MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những lời đồn đoán về thế phong thủy cao ốc Thuận Kiều Plaza

17-02-2014 - 08:46 AM |

Thuận Kiều Plaza từ chỗ sầm uất náo nhiệt dần ế ẩm và đến nay thì đã mang một bộ mặt sầu thảm và hoang lạnh. Do vậy, trung tâm thương mại này bị bủa vây giữa một ma trận tin đồn.

Nằm ở trung tâm Q.5, TP.HCM, Thuận Kiều Plaza với cấu trúc 3 tòa tháp cao ngất ngưởng, là một trong những cao ốc đa phức hợp đầu tiên được xây dựng, từng được coi là biểu tượng phát triển của thành phố. Thế nhưng, sau hơn 15 năm tồn tại, Thuận Kiều Plaza từ chỗ sầm uất náo nhiệt dần ế ẩm và đến nay thì đã mang một bộ mặt sầu thảm, vắng vẻ.

Một cao ốc hoành tráng ở vị trí đắc địa như Thuận Kiều Plaza lại thưa người vắng vẻ là điều khó lý giải. Trong vô số những giả thiết nhằng nhịt, người ta truyền tai nhau một nguyên nhân vô hình và đáng sợ: Thuận Kiều Plaza bị ếm bùa!

Thuận Kiều Plaza do Công ty Xây Dựng Thương Mại Sài Gòn 5 (hiện nay là Tổng Công Ty Địa Ốc Sài Gòn – Resco) và Công ty Kings Harmony Intl Ltd., thông qua hình thức Hợp Đồng Hợp tác kinh doanh (HTKD) cùng xây dựng và khai thác, là một dự án bất động sản qui mô và có tầm cỡ quốc tế vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Nó từng được xem là điển hình cho kiến trúc tổng hợp gồm cư trú, vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống và thể thao…


Ma trận tin đồn

Thuận Kiều Plaza tọa lạc tại trục lộ giao thông chính, số 190 Hồng Bàng, Q.5, TP.HCM được xây dựng với tổng vốn đầu tư lúc đó gần 54 triệu USD, đưa vào sử dụng năm 1999. Tổng diện tích xây dựng của nó lên đến 100.000m2. Trong đó khu căn hộ: 60.000m2, khu thương mại: 20.000m2, diện tích nhà để xe: 10.000m2, câu Lạc Bộ thể thao giải trí: 10.000m2.
Riêng khu căn hộ chia thành ba tháp A,B,C mỗi tòa tháp cao 33 tầng, có tổng cộng 648 căn hộ được xây dựng với năm loại khác nhau. Vào những năm đầu đưa vào sử dụng, Thuận Kiều Plaza rao báo hơn 40.000USD/căn hộ. Thời bấy giờ còn được cho là rẻ so với “tầm vóc” hoành tráng của nó.

Tư duy “nhạy bén” về kinh tế là điều người ta hay nói trước khi tòa nhà này thành hình vì nó nằm trên trục đường chính của Q.5 giao thương nhộn nhịp. Thậm chí, một số nhà phong thủy còn khẳng định nó nằm trên long mạch cua thành phố, dễ dàng đạt sự thịnh vượng. Bây giờ, sau 15 năm, tất cả dự đoán hoặc quy kết đều sai. Số hộ dân ở cực kỳ thưa thớt, người sở hữu căn hộ đã thi nhau rao bán nhiều năm qua nhưng càng giảm giá thì càng khan hiếm người mua. Những hộ kinh doanh bên dưới cũng đìu hiu ế ẩm vì khách đến thăm lèo tèo thưa thớt. Người ta nhiều năm tìm cách khắc phục hiện trạng, thay đổi công năng để “cứu” ba tòa tháp chọc trời ấy nhưng cũng bế tắc.

“Thất bại” của Thuận Kiều Plaza, với nhiều người, là một điều quá lạ lùng. Và như để cố lý giải cho điều lạ lùng ấy, không ít giả thiết được đặt ra, chủ quan có, khách quan có và thậm chí là cả những lý giải mông lung. Thế nhưng, điều lạ là hầu hết lại tin vào những điều ấy. Giả thiết đầu tiên là theo phong thủy: Thoạt nhìn thì thấy toà nhà Thuận Kiếu Plaza giống như hình một con thuyền với 3 ống khói lớn ở trên.
Nhưng con thuyền này không sự chắc chắn, vững vàng. Thân thuyền quá nhỏ, kết cấu bằng các đường nét mảnh dẻ mà ống khói quá to tạo cảm giác nặng nề, dễ bị chìm do mất cân đối. Người ta còn đồ rằng, vì hình dáng của Thuận Kiều Plaza giống một con thuyền nên con đường Đỗ Ngọc Thạnh xẻ dọc khu B và khu C không khác gì đục một lỗ thủng khiến nó bị đắm và dẫn đến sự lụn bại của tòa nhà này trên thực tế.
 Con đường Đỗ Ngọc Thạnh xẻ dọc khu B và C mà theo đồn đoán là “vết đục” khiến "con thuyền" Thuận Kiều Plaza bị đắm

Giả thiết thứ hai nghe phi lý nhưng được truyền miệng rất nhiều ở Q.5: Ba tòa tháp Thuận Kiều Plaza mang hình hài của ba cây nhang. Người xây dựng nó chỉ với chủ đích là “trấn” vượng khí của khu Chợ Lớn không cho thoát ra ngoài. Và vì mục đích tối thượng đó nên việc có bán được căn hộ bên trong hay không không quan trọng(?).

Giả thiết cuối cùng đáng sợ nhất nhưng được truyền miệng nhiều nhất: Thuận Kiều Plaza bị ếm bùa! Chuyện kể rằng trong quá trình đấu thầu thi công tòa nhà đã phát sinh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và một nhà thầu. Nhà thầu này vì căm tức đã rước một thầy pháp từ Hong Kong sang dùng phép thuật thả quỷ vào bên trong quấy rối. Người ta thường kể với nhau rằng bên trong các tòa nhà ấy có ma quỷ, ban đêm thường nghe tiếng khóc. Có người còn khẳng định thường có cái bóng trắng đuổi theo mình. Dần dà, người cũ bị quấy phá bỏ đi, người mới lo sợ không dám đến, Thuận Kiều Plaza trở nên vắng vẻ như bây giờ...

Sự thật hay huyễn hoặc?

Chúng tôi quyết định làm một cuộc “khám phá” ba tòa nhà Thuận Kiều Plaza vào một buổi chiều cuối tháng 3 này. Khi những lời đồn đoán còn như ma trận mông lung thì sự thật của sự ế ẩm tại tòa nhà chọc trời này bày ra trước mắt. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là tòa tháp A cửa đóng then cài. Cả một tòa nhà đồ sộ gần như không một bóng người. Hàng trăm căn hộ phía trên nằm im ỉm.
Ở dưới có câu lạc bộ giải trí đóng cửa lâu ngày, biển hiệu hoen ố. Ông xe ôm tên Tuấn gần đó giải thích với tôi rằng khu này đóng cửa đã lâu. Những căn hộ có người ở lẻ tẻ đã được dời hết về tòa tháp C, còn tòa tháp trơ trọi này người ta chưa biết làm gì. Là người sống lâu năm ở khu vực này, ông bảo mỗi lần nhìn các tòa tháp cứ thấy tiếc hùi hụi.
Vì cả cái Q.5 bên ngoài mặt tiền sầm uất là thế nhưng trong các con hẻm tựu trung đều chật hẹp, người ở lúc nhúc. Trong khi cả vài trăm căn hộ có thể dùng cho vài ngàn người bỏ không dầm mưa dãi nắng.

Hỏi về những tin đồn ông cười buồn nói chuyện đó có lâu rồi, ông nghe kể suốt. “Người ta nói có ma quỷ trong tòa nhà này. Tôi không biết nên tin hay không. Nhưng ban đêm nhìn nó lừng lững đâm toạc trời mà chỉ vài ánh đèn leo lét cũng thấy ớn lạnh” - ông nói.

Từ tòa tháp A đầu tiên đến tòa tháp C cuối cùng của công trình chọc trời này là một đoạn đường dài đến hàng trăm mét. Nếu đi bộ một vòng quanh công trình này, khó tránh cảm giác mỏi chân. Điều này phần nào cho thấy sự hoành tráng của Thuận Kiều Plaza. Mặt tiền đường Hồng Bàng của tòa tháp C cũng vắng hoe, được khóa lại cẩn thận bằng những sợi xích to bản.
 Khung cảnh vắng vẻ bên trong cao ốc
Chúng tôi chợt nhận ra tất cả “sự sống” của công trình thế kỷ ấy tưởng như chỉ còn tập trung ở tòa nhà B. Tầng trệt của tòa nhà là các nhà hàng rộng, bên trong là bàn ghế la liệt nhưng cũng vắng thưa người. Cổng sau có thang máy nhưng cũng đã bị “xích” lại lâu ngày không dùng tới. Hai ống khói nhà hàng hì hục nhả những luồng khí đen ngòm nhuốm màu u ám vào bức tường rộng lớn.
Ở tầng hai cũng là một nhà hàng khác lớn hơn đèn điện chói lòa nhưng chỉ nhác thấy bóng nhân viên, thực khách le te vài người có thể đếm được. Ở tầng giữa các nhà hàng này là vài ki ốt bán quần áo. Lại thấy vắng hoe, chỉ chủ ki ốt túm tụm nói chuyện với nhau. Các loại quần áo dày dép đều trưng biển giảm giá 50% như dự báo cho những cuộc “tháo chạy” cuối cùng?

Đi dọc các hành lang tầng hai tòa tháp B, cũng như hai tòa tháp còn lại là la liệt hàng trăm ki ốt bỏ hoang, bên trong hàng hóa chất ngồn ngộn. Những hành lang nối tiếp nhau, rất rộng. Thang cuốn lâu ngày không hoạt động. Cả một không gian rộng lớn không một bóng người, nghe rõ cả tiếng chân mình vang vọng. Từ tầng hai, chúng tôi lách qua một chiếc cửa, leo lên một cầu thang hẹp và tối om để tiếp cận với khu căn hộ. Vừa lên đến đỉnh cầu thang đã gặp ngay chiếc thang máy bỏ không nhưng cửa mở toác, bên trong ánh điện mờ tỏ, thảm vải rách ra từng miếng. Ở ngay cửa thang máy là những chân nhang đã cháy hết có lẽ đã được cắm lâu ngày.

Chợt nhớ đến cái phần ly kỳ nhất của lời đồn: Vị pháp sư ngày trước thả ma quỷ vào chính cái thang máy ấy! Là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay chỉ là hành động khấn vái mù quáng của người đời sau khi xuất hiện tin đồn? Quá khó để lý giải. Nhưng sự vắng lặng hoang vu có phần u ám đi từ trực quan đến cảm giác một cách tự nhiên. Chúng tôi khó có thể xua đi cảm giác ớn lạnh, thậm chí rờn rợn ở cái hành lang nhỏ hẹp ấy.

Người viết bài này có quen biết “nhà nghiên cứu” huyền thuật N.H.T, một người khá có tiếng ở Sài Gòn. Hơn 20 năm nghiên cứu huyền thuật và phong thủy, ông khoát tay khi nghe chúng tôi nói về giả thiết “con tàu” Thuận Kiều hoặc "cây nhang". “Đó chỉ là tưởng tượng của nhiều người. Còn có rất nhiều giả thiết khác liên quan đến hình tượng của tòa nhà, tất cả đều huyễn hoặc”- ông khẳng định. Thường thì người ta thấy tòa nhà này giống cái gì thì gán cho nó cái ấy. Còn về phong thủy, quan niệm dùng các công trình xây dựng để trấn giữ vượng khí là có thật. Tuy nhiên, hình tượng chính hay dùng đến là cây kiếm dựng ngược. Do đó, những giả thiết như vậy là vô lý và thậm chí thiếu hiểu biết.

“Nhà nghiên cứu” N.H.T không khẳng định với chúng tôi chuyện Thuận Kiều Plaza bị ếm bùa. Nhưng ông cũng không loại trừ.

Tôi lại hỏi ông T. nếu thật sự Thuận Kiều Plaza bị ếm bùa thì có cách nào hóa giải? Ông lắc đầu nói rằng nếu giải được thì chủ đầu tư không thiếu tiền để làm việc ấy. Bùa ngải là thứ thần bí, chỉ người ếm bùa mới biết giải, người khác dù cao cường đến đâu cũng phải bó tay. “Bùa chú được dùng có khi chỉ miếng giấy bằng ngón tay, có khi là giọt nước hoặc hòn đá không biết để ở đâu nên không thể hóa giải được”-ông khẳng định. Nếu muốn hóa giải chỉ còn cách đập bỏ từng cục gạch, đào từng cục đất phần móng của ba tòa tháp chọc trời ấy đi để tìm kiếm. Nếu quả vậy thì khác nào tìm đường lên trời?

Chúng tôi trở lại Thuận Kiều Plaza vào buổi tối, cả tòa nhà lững lững trong đêm. Giữa mê hồn trận lời đồn và sự thật, một cảm giác buồn bã xâm chiếm. Chợt nhớ lời tiến sĩ Chu Phác ở Trung tâm Nghiên cứu con người, rằng bùa ngải huyền bí không tồn tại. Chợt hy vọng là như thế.

Hy vọng sự vắng lặng của Thuận Kiều Plaza hôm nay chỉ là những vướng mắc hay xung đột lợi ích thường tình chưa giải quyết được. Trong tương lai gần nào đó, người ta sẽ tháo bỏ nút thắt, nó lại sôi động, lại lập lòe ánh đèn màu thắp sáng trung tâm thành phố. Thuận Kiều Plaza sẽ lại là một biểu tượng phồn thịnh xuyên thời gian, vượt lên tất cả những đồn đoán vô căn cứ.

duchai

Theo xahoi.com

Trở lên trên