Chiếc ví của tổng thống và những con kền kền khoác áo phụ mẫu
Nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc vừa xuất hiện trước công chúng trong một hình ảnh tuyệt đẹp về sự giản dị.
Không chỉ là việc - với tư cách một phụ nữ - bà đích thân ra chợ, mua trái cây và móc tiền ra trả. Sự giản dị nằm ở chiếc ví. Truyền thông cho biết, đó là một chiếc ví nội địa hiệu Sosandang, đã dừng sản xuất từ 2 năm nay. Nữ tổng thống đã dùng nó lâu đến nỗi hình trang trí con bướm thậm chí đã bong và giá của nó - thật kinh ngạc - chỉ 4.000 won, tương đương 76.000 đồng.
Lương mỗi năm của Tổng thống Hàn Quốc dưới thời ông Lee Myung Bak chẳng hạn, vào khoảng 226,38 triệu won, tức khoảng 4,1 tỉ đồng.
Nếu bạn cứ nhất quyết cho đó là một hành động PR bản thân, hoặc mị dân, thì bạn nên biết thêm một thông tin rằng, sự giản dị, và cống hiến là một trong những phẩm chất mang tính chất truyền thống ở chính trường Hàn Quốc. Cựu Tổng thống Lee Myung Bak chẳng phải đã cam kết dành toàn bộ tiền lương 5 năm nhiệm kỳ tổng thống để tặng cho người nghèo! Đó là sự nhân ái, xuất phát từ sự cảm thông và thấu hiểu với những khó khăn. Nếu cần thêm một bằng chứng về sự giản dị thì ví dụ thời sự nhất là cuộc sống với “xe bus công cộng, tự làm đồ ăn” của Tân Giáo hoàng Francis - người dẫn dắt 1,2 tỉ giáo dân trên toàn thế giới.
Trong khi đó, ở Việt Nam tuần qua, một tờ báo có một phóng sự ảnh về tư gia hoành tráng của một cựu quan chức: Chủ tịch Hà Giang Nguyễn Trường Tô. “3 năm sau ngày bị miễn nhiệm hết chức vụ vì những lùm xùm xung quanh vụ án Sầm Đức Xương (năm 2010), nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô trở về cuộc sống của người dân thường với thú vui điền viên”. Có điều, cái thú đó là vui vầy trong một khu trang trại sinh thái trên cả hoàng tráng với “cánh cổng được trang trí lạ mắt”, ngôi nhà với “vì kèo được chạm trổ công phu, họa tiết chạm khắc”, ngút ngàn cây xanh, non bộ phong thủy, hồ tích thủy, tiểu cảnh, bonsai, giả sơn, cây cảnh “độc” được đưa về từ khắp nơi, trong đó có thông tre, “một trong những loài khó trồng và khó “chiều” hơn cả thú “vua lan, quan trà”; chưa kể một ngôi nhà tây cầu kỳ dùng để tiếp khách.
HĐND bãi nhiệm chức vụ chủ tịch tỉnh của ông Tô, cựu chủ tịch đã “gửi lời cảm ơn đến quân dân các dân tộc Hà Giang và xin được thứ lỗi”.
Không biết sau khi rời chính trường, ông Tô đã làm gì mà giàu nhanh đến vậy (?!).
Tuần rồi, ở Nghệ An, một scandal ăn chặn mới được phanh phui. Lợi dụng chính sách hỗ trợ 180 ngàn đồng dành cho người cao tuổi, các cán bộ xã Thanh Chi, Thanh Chương, Nghệ An đã “khai sinh lại” cho cha mẹ mình để họ được hưởng trợ cấp.
Chúng ta khó có thể đòi hỏi một chủ tịch tỉnh phải sống trong một ngôi nhà rách nát và cũ kỹ, theo mô típ “cái ví” của nữ Tổng thống Park Geun-hye, hay khổ hạnh như Giáo hoàng Francis, miễn đó là những tư dinh từ đồng lương chính đáng chứ không phải từ những đồng tiền khó có thể nói là minh bạch.
Chúng ta cũng không thể đòi hỏi những cán bộ nhân ái, thấu hiểu và cảm thông đến độ phải hiến lương để ủng hộ người nghèo, nhưng dứt khoát không thể dung tha những “con kền kền khoác áo phụ mẫu”. Bởi ngoài câu chuyện vi phạm pháp luật, việc ăn chặn của những đồng bào nghèo còn là một tội ác phi nhân tính.
Theo Đào Tuấn