Lĩnh vực này ở Việt Nam sẽ đón dòng vốn hàng chục tỷ đô từ quốc tế
Với những kế hoạch tham vọng về năng lượng, Việt Nam cần hỗ trợ quốc tế về nguồn vốn ưu đãi rất lớn để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các giải pháp vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa đóng góp có hiệu quả mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
- 15-02-2022Nghiên cứu thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo
- 02-02-2022Bức tranh ngành năng lượng khu vực ASEAN 2021: Liệu Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn năm 2022?
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc tiếp và làm việc với ông Alok Kumar Sharma - Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP 26) nhân dịp ông có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Buổi làm việc có sự tham dự của Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward.
Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin về những nỗ lực tích cực của ngành năng lượng vừa qua: tổng vốn đầu tư nguồn và lưới điện của phương án tháng 12/2021 là 135,9 tỷ USD giai đoạn 2021-2030 (121,79 tỷ USD cho nguồn; 14,12 tỷ USD cho lưới). Như vậy phương án điều hành tháng 12/2021 đã tiết kiệm được khoảng 28,9 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 so với phương án điều hành tháng 3/2021.
Trong thời gian tới, ngành đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, quy mô điện than là 38,8 GW, tăng so với hiện nay 18GW và gần như không tăng thêm đến năm 2045. Giai đoạn 2031-2045, tổng vốn đầu tư nguồn và lưới điện của phương án tháng 12/2021 là 241,51 tỷ USD (230,07 tỷ USD cho nguồn; 11,44 tỷ USD cho lưới). Như vậy phương án điều hành tháng 12/2021 đã tiết kiệm được khoảng 4,2 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2031-2045 so với phương án điều hành tháng 3/2021.
Sau hội nghị COP 26, nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án cập nhật lại dự thảo Quy hoạch điện VIII, chú trọng phát triển nguồn điện theo hướng đánh giá lại tính khả thi các nguồn nhiệt điện than để tiếp tục giảm điện than; phát triển mạnh điện khí, nhất là điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng khả năng hấp thụ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo quy mô lớn; phát triển mạnh mẽ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời; bố trí nguồn điện đảm bảo cân đối vùng miền, tránh truyền tải xa và đảm bảo dự phòng hợp lý ở từng miền.
Với những kế hoạch đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Việt Nam cần hỗ trợ quốc tế về nguồn vốn ưu đãi rất lớn để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các giải pháp vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa đóng góp có hiệu quả mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Alok Sharma, Chủ tịch COP 26 cho rằng, có thể huy động các nguồn tài chính công và tư nhân nhằm thực hiện cam kết đưa ra tại COP26 để đầu tư vào các dự án hạ tầng xanh. Khuyến khích Việt Nam tích cực tận dụng nguồn lực này.
Tại buổi làm việc, các đối tác khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam nguồn vốn lớn, lên tới 130 tỷ USD tới năm 2030 từ các nguồn khác nhau: thông qua các Quỹ Đầu tư Khí hậu, Quỹ tăng trưởng sạch do Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á quản lý, Quỹ của Liên minh năng lượng toàn cầu…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn sự hỗ trợ này và đề nghị ngài Chủ tịch, ngài Đại sứ là “cầu nối” hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điện Việt Nam tiếp cận được các nguồn tài chính ưu đãi. Bộ trưởng khẳng định sẵn sàng tích cực hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam để hỗ trợ triển khai các cam kết, nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng là chìa khóa cho các cam kết khí hậu của Việt Nam.
Ngoài nguồn vốn thông qua các tổ chức quốc tế, Việt Nam cũng đón dòng vốn đến từ các ngân hàng lớn. Mới đây, Ngân hàng HSBC đã có bước đi mới trong việc hiện thực hóa cam kết thu xếp đến 12 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Ngân hàng này đã thực hiện ký kết Ý định thư về việc đánh giá và cung cấp các giải pháp tài chính bền vững cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, doanh nghiệp đã có nhiều dự án năng lượng tái tạo lớn ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. Buổi lễ ký kết cũng có sự chứng kiến của ông Alok Sharma và ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết: "Sự cần thiết phải hành động chống lại biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng. Đây chính là thời điểm đó. Do vậy, chúng tôi muốn thực hiện ngay lập tức cam kết mà HSBC đã công bố vào tháng trước, chủ động hỗ trợ các mục tiêu của Việt Nam tại COP26. Chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng Chính phủ và người dân Việt Nam trong việc hiện thực hóa những tham vọng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu của các bạn, thông qua tài chính xanh và chuyển giao công nghệ".