng các tác động môi trường của những sự thay thế như vậy. Họ đã sử dụng dữ liệu tiêu thụ và mua sắm từ 140 quốc gia để ước tính loại thực phẩm nào con người có thể chuyển sang sử dụng để giúp hành tinh này và đưa ra một số kế hoạch ăn kiêng giả định. Điều này sẽ cho phép mọi người đạt được lượng năng lượng và protein được khuyến nghị theo nhiều cách khác nhau.

Bỏ hẳn ăn thịt tạo ra một sự khác biệt rất lớn. Chẳng hạn, so với một người Mỹ ăn 2.300 calo hỗn hợp thực phẩm thông thường, một người ăn chay sẽ giảm 30% lượng khí thải nhà kính hàng năm từ việc ăn uống. Nhưng sữa, được sản xuất bởi những con bò thải khí metan, vẫn còn tốn kém. Có thể giảm bớt khí thải carbon của chúng bằng cách cắt bỏ sữa và phô mai.

Một lựa chọn tốt hơn vẫn sẽ là ăn chay trong hai phần ba số bữa ăn, trong khi vẫn thỉnh thoảng thưởng thức các sản phẩm làm từ động vật. Làm như vậy sẽ cắt giảm gần 60% lượng khí thải nhà kính liên quan đến thực phẩm. Ăn chay tuyệt đối chắc chắn là thân thiện với môi trường nhất. Những người ăn chay thuần khẳng định đã loại bỏ 85% lượng khí thải carbon của chính mình.

Tham khảo Economist

Mỹ Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên