'Liều nhưng không thể ăn nhiều': Một cổ đông của Credit Suisse lỗ 1,5 tỷ USD sau 4 tháng đầu tư
Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út (SNB) là cổ đông lớn nhất của Credit Suisse và xác nhận họ đã lỗ khoảng 80% so với khoản đầu tư ban đầu.
- 21-03-2023Cuộc họp chính sách sắp diễn ra, Fed đứng trước tình huống khó khăn chưa từng có trong nhiều năm: Nên dừng hay tăng lãi suất?
- 21-03-2023Tâm sự của những nhà đầu tư ‘sống sót’ qua cuộc khủng hoảng 2008: Điều đáng sợ là hiệu ứng domino sẽ xảy ra rất nhanh
Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út (SNB) đang chịu khoản lỗ lớn sau khi UBS mua lại Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD.
Ngân hàng có trụ sở tại Riyadh nắm giữ 9,9% cổ phần của CS, đã đầu tư 1,4 tỷ franc (1,5 tỷ USD) vào ngân hàng này từ tháng 11 năm ngoái với giá 3,82 franc/cổ phiếu. Song, theo các điều khoản của thoả thuận giải cứu, UBS chỉ trả cho các cổ đông của CS 0,76 franc/cổ phiếu.
Việc các nhà đầu tư của CS đối mặt với khoản lỗ lớn diễn ra khi các cơ quan quản lý đang nỗ lực củng cố hệ thống ngân hàng toàn cầu. Cuộc giải cứu diễn sau vài tuần đầy biến động, chứng kiến ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ và cổ phiếu ngân hàng khu vực First Republic lao dốc, cũng như đợt sụt giá mạnh của cổ phiếu ngân hàng ở nhiều thị trường khác.
Cổ phiếu UBS - ngân hàng lớn nhất Thuỵ Sĩ giảm 10,8% lúc 9h28 sáng tại London (khoảng 5h30 sáng giờ Hà Nội). Trong khi đó, lĩnh vực ngân hàng của châu Âu giao dịch thấp hơn 4%, còn CS giảm tới 62%.
Dù thua lỗ nhưng SNB cho biết chiến lược của họ vẫn không thay đổi. Ngân hàng Ả Rập phát biểu: “Vào tháng 12/2022, khoản đầu tư của SNB vào CS chiếm chưa đến 0,5% tổng tài sản và chỉ có tỷ trọng khoảng 1,7% trong danh mục đầu tư.”
Ngân hàng này nói thêm, tình hình hiện tại không ảnh hưởng đến khả năng tạo ra lợi nhuận, kế hoạch tăng trưởng của SNB và những dự báo cho năm 2023.”
Trong khi đó, quỹ đầu tư quốc gia Qatar - Qatar Investment Authority (QIA), là cổ đông lớn thứ 2 của CS, hiện nắm giữ 6,8% cổ phần của ngân hàng. QIA cũng thua lỗ nặng song không đưa ra phản hồi về sự kiện này.
Những khó khăn của CS đã tồn tại trong một thời gian dài, đỉnh điểm là nhiều năm kinh doanh thua lỗ hàng tỷ USD, dính nhiều bê bối, ban lãnh đạo thay đổi và nhà đầu tư không tin tưởng vào chiến lược. Hồi tháng 2, CS đã báo khoản lỗ lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 sau khi khách hàng rút hơn 110 tỷ franc.
Vào tháng 12/2022, CS huy động được khoảng 4 tỷ USD từ các nhà đầu tư, bao gồm những “đại gia” ở vùng Vịnh và các quỹ đầu tư quốc gia như SNB, QIA và SOG. Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy (NBIM) cũng là một cổ đông lớn.
Một số người cho rằng, những vấn đề đột ngột bùng lên vào tuần trước ở CS là một phần do SNB của Ả Rập. Hôm thứ Tư, chủ tịch SNB - Ammar Al Khudairy, cho biết sẽ không mua thêm cổ phần trong khi CS đang gặp khó khăn.
Lời bình luận này ngay lập tức đã khiến thị trường hoảng sợ và cổ phiếu CS giảm 24% trong phiên giao dịch ngày hôm đó, dù đây không phải là thông báo mới. Hồi tháng 10, SNB cho biết họ không có kế hoạch tăng tỷ lệ nắm giữ vượt mức 9,9% ở thời điểm đó.
Một banker giấu tên ở UAE chia sẻ: “Tình hình tại CS có khó khăn và nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi về tương lai của họ. Tuy nhiên, SNB lại khiến thị trường mất bình tĩnh. Là cổ đông lớn nhất, họ sẽ là bên mất nhiều nhất nếu CS phá sản.”
Ngay ngày hôm sau Chủ tịch SNB đã nỗ lực xoa dịu tình hình, trả lời phỏng vấn CNBC rằng: “Nếu nhìn vào toàn bộ lĩnh vực ngân hàng vốn đã gặp khó khăn, rất nhiều người đang đi tìm lý do. Mọi thứ có một chút hoảng loạn nhưng theo tôi là không có cơ sở, dù đó là với CS hay cả thị trường.”
Song, những lời bình luận này cũng không thể khiến thị trường bình tĩnh trở lại, thậm chí còn lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng khác trên toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Thuỵ Sĩ Karrin Keller-Sutter, đã trấn an về thương vụ hỗ trợ UBS mua lại CS rằng: “Đây là một giải pháp thương mại chứ không phải gói cứu trợ.”
Simon Fentham-Fletcher - CIO của Freedom Asset Management tại Abu Dhabi, chia sẻ: “Cảm giác của SNB lúc này có lẽ cũng giống tất cả cổ đông của CS, họ vô cùng tức giận vì ban lãnh đạo đã để tình hình đi đến mức này. Trong nhiều năm, CS đã ‘lảo đảo’ đi từ khủng hoảng tiền phạt cho đến thay đổi ban quản lý để cải tổ. Nhưng đến cuối, họ đã không còn thời gian.”
Fentham-Fletcher nói, các cổ đông, đặc biệt là những cái tên lớn như SNB, giờ đây có thể muốn đánh giá lại cách thức họ đầu tư. Ngoài ra, họ cũng sẽ nhìn nhận lại những khoản đầu tư lớn tương tự để hiểu thêm về những gì xảy ra bên trong.
Tham khảo CNBC
Nhịp sống thị trường