MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 lời xin lỗi đình đám nhất năm

18-12-2012 - 11:27 AM |

Sức ảnh hưởng vượt xa nước Mỹ.

Tờ Time vừa công bố một loạt bảng xếp hạng 10 sự kiện nổi bật nhất năm. Đáng chú ý trong đó là bảng xếp hạng 10 lời xin lỗi của các nhân vật liên quan tới các bê bối và tai tiếng trong năm vừa qua, với sức ảnh hưởng nhiều khi không chỉ nằm trong nước Mỹ. 

10. Cây hài đùa quá trớn Daniel Tosh

Năm nay đã có thêm một cây hài Mỹ đưa ra lời đùa cợt khiếm nhã và vấp phải sự phản ứng mạnh của dư luận. Nhân vật đó là Daniel Tosh, người dẫn chương trình hài ăn khách Tosh.0 của kênh Comedy Central.

Trong một màn trình diễn hồi tháng 7 ở Los Angeles, Tosh đã pha trò về nạn hiếp dâm khiến một khán giả nữ bị xúc phạm. Khi người này phản ứng, Tosh đã không dừng lại mà còn tiếp tục nói với đám đông: "Không phải sẽ vui lắm sao nếu một cô gái bị 5 người đàn ông hiếp dâm ngay lúc này?".

Lời nói của Tosh đã bị tung lên mạng và gây một làn sóng phản ứng vô cùng mạnh mẽ, với nhiều người yêu cầu ngừng phát sóng Tosh.0. Tosh đã phải lên tiếng "xin lỗi chân thành" về lời nói khiếm nhã của mình.

9. "Phó tướng" Joe Biden "chỉ đạo ngầm" Tổng thống 

Hồi tháng 5, nhiều hãng tin đã loan tin rằng Phó Tổng thống Joe Biden phải xin lỗi Tổng thống Barack Obama vì đã có hành động "chỉ đạo ngầm" ông trên vấn đề hôn nhân đồng tính.

Số là 3 ngày trước khi Obama có cuộc phỏng vấn trên chương trình Good Morning America để bày tỏ rằng quan điểm của ông về hôn nhân đồng tính đã biến đổi và ông đã trở thành người ủng hộ nó, Biden đã xuất hiện trên chương trình Meet The Press, nói rằng ông thấy "hoàn toàn thoải mái" với hôn nhân đồng tính. 

Các nhà quan sát chính trị băn khoăn không biết có phải lời bình luận trước đó của Biden đã khiến Obama cũng buộc phải có quan điểm tương tự hay không.

8. Giám đốc mật vụ Mark Sullivan và các nhân viên khó bảo

Tháng 4 năm nay, 8 nhân viên mật vụ Mỹ đã bị sa thải hoặc buộc phải từ chức sau khi có những cuộc mây mưa tại một khách sạn ở Colombia với ít nhất 20 người phụ nữ, gồm một số gái điếm, khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Barack Obama.

Bê bối càng thêm tồi tệ hơn khi một số nhân viên bị sa thải nói rằng vui vẻ như thế là chuyện thường xuyên diễn ra trong lực lượng mật vụ và nó diễn ra quá nhiều tới mức một số nhân viên đã dùng cụm từ "Gánh xiếc bí mật", để tả về một lượng lớn các nhân viên mật vụ đi công tác.

Mark Sullivan, giám đốc mật vụ Mỹ, đã nói rằng ông "vô cùng thất vọng" và đã xin lỗi vì hành vi sai trái của các nhân viên dưới quyền. Ông cũng khẳng định rằng vụ việc ở Colombia chỉ là cá biệt. Tuy nhiên theo kênh truyền hình ABC, cuộc điều tra của Bộ An ninh Nội địa đã cho thấy mật vụ từng có các cuộc trác táng tương tự ở Trung Quốc và Romania.

7. Tổng thống Libya và vụ tấn công tòa lãnh sự Mỹ

Ngày 11/9, tòa lãnh sự Mỹ ở Benghazi, Libya, đã bị tấn công làm 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có đại sứ Mỹ Chris Stevens. Vài giờ sau đó, Tổng thống Libya Mohamed el-Magariaf đã đưa ra lời xin lỗi. "Chúng tôi xin lỗi nước Mỹ, người dân Mỹ, Chính phủ Mỹ và toàn thể thế giới vì những gì đã xảy ra" - ông nói.

Nhưng những lời buộc tội sau đó đã dội ngược trở lại Mỹ, nhằm vào chính quyền Obama vì đã cung cấp lực lượng bảo vệ quá mỏng cho tòa lãnh sự và còn đánh giá sai tính chất của vụ tấn công.

Lời xin lỗi của Petraeus sau khi ngoại tình cũng đồng thời khép lại sự nghiệp của ông

6. Lời xin lỗi của sao "Chạng vạng" Kristen Stewart

Kristen Stewart, ngôi sao đã trở nên nổi tiếng vì thủ vai một cô gái trẻ bị giằng xé giữa tình yêu của hai chàng trai đã thấy chuyện trong phim tiến ra ngoài đời thực vào tháng 7 vừa qua. Đó là khi người ta phát hiện nữ diễn viên, đang hẹn hò với bạn diễn trong Twilight là Robert Pattinson, lại "bắt cá hai tay" với đạo diễn phim Snow White And The Huntsman là Rupert Sanders.

Fan ruột của loạt phim Twilight như hóa rồ và Stewart đã phải đưa ra lời xin lỗi công khai. "Tôi xin lỗi vì đã gây đau đớn và xấu hổ cho những người gần gũi với tôi và tất cả những người chịu ảnh hưởng từ chuyện này. Sự thiếu suy nghĩ trong thời gian ngắn đã phá hoại điều tốt đẹp nhất trong đời tôi, người tôi yêu và tôn trọng nhất, Rob" - cô nói.

Dù quan hệ có chút sóng gió, hai người đã nối lại tình cảm hồi tháng 9. 

5. Giám đốc sàn NASDAQ và lỗi kỹ thuật trong vụ bán cổ phiếu Facebook

Khi Facebook chuẩn bị cho đợt bán cổ phiếu lần đầu vào tháng 5, sự kỳ vọng dành cho công ty đã trở nên rất cao. Tuy nhiên giá cổ phiếu của Facebook đã nhanh chóng sụt giảm trong những tháng đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Một trong những lý do đầu tiên khiến cổ phiếu sớm sụt giá là lỗi kỹ thuật của sàn giao dịch NASDAQ, vốn đã buôn bán cổ phiếu của Facebook 30 phút trước kế hoạch và không được chuẩn bị tốt cho khối lượng cổ phiếu khổng lồ được giao dịch (80 triệu cổ phiếu trong 30 giây kể từ khi cổ phiếu được chào bán). Một số hoạt động giao dịch đã bị trì hoãn nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. 

Giám đốc điều hành NASDAQ Robert Greifeld đã phải nhận lỗi, đưa ra lời xin lỗi và phải dàn xếp bồi thường hàng chục triệu đô la cho các bên liên quan.

4. Nghị sĩ Todd Akin và vấn đề… hiếp dâm hợp pháp

Sảy miệng trong chính trị không phải là điều gì mới, nhưng nghị sĩ Missouri Todd Akin, một ứng cử viên Thượng nghị sĩ đã đi quá xa khi bình luận hồi tháng 8 năm nay rằng những người bị "hiếp dâm hợp pháp" rất ít khi mang thai. Theo ông, nguyên nhân do cơ thể nạn nhân có một cách thức "để ngăn chặn toàn bộ tiến trình mang thai".

Cụm từ "hiếp dâm hợp pháp" nhanh chóng lan tràn trên mặt báo. Akin đã phải lên tiếng xin lỗi về phát ngôn của mình sau vô số sức ép: "Hiếp dâm là hành động độc ác. Tôi đã sử dụng sai từ ngữ theo một cách thức sai lầm và vì thế tôi muốn xin lỗi". 

Nhưng dù cử tri đã tha thứ cho Akin, họ vẫn chưa quên chuyện. Hậu quả là ông thua trong cuộc đua với tỷ lệ cách biệt tới 15% so với đối thủ.

3. Giám đốc Apple Tim Cook cùng ứng dụng tồi tệ trên iPhone

Dù hoạt động bán điện thoại iPhone 5 diễn ra hồi tháng 9 đã nhanh chóng vượt qua các mẫu điện thoại trước đó, nhưng người dùng vẫn chỉ trích công ty Apple vì phần mềm bản đồ Maps dở tệ của chiếc điện thoại.

Maps là một ứng dụng mà Apple đã phát triển để thay thế ứng dụng Maps của Google vốn đã xuất hiện trên các mẫu điện thoại trước đó. Không giống sản phẩm của Appple, Maps của Apple là một sản phẩm đầy lỗi kỹ thuật, với các địa chỉ không đúng, tên các công trình đáng chú ý bị viết sai và nhiều lỗi khác. 

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã phải công bố một lá thư mở để xin lỗi người dùng vì ứng dụng này, chỉ 1 tháng sau khi iPhone mới được bán.

Thảm họa Maps ở Apple tiếp tục kéo dài tới tận tháng 10, khi Scott Forstall, quan chức phụ trách phát triển ứng dụng Maps phải ra đi. Theo tờ Wall Street Journal, ông này bị sa thải do đã không công khai xin lỗi người dùng vì lỗi của phần mềm nhiều khiếm khuyết này. 

2. Lãnh đạo CIA lộ bí mật ngoại tình

Bê bối tình dục là chuyện cũ mèm ở Washington. Nhưng không ai kỳ vọng "con cá lớn" tiếp theo sa bẫy lại là giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA). David Petraeus, nhân vật từng là tướng 4 sao trong Lục quân và được ca ngợi vì vai trò lãnh đạo xuất sắc trong các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, đã đột ngột từ chức ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, bởi một cuộc điều tra của Cục Điều tra liên bang Mỹ đã phát hiện việc ông ngoại tình với người viết tiểu sử Paula Broadwell. 

"Sau 37 năm kết hôn, tôi đã thể hiện một quyết định đặc biệt tồi khi dính líu vào một vụ ngoại tình" - Petraeus nói khi tuyên bố quyết định từ chức của ông - "Hành vi như thế là không thể chấp nhận được, từ cả vai trò của một người chồng lẫn vai trò lãnh đạo của một tổ chức như CIA".

Petraeus, người từng được đánh giá có thể trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ, sẽ gặp khó khăn trong việc khôi phục hình ảnh anh hùng của ông. 

1. Mitt Romney và 47% nước Mỹ ăn bám

Hồi tháng 9 năm nay, một đoạn video đã được tung lên mạng và có thể là thời điểm bắt đầu quá trình đi xuống của ứng cử viên Tổng thống Mitt Romney. Đoạn video được bí mật ghi hình trong một sự kiện gây quỹ diễn ra hồi tháng 5, có cảnh Romney nói với những người tham dự rằng ông "không có cơ hội kêu gọi sự ủng hộ của 47% cử tri, bởi những người này không đóng thuế thu nhập, họ tin rằng họ là những nạn nhân có quyền nhận sự trợ giúp vô hạn của Chính phủ" và vì thế những người này sẽ không bao giờ "gánh vác trách nhiệm cá nhân và tự chăm lo cho cuộc sống của mình".

Các bình luận này khiến Romney không chệch đi đâu so với hình ảnh mà ủy ban vận động tranh cử cử Obama đã tô vẽ về đối thủ: Romney chỉ là một doanh nhân tàn nhẫn. Romney ban đầu chữa cháy khi nói rằng bình luận của ông đã được nêu ra theo cách thức không hoa mỹ cho lắm. Nhưng rồi cuối cùng ông đã phải xin lỗi cử tri Mỹ, thừa nhận ông đã "nói điều hoàn toàn sai lầm".

Theo Tường Linh
Thể thao& Văn hóa/Time

tanhoa

Trở lên trên