Lối sống xa xỉ
Những dịp lễ 8-3; 20-10; 20-11, có nhiều lẵng hoa giá tới tiền triệu, sau khi làm trọn nghĩa vụ tôn vinh phái đẹp, thầy cô đã được vứt không thương tiếc lên xe rác, người nghèo nhìn mà xót của. Khi dòng điện thoại iPhone 5 xuất hiện thì nó được bán “chạy như tôm tươi” ở Việt Nam, cho dù giá của nó lên tới hơn chục triệu đồng.
Ở nông thôn, nhìn mấy thanh niên mới lớn, nhà chỉ cặm cụi làm ruộng, ấy thế mà cũng bỏ cả chục triệu bạc để xài cái iPhone nhưng giá bằng vài tấn lúa mà cha mẹ tần tảo sớm hôm. Các số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu điện thoại và linh kiện luôn tăng rất cao, phản ánh một nhu cầu đa dạng đông đảo. Đấy là chưa kể nhiều điện thoại giá cao được nhập trốn thuế bằng các đường tiểu ngạch như du lịch, xách tay. Thế mới biết, nhu cầu tiêu dùng những hàng công nghệ đắt đỏ này ở nước ta lớn đến mức nào.
Tại sao lối sống thụ hưởng lại lên ngôi trước rất nhiều cuộc định hướng đạo đức và cải cách nền giáo dục?
Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, nợ công, nợ xấu, sự "nhảy múa" của giá vàng và ảm đạm của thị trường bất động sản, vẫn có một bộ phận người “giàu lên đột xuất”, họ cho con cái và người thân thụ hưởng những thứ xa xỉ mà nhẹ nhàng như uống một ly cà phê sáng. Câu hỏi đặt ra: Tiền đó ở đâu ra?
Chúng ta cũng thấy, những cảnh cướp của giết người ngoài xã hội có một nguyên nhân là lối sống đua đòi, thực dụng. Lối sống này đang là một “căn bệnh” làm thụt lùi bước sáng tạo của con người, sự phát triển của xã hội.