[Live] ĐHCĐ: ACB lên kế hoạch lãi hơn 15.000 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 25% trong năm 2022
Sáng nay ngày 07/04, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức bằng cả cổ phiếu lẫn tiền mặt.
- 07-04-2022NHNN yêu cầu Eximbank giải trình với cổ đông việc bán cổ phiếu STB của Sacombank dưới mức giá tối thiểu 13.000 đồng/cp
- 07-04-2022Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng mạnh trong quý đầu năm nay
- 07-04-2022USD đạt “đỉnh” 2 năm sau biên bản cuộc họp của Fed, Bitcoin giảm sâu, vàng đi ngang
Thành viên của đoàn chủ tịch gồm chủ tọa, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch hội đồng quản trị; ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch hội đồng quản trị; ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Trưởng ban kiểm soát; ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc
Theo thông báo của ban kiểm tra tư cách cổ đông, tại thời điểm 8h44 phút có 373 cổ đông tham dự, đại diện cho 65,34% số cổ phần có quyền biểu quyết. Các trường hợp ủy quyền đều hợp lệ.
Năm 2021 ACB tiếp tục tăng trưởng mạnh
Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo ACB cho biết, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch, đời sống an sinh xã hội người dân vẫn còn nhiều khó khăn, ACB vẫn tiếp tục tăng trưởng về quy mô, đạt lợi nhuận cao và tuân thủ các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Cụ thể, năm 2021, quy mô tài sản của ngân hàng là 528 nghìn tỷ đồng, tăng 18,73%, hoàn thành 108% kế hoạch. Huy động vốn đạt 380 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 7,57%, hoàn thành 99% kế hoạch. Dư nợ cho vay đạt 362 nghìn tỷ, tăng 16,19%, hoàn thành 100%. Vốn chủ sở hữu đạt 45 nghìn tỷ, tăng trưởng 26,7%.
Các chỉ số hoạt động như chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) ở mức 35%, giảm so với mức 42% của năm 2020.
Lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn năm 2021 đạt 11.998 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020 và hoàn thành 113% kế hoạch.
Về phân phối lợi nhuận, sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức tỷ lệ 25% hoàn toàn bằng cổ phiếu, thực hiện trong năm 2022.
Lợi nhuận 2022 dự kiến hơn 15 nghìn tỷ, cổ tức chia 25%
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 11% lên 588.187 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 11% lên 421.897 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng dự kiến tăng 10% lên 398.299 tỷ đồng theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao hồi đầu năm. Nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức hơn 15.000 tỷ đồng.
Kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 (thực hiện trong năm 2023), lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông kế hoạch chia tỷ lệ 25% trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Xin bổ sung thêm điều lệ mới
Theo tờ trình tại đại hội, để đáp ứng thông tư 11, ngân hàng đã bổ sung thêm 1 điều lệ mới về thẩm quyền quyết định mức bồi thường. Trong trường hợp tổn thất về tài sản đối với khoản nợ do nguyên nhân chủ quan.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh HĐQT cũng xin phép được ủy quyền tổ chức ĐHCĐ theo phương thức trực tuyến hoặc điện tử khác.
Thảo luận cổ đông
Các cổ đông đề nghị lãnh đạo ACB chia sẻ KQKD quý 1, trong trường hợp kịch bản lạc quan, ngân hàng có đặc mục tiêu tăng trưởng cao hơn?
Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát trả lời: Về tín dụng tăng trưởng 5,2%, so với cuối năm 2021, huy động 1,6%, lợi nhuận ước khoảng 4.200 tỷ đồng, thu nhập ngoài lãi 1.300 tỷ, bancasurance dẫn đầu thị trường, nợ xấu 0,74%.
Trong năm nay ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng là 16%, phí dịch vụ và banca đều có sự tăng trưởng khá cao. Vừa qua ACB có trích lập dự phòng khoảng 2.300 tỷ do covid, nếu tình hình khả quan thì khoản này sẽ hoàn nhập và tạo ra một khoảng thu nhập bất thường cho ACB trong năm nay.
Cổ đông cũng hỏi lãnh đạo ngân hàng về tình hình Casa hiện nay và mục tiêu thời gian tới ra sao. Ông Từ Tiến Phát cho biết, CASA của ACB cuối năm 2021 khoảng 25%. Tới quý 1, đạt 27%. Lợi thế của ACB trong thời điểm này là hệ thống ngân hàng số, và tháng 4 sẽ ra một hành trình trải nghiệm số khép kín mới cho khách hàng. ACB cũng tổ chức những roadshow và liên kết với nhiều tổ chức Fintech. Vì thế, ban điều hành kỳ vọng Casa cao hơn, lên mức 28-29% vào cuối năm.
Về hoạt động của công ty con đóng góp ra sao vào ngân hàng hợp nhất, lãnh đạo ACB cho biết, Công ty chứng khoán ABCS tăng trưởng kinh doanh vượt bậc, lợi nhuận năm 2021 tăng gấp 3 so với cuối 2020, trong đó đóng góp từ lợi nhuận môi giới tăng gấp 3,7 lần, tự doanh tăng 2,6 lần. ACBS cũng có lợi thế cạnh tranh về chứng quyền. Đồng thời ACBS cũng đã được ACB tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, kỳ vọng lợi nhuận ACBS năm nay sẽ cải thiện hơn nữa.
Cổ đông cũng hỏi về chiến lược phát triển của ngân hàng ra sao? Lãnh đạo ACB cho biết Ngân hàng sẽ phát triển nhanh tệp khách hàng, chiến lược ngân hàng số, đồng thời sẽ chuyển từ các kênh phân phối truyền thống sang các khu mới; chú trọng hơn các khách hàng FDI và các khách hàng khu công nghiệp... Ngoài ra ACB cũng sẽ tập trung đầu tư nhân lực và quản trị rủi ro.
(Tiếp tục cập nhật...)
Nhịp sống kinh tế