Lĩnh vực nào sẽ bị Kiểm toán Nhà nước "sờ gáy" trong thời gian tới?
Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước sẽ giảm 20% các cuộc kiểm toán so với năm 2018 để tập trung nâng cao chất lượng. Các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra thất thoát sẽ được kiểm toán hướng tới trong năm 2019.
Truy thu hàng nghìn tỷ cho ngân sách
Nói về những thành tựu sau hơn 24 năm xây dựng và phát triển, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập.
KTNN đã tiến hành hàng nghìn cuộc kiểm toán với quy mô lớn nhỏ khác nhau tại các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) trên tất cả các lĩnh vực.
Trong 3 năm gần đây, chất lượng hoạt động và kết quả kiểm toán được nâng lên, tạo được đột phá. Năm 2016, kiến nghị xử lý tài chính 38.000 tỷ đồng, trong đó truy thu cho ngân sách nhà nước là 11.000 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi bổ sung 159 văn bản. Năm 2017, kiến nghị xử lý tài chính 91.000 tỷ đồng, tăng thu giảm chi cho ngân sách 46.000 tỷ đồng và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế 150 văn bản.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, KTNN đã phát hành 34 báo cáo kiểm toán và kiến nghị xử lý tài chính 32.000 tỷ đồng và kiến nghị sửa đổi 25 văn bản quy phạm pháp luật, chuyển nhiều hồ sơ vụ việc cho Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan tố tụng.
KTNN tập trung kiểm toán Hải quan
Theo ông Hồ Đức Phớc, thời gian vừa qua, KTNN tập trung vào những lĩnh vực mà nhiều người quan tâm và những khu vực hay xảy ra thất thoát lãng phí như BT, BOT, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thuế, chuyển giá và những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách. KTNN đã tập trung lần lượt vào các chuyên đề, từ đó kiến nghị với chính phủ sửa cơ chế chính sách phù hợp và sát hợp tránh thất thoát tài chính công, tài sản công nhà nước.
“Định hướng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường về chất lượng. Năm 2019, KTNN sẽ giảm 20% các cuộc kiểm toán so với năm 2018 để tập trung nâng cao chất lượng. Giảm báo cáo tài chính, tăng cường kiểm toán chuyên đề, tăng cường kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực, hiệu quả của các chương trình mục tiêu, các chuyên để, để hoàn thiện cơ chế, chính sách, tránh xảy ra thất thoát”, ông Phớc thông tin.
Ngoài ra, trong năm 2019, KTNN sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như đất đai của một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa, kiểm toán về một số chương trình thu thuế, xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan và một số chuyên đề về BT…
Đây đều là những lĩnh vực nhạy cảm, những khu vực có thể dễ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Với việc tổ chức các chuyên đề như vậy, kiểm toán nhà nước hi vọng sẽ tránh thất thoát tài chính công, tài sản công, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Lao động