Rộ "mốt" chơi mô hình ngàn đô của nhà giàu
Bỏ ra chục triệu đồng, thậm chí vài nghìn đô Mỹ để “tậu” máy bay, ô tô công thức một, địa hình… nhưng cái khó của các món đồ chơi “nhà giàu” là thiếu sân chơi để thể hiện “đẳng cấp” của mình.
Cứ vào chủ nhật Phong, một kỹ sư điện lại mang chiếc xe đua đi thi tài cùng các thành viên trong CLB xe ô tô mô hình RC Tân Bình. Phong đã tham gia vào CLB này được hơn một năm.
Các thành viên CLB có người làm kỹ sư, bác sĩ, người làm phi công, quản lý… và cũng rất đa dạng về tuổi tác, từ lứa tuổi “teen”, đôi mươi đến những bậc cha chú ở độ tuổi “bên kia con dốc cuộc đời”. Tất cả họ đều có một điểm chung là mê chơi xe.
Bộ “đồ nghề” chơi xe mô hình của anh không dưới 40 triệu đồng. Riêng bộ khung chiếc xe đã ngốn gần 15 triệu đồng chưa kể động cơ, bàn đề, phụ tùng thay thế.
Anh cho biết: “Không kể chi phí sắm ban đầu, trung bình mỗi tháng phải bỏ vào thú chơi này hơn một triệu đồng để sắm phụ tùng, thay xăng, nhớt”.
Theo Phong, để chiếc xe có thể tham gia được những cuộc đua đòi hỏi người chơi phải đầu tư máy của Italia, Nhật Bản hoặc ít ra cũng phải của Đài Loan… Còn máy móc của Trung Quốc chỉ dành cho người đam mê nhưng không dồi dào tài chính, sắm để chạy cho vui với bạn bè.
Đã chấp nhận thú chơi xe này thì cái gì cũng phải xài đồ ngoại. Một cái khóa mở ốc bình thường giá mười mấy nghìn đã có thể vặn được nhưng dân chơi xe phải xài khóa của nó có giá vài trăm nghìn mới “vừa tay”. Đến bộ điều khiển từ xa, từng con ốc cũng phải xài hàng ngoại của các nước tiên tiến, chứ không thể là của Trung Quốc. “Tông xuyệt tông mà”, Phong cười.
Anh Thức một thành viên CLB nói: “Mua một cái lốp xe máy vài trăm nghìn cũng đắn đo chọn loại nào nhưng mua bốn cái bánh cho đồ chơi tốn hơn triệu bạc, chạy được khoảng một tháng vẫn vui vẻ. Chơi xe này đừng mong xài phụ tùng do Việt Nam sản xuất, đến xăng cũng phải nhập, đâu thể ra cây xăng mua được”.
Chưa có được sân chơi tự do
Anh Chính, thành viên lão làng của CLB ô tô mô hình RC Tân Bình, cho biết ban đầu, những người đam mê xe mô hình thường chơi một cách tự phát. Vào cuối tuần hoặc lúc rảnh, họ mang xe ra các con đường vắng trong khu công nghiệp để “dượt” xe thỏa mãn lòng đam mê. Tuy nhiên, điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến giao thông và trật tự trong khu vực. Sau đó, gặp nhau nhiều thành quen, họ bàn nhau kiếm một chỗ riêng để làm sân để chơi.
Họ tìm được một lô đất có diện tích tương đối, đang “dính” quy hoạch treo hơn chục năm nay để tổ chức sân. Vừa xây dựng vừa chơi, trong một năm qua, họ đã đóng góp không dưới 200 triệu đồng để làm sân, chưa kể tự xắn tay vào làm đất, đắp bờ tạo địa hình. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không cho phép họ chơi tự do và yêu cầu phải xin phép.
Dù vậy, khi CLB cử đại diện lên phường để xin phép thì lại được bảo chưa có quy định nên phường cũng không biết phải xử lý thế nào. Lên quận, quận bảo chờ, phải hỏi ý kiến cấp cao hơn.
Trong
khi nhiều CLB đua ô tô mô hình ở Tp. HCM đang bị làm khó thì tại thành
phố Vũng Tàu, Nhà văn hóa Thanh Niên lại mời những người đang chơi ô tô
mô hình ngoài đường phố, bãi biển về đây chơi. Thêm vào đó, các thành
viên CLB còn được hỗ trợ một khoản tiền hàng tháng để thỏa mãn niềm đam
mê của mình. Tương tự, tại thành phố Biên Hòa, Trung tâm Thể dục Thể
thao tỉnh Đồng Nai ngoài việc cung cấp sân chơi còn đứng ra tổ chức giải
đua giữa các CLB.
Tự hoàn thiện mình
Trước khi tham gia CLB đua ô tô mô hình, Nhân là một tay đua “thứ thiệt” ngoài đời. Vốn mê tốc độ, từ chỗ tò mò xem chơi, anh đâm ra thích nên mua một chiếc xe cũ có giá gần 10 triệu đồng để chính thức làm thành viên.
Nhân tâm sự: “Từ ngày sắm con xe này, mình không còn thời gian, hứng thú để mang xe máy đi đua, đi phá nữa. Cuối tuần nếu không có việc gì đặc biệt, cứ đến sân đua sẽ gặp mình. Đua xe mô hình làm cho mình tốt hơn đó chứ!”.
Tuấn, một thành viên CLB ô tô mô hình tại Quận 2, TP HCM thì cho biết: “Từ khi tham gia chơi ô tô mô hình, cuối tuần tôi không còn thời gian để nhậu nhẹt “tới bến” như trước đây. Ban ngày chơi cùng anh em, tối về lại phải chỉnh sửa”.
Trước đây, mỗi khi trong nhà hư hỏng cái gì là anh mang ra tiệm sửa hoặc mua cái mới nên anh không biết nhiều về máy móc. Từ ngày chơi món này, anh hiểu được nhiều về động cơ và các vấn đề liên quan đến điện, điện tử.
“Ban đầu mình không biết gì, nhờ anh em trong CLB chỉ dẫn, rồi từ từ tìm hiểu thêm. Ngoài sự hiểu biết, việc chơi xe còn tập cho tôi được tính tập thể, cộng đồng, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, đặc biệt trong lúc thi đấu”, Tuấn nhận xét.
Sau một vòng đua 30 phút, mồ hôi nhễ nhại, Bình không có thời gian nghỉ ngơi, mà ngồi bệt xuống đất để thay bánh, thay pin, cân chỉnh lại xe để tiếp tục đua vòng sau. Bình thổ lộ: “Có lẽ chỉ với đua xe tôi mới chịu cực như vậy. Trò chơi này giúp tôi vượt qua được thử thách và chăm chỉ hơn”.
Bình bày tỏ hy vọng sẽ được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các thành viên các CLB để họ được chơi, tập luyện hoặc thi đấu giao lưu với nhau.
“Tôi tin đây là một thú chơi lành mạnh giúp mỗi cá nhân trưởng thành hơn”, Bình nhận định.
Theo Vũ Nguyên
Người đưa tin