MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lilama 3 dự kiến phát hành 6,85 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ, tăng vốn lên 120 tỷ đồng

Lilama 3 dự kiến phát hành 6,85 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ, tăng vốn lên 120 tỷ đồng

Sau khi Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) bán đấu giá thành công toàn bộ 2,563 triệu cổ phần (tương đương hơn 49% Vốn điều lệ) và khoản nợ phải thu đối với Công ty cổ phần Lilama 3 (LM3) có giá trị hơn 375 tỷ đồng cho các nhà đầu tư mới, Lilama 3 được kỳ vọng có nhiều thay đổi tích cực.

Lilama 3 hiện có vốn điều lệ 51,5 tỷ đồng, đang giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Doanh nghiệp tiền thân là Công trường Lắp máy C1 Việt Trì, được thành lập cuối năm 1960. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực chế tạo, xây dựng, lắp đặt các công trình công nghiệp; khảo sát thiết kế, tư vấn xây dựng...

Vào những năm 2010-2011 đây là doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong họ doanh nghiệp Lilama với mức cổ tức bằng tiền chia cho cổ đông năm 2010 đạt 12,8%, năm 2011 đạt 6%.

Công ty "sa lầy" khi gom góp toàn bộ vốn liếng và vay thêm hơn 200 tỷ đồng để đầu tư Nhà máy chế tạo cơ khí và đóng tàu ở cụm công nghiệp Bạch Hạc, TP Việt Trì, Phú Thọ. Nhà máy dự kiến liên kết với đối tác Phần Lan để thực hiện sản phẩm theo đơn đặt hàng của đối tác. Tuy nhiên khủng hoảng kinh tế năm 2008 và những biến động trên thị trường Hàng hải thế giới đã khiến đối tác Phần Lan phá sản. Nhà máy khi đi vào sản xuất không đạt được hiệu quả kinh tế, không sản xuất được sản phẩm chủ đạo theo Đề án được phê duyệt (sản phẩm nắp hàng tàu biển) do không có thị trường tiêu thụ.

Giai đoạn từ năm 2012- 2016, mặc dù với năng lực và kinh nghiệm của mình được các đối tác trong và ngoài nước tin tưởng, ký kết các Hợp đồng kinh tế chế tạo và lắp đặt các Dự án lớn như: Nhiệt điện Vũng Áng 1, Mông Dương 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4, Công trình Cầu Nhật Tân, Nhà Máy giấy An Hòa, Trụ sở Cục Viễn Thông, Nhà máy ToTo 2, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.v.v. nhưng do phải "gồng mình" để gánh nợ gốc và nợ lãi của khoản vay Đầu tư Nhà máy Bạch Hạc, Công ty mất cân đối tài chính.

Năm 2016, DATC đã tham gia cơ cấu lại khoản nợ ngân hàng, trở thành cổ đông sở hữu hơn 49% Vốn điều lệ của Công ty.

Động thái mua lại phần vốn do DATC sở hữu kèm nghĩa vụ nợ của nhóm Nhà đầu tư mới tại LM3, theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Thành, Tổng Giám đốc Công ty sẽ đem đến bước ngoặt mới cho Doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư mới bên cạnh việc đầu tư thêm nguồn lực tài chính vào doanh nghiệp, cam kết tái cấu trúc tài chính bằng cách xóa nợ, chuyển nợ thành vốn góp cho Công ty để LM3 không còn lâm vào cảnh âm vốn chủ.

Việc làm này sẽ giúp Công ty có 2 bước chuyển tích cực. Thứ nhất, trong quan hệ tín dụng với các Ngân hàng, chấm điểm xếp hạng tín dụng của LM3 được cải thiện, từ đó Hạn mức tín dụng gia tăng, giúp Công ty có thể vay thêm Vốn lưu động để thực hiện các Dự án xây lắp mới với quy mô lớn hơn, quay vòng vốn tốt hơn. Thứ hai, khi không còn âm vốn chủ, Công ty có cơ hội đấu thầu trực tiếp các dự án xây lắp, không còn phải làm thầu phụ với biên lợi nhuận và nhiều hạn chế như trước đây.

Với bề dày năng lực hàng chục năm, có đội ngũ lao động chuyên môn, máy móc, LM3 có thế mạnh trong mảng xây dựng công nghiệp, với nhiều dự án nhà máy đã triển khai khắp cả nước. Đây là lợi thế so với các nhà thầu xây dựng công nghiệp khác.

"Chúng tôi sẽ tham gia các gói thầu Dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, tham gia hồ sơ đấu thầu các dự án khác", ông Thành cho biết.

Xây dựng công nghiệp là mảng thị trường có tiềm năng lớn ở Việt Nam. Việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 dự báo tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021, cùng với hàng loạt dự án hạ tầng, công nghiệp lớn được đẩy mạnh. bên cạnh đó, mở rộng sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ ở cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Tái cấu trúc thành công, LM3 sẽ có thị trường rộng và không thiếu việc làm. Ngoài mảng hoạt động xây lắp, LM3 có chiến lược mới về triển khai các hoạt động đầu tư.

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 của LM3 tổ chức ngày 31/03/2022 vừa qua, các cổ đông đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phương án xử lý tài chính các quỹ và điều chỉnh số liệu kế toán nhằm giảm mức lỗ lũy kế của Công ty.

Cụ thể, Công ty dự kiến sử dụng gần 22 tỷ đồng số dư quỹ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu để bù đắp, giúp cho lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2021 giảm xuống còn lỗ 461 tỷ đồng. Bên cạnh đó, LM3 sẽ ghi nhận bổ sung khoản nợ phải thu của CTCP Xây dựng số 8 Thăng Long hơn 24 tỷ đồng.

HĐQT đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành 6,85 triệu CP riêng lẻ để hoán đổi nợ. Mục đích nhằm hoán đổi một phần khoản nợ (cấn trừ công nợ) của ông Doãn Thanh Tuấn đã nhận chuyển nhượng nợ phải thu của DACT tại LM3. Tỷ lệ hoán đổi là 1:10.000 (1 cp sẽ hoán đổi 10.000 đồng nợ). Giá trị nợ thực hiện hoán đổi là 68.5 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến trong quý 2/2022.

Ông Nguyễn Tiến Thành- Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, nếu phát hành thành công, Vốn điều lệ của LM3 sẽ tăng từ 51,5 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng cùng với việc Ông Doãn Thanh Tuấn cam kết sẽ xóa toàn bộ nợ lãi phát sinh của khoản nợ, không tính lãi phát sinh trong năm 2022 và một phần nợ gốc Công ty sẽ thoát khỏi thực trạng âm Vốn chủ sở hữu.

https://cafef.vn/lilama-3-du-kien-phat-hanh-685-trieu-co-phieu-hoan-doi-no-tang-von-len-120-ty-dong-20220408173028427.chn

Long Châu

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên