MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu robot có "chiếm" hết việc của con người?

16-02-2022 - 12:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc Nhân sự, HSBC Việt Nam

Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc Nhân sự, HSBC Việt Nam

Trong số những tin tức dồn dập và căng thẳng về Covid-19 tại Việt Nam những tháng giữa và cuối năm 2021, tôi vẫn còn nhớ tin về chú robot đưa thuốc và đồ ăn tại bệnh viện dã chiến. Các bác sỹ tại bệnh viện dã chiến số 14 ở thành phố Hồ Chí Minh có một đội robot giúp vận chuyển thuốc men, thức ăn, sữa từ bên ngoài vào khu điều trị bệnh nhân, giúp nói chuyện với bệnh nhân và thông tin cho bác sỹ.

Ví dụ trên chỉ là một phần rất nhỏ cho thấy đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ tự động hóa ở nhiều ngành nghề và điều này xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, người dân dần thích ứng với những thói quen tiêu dùng mới dẫn đến nhiều công việc dần bị thay thế bởi quy trình tự động. Một nguyên nhân nữa là tình trạng thiếu hụt nhân công trên toàn cầu khiến các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề như sản xuất, xây dựng, bán lẻ, nhà hàng, khách sạn… sẵn sàng đầu tư xây dựng quy trình mới để đảm bảo duy trì hoạt động trong điều kiện nhân công hạn chế mà không bị lạm phát chi phí.

Tự động hóa hiểu theo nghĩa rộng là nỗ lực hướng tới tính hiệu quả. Thông thường, tự động hóa liên quan tới việc cắt giảm và thay thế con người trong một quy trình vận hành, có thể thấy trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, tiêu dùng, công nghệ thông tin, tài chính… Những công nghệ tiêu biểu đang tham gia tích cực vào dòng chảy tự động hóa có thể kể đến như người máy (robot), điện toán đám mây (cloud computing), Internet vạn vật (Internet of Things), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), thương mại điện tử (e-commerce), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR), chuỗi khối (blockchain)…

Làn sóng tự động hóa để lại ảnh hưởng không nhỏ trong phạm vi một doanh nghiệp, từ nhà xưởng đến chuỗi cung ứng, logistics… khi công nghệ cho phép họ tiết kiệm nhân công và cắt giảm lao động. Trên quy mô toàn xã hội, tác động của xu hướng này có thể thấy rõ trên thị trường lao động.

Trong trung hạn, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự "tuyệt chủng" của một số vị trí ở những ngành nghề dễ áp dụng tự động hóa và chi phí đầu tư "vừa túi tiền" như sản xuất, bán lẻ và logistics. Trong khi đó, một số công việc có thể an toàn vì đòi hỏi kỹ năng mà quy trình tự động không đáp ứng được như sáng tạo ý tưởng, giải quyết tình huống hoặc quản lý con người. Song song với đó, tự động hóa cũng sản sinh ra những vai trò mới và nhiều ngành lại "khát" nhân tài hơn trước. Xu hướng này đã tác động đến nhiều nước đã phát triển nơi chi phí nhân công khá đắt đỏ và đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam. Xét về nhiều mặt, tự động hóa là yếu tố then chốt tác động đến sự phát triển của thị trường lao động trong một thập kỷ tới.

Trong thực tế… cơ hội mở ra

Một nghiên cứu của OECD chỉ ra rằng 40% việc làm tạo ra trong giai đoạn 2005-2016 thuộc về những ngành liên quan nhiều đến số hóa. Đồng thời, báo cáo về công việc năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết tới năm 2025, 85 triệu công việc có thể được thay thế bằng tự động hóa trong khi 97 triệu công việc mới được ra ra. Sự thay đổi về bản chất nghề nghiệp đang gia tăng theo bốn hướng.

1. Ngành cũ, việc mới: Sự ra đời của các ứng dụng gọi xe khiến nhiều người chọn lái xe như một nghề nghiệp chính, góp phần gia tăng tỷ lệ lao động có việc làm, có thu nhập.

2. Giảm giá thành, tăng chi tiêu: Tiến bộ công nghệ giúp hiệu suất của chuỗi cung ứng được cải thiện dẫn đến giá thành nhiều nhóm hàng hóa giảm, góp phần thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu vào mục đích khác ví dụ như dịch vụ, những lĩnh vực mang đến trải nghiệm. Từ đó, công việc trong những ngành này cũng gia tăng.

3. Giảm chi phí cho các ngành công nghiệp gia công: Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và chế biến cung ứng có thể hưởng lợi về chi phí nhờ ứng dụng công nghệ, điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể giữ giá thấp và nhu cầu ở mức cao. Nếu cải tiến công nghệ giúp giảm chi phí cung ứng TV (khi những tắc nghẽn chuỗi cung ứng được tháo gỡ), nhu cầu mua sản phẩm này tăng cao sẽ giúp tạo ra thêm việc làm ở những ngành cung ứng thành phần và nguyên liệu thô. Từ đó, doanh nghiệp có thể duy trì hoặc gia tăng lao động ở những vị trí tạo ra giá trị gia tăng khó hoặc tốn chi phí cao nếu ứng dụng tự động hóa.

4. Tạo ra những công việc hoàn toàn mới: Những công việc ứng dụng AI (giáo viên kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến), chuyên viên phát triển nền tảng công nghệ mới, những người sáng tạo nội dung trên YouTube, nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật số theo hình thức Non Fungible Token (một dạng chứng chỉ kỹ thuật số duy nhất được mã hóa trong một chuỗi khối).

Một sự thật không thể bỏ qua đó là nếu chỉ nhìn vào con số tương quan có thể thấy số lượng công việc mới được tạo ra nhiều hơn số công việc mất đi. Tuy nhiên, trên thực tế, người bị mất việc vì tự động hóa không chắc chắn tìm được việc mới nhờ tự động hóa. Phần lớn công việc "tuyệt chủng" do tự động hóa nằm ở nhóm công nhân làm công việc đều đặn, không đòi hỏi sáng tạo nhiều. Những nhóm nghề liên quan đến dữ liệu, bảo mật và hoạch định chiến lược sẽ trở nên "hot" hơn.

Liệu robot có chiếm hết việc của con người? - Ảnh 1.

Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ghi chú: Thống kê dựa trên sự dịch chuyển về phân chia lao động giữa người và máy.

Nhớ lại thời những năm 1980s và 1990s, nhiều người từng lo ngại lao động trong mảng kế toán, chứng từ có thể mất việc vì sự ra đời của phần mềm Excel. Thực tế, bản chất công việc không thay đổi, chỉ có cách chúng ta thực hiện các nhiệm vụ thay đổi và Excel giúp sản sinh ra nhiều ngành nghề liên quan đến phân tích tài chính. Hoặc phát minh ra chiếc máy ATM không khiến số lượng giao dịch viên của các ngân hàng giảm đi, ngược lại còn tăng lên khi nó thay đổi chức năng công việc của các giao dịch viên tại chi nhánh.

Tương tự, số người làm công việc liên quan đến tiếp thị qua điện thoại đã bắt đầu giảm và chuyển sang làm các công việc về xử lý dữ liệu. Tiến bộ công nghệ không chỉ giúp tăng thu nhập cho người lao động mà còn tạo ra ngành nghề mới với nhiều cơ hội việc làm mới.

Mặt khác, nếu như tự động hóa có thể tạo ra nguy cơ khiến nhiều lao động trong ngành công nghiệp và nông nghiệp mất việc thì ngành dịch vụ lại chứng kiến sự gia tăng. Một ví dụ nhỏ, ngày nay rất nhiều người bắt tay vào kinh doanh dễ dàng hơn nhờ các sàn thương mại điện tử bùng nổ, rõ ràng mở một gian hàng online tại nhà dễ dàng hơn đi thuê mặt bằng kinh doanh rồi phải lắp đặt, trang trí… rất nhiều thứ tốn công và tốn của.

Có những công việc không thể tự động hóa

Có một số công việc nằm ngoài khả năng của robot hoặc chỉ đơn giản vì chúng ta không thích tự động hóa như các công việc liên quan đến hành pháp, thợ làm tóc và những vị trí dịch vụ khách hàng ưu tiên người làm hơn máy.

Trong nhiều trường hợp, những công việc này hoàn toàn có thể tự động hóa nhưng sở thích chung của con người đối với nhóm ngành dịch vụ hoặc vấn đề an toàn là nguyên nhân chính hạn chế tự động hóa. Ví dụ, công việc trong ngành y tế và chăm sóc cá nhân ít khả năng bị thay thế bởi máy móc. Rõ ràng chú robot tôi rất ấn tượng cũng đã không thể thay thế đội ngũ y bác sỹ trong việc chạy chữa cho bệnh nhân Covid. Có rất nhiều việc dễ dàng tự động hóa như nhân viên pha chế hay phục vụ ở quầy bar, hướng dẫn du lịch vẫn tồn tại và thậm chí… sống khỏe vì chúng ta vẫn thích được tương tác với con người hơn là máy móc vô tri.

Hỗ trợ và nâng cao hiệu suất cho công việc

Rõ ràng nhiều công việc không nhất thiết phải "tuyệt chủng" vì tự động hóa mà có thể thay đổi. Trở lại ví dụ của chiếc máy ATM, công việc của giao dịch viên đã thay đổi, mang lại nhiều giá trị hơn, điều tương tự cũng đang và sẽ xảy ra với nhiều công việc. Công nhân có thể giảm giờ làm, sử dụng quy trình hiệu quả hơn, năng suất tăng đồng nghĩa với thêm thời gian nghỉ.

Giáo viên: Nghề giáo có thể hiệu quả hơn nhờ ứng dụng tự động đăng ký học và giảng dạy, dạy học từ xa giúp giảm bớt các công việc giấy tờ cho giáo viên.

Luật sư: Một nghiên cứu của Logol chỉ ra rằng các công ty luật có thể tăng hiệu quả gấp 4-5 lần nếu ứng dụng AI vào các công việc như thu thập thông tin, chuẩn bị hồ sơ, dự đoán kết quả và xem xét hợp đồng.

Nghiên cứu y khoa: Các nhà nghiên cứu có thể dùng tự động hóa để tăng tốc quá trình thử nghiệm các loại dược phẩm mới, cho phép thử nghiệm nhiều lần hơn so với thực hiện thủ công trong cùng một thời gian. Tự động hóa còn giúp chẩn đoán bệnh tật, cho phép thực hiện nhiều xét nghiệm và phân tích hơn. Điều đó còn đồng nghĩa nhân viên y tế có nhiều thời gian để cứu sống bệnh nhân hơn.

An toàn: Tự động hóa có thể hữu ích trong việc bảo vệ con người trong những công việc nguy hiểm như môi trường nhiệt độ khắc nghiệt, dễ cháy nổ hoặc tiếp xúc nguyên liệu độc hại hoặc ở độ cao nguy hiểm. Nếu những công việc này có thể được bổ trợ hoặc thay thế bởi máy móc, thực tế lợi ích mang lại còn nhiều hơn. Tương tự, robot và Ai có thể tăng độ an toàn trong nhiều trường hợp như phẫu thuật, lái xe hay giám sát nhà máy để đề phòng sự cố/tai nạn.

Nhưng… kỹ năng là yếu tố sống còn

Trong bối cảnh công việc có sự dịch chuyển mạnh mẽ do tự động hóa, nâng cấp kỹ năng và trang bị kỹ năng mới là cách duy nhất giúp người lao động không bị "thất thế". Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã thống kê 15 kỹ năng tối quan trọng trong những năm tới với người lao động thuộc cả hai khối công và tư.

Liệu robot có chiếm hết việc của con người? - Ảnh 2.

Rõ ràng, lợi ích kinh tế mang lại từ việc nâng cấp kỹ năng là không hề nhỏ. Lợi ích trước mắt là cá nhân người lao động tự tăng giá trị cho bản thân, có thể thích nghi với công việc khi tự động hóa lên ngôi, đảm bảo thu nhập cho cuộc sống. Ngoài ra, xét trên bình diện rộng, nếu tất cả chúng ta cùng nâng cấp kỹ năng cho bản thân, tác động kinh tế nói chung sẽ thực sự lớn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tính toán dựa trên giả định tất cả những khoảng cách về kỹ năng được lấp đầy vào năm 2028, tổng GDP toàn cầu có thể tăng thêm 6.500 tỷ USD vào năm 2030. Nếu tiến độ chậm hơn, việc nâng cấp kỹ năng đạt được vào năm 2030 thì GDP năm đó sẽ tăng thêm 5.000 tỷ USD.

Để có thế chủ động trước xu hướng của tương lai, doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo giúp nhân viên nâng cấp kỹ năng, học thêm kỹ năng mới trên tinh thần "win-win". Tại Tập đoàn HSBC, chúng tôi đã nghiên cứu và xác định các kỹ năng quan trọng giúp nhân viên cùng Tập đoàn phát triển và thành công. Năm 2021, chúng tôi ra mắt chương trình Future Skills – đào tạo những kỹ năng cần thiết cho tương lai dành cho nhân viên. Các kỹ năng thuộc bốn nhóm chính bao gồm kỹ năng cá nhân, kỹ năng liên quan đến số hóa, kỹ năng liên quan đến dữ liệu và kỹ năng liên quan đến phát triển bền vững đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân viên HSBC trên toàn thế giới. Nội dung đào tạo được đưa lên nền tảng trực tuyến giúp họ tiếp cận dễ dàng mọi lúc, mọi nơi. Trong một khảo sát nội bộ của Tập đoàn, nhân viên cho biết phát triển bản thân là một mục tiêu quan trọng đối với họ và tôi tin rằng những chương trình như Future Skills là công cụ quan trọng đáp ứng nhu cầu thiết yếu đó của họ, giúp họ vững bước tự tin vào tương lai./.

https://cafef.vn/lieu-robot-co-chiem-het-viec-cua-con-nguoi-20220216114532776.chn

Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc Nhân sự, HSBC Việt Nam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên