Livestream bán hàng tiền tỷ bị thu thuế như thế nào?
“Khi đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các luật thuế, sắc thuế cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.
- 22-05-2024Đà Nẵng thuê TikToker livestream bán hàng cho các chợ truyền thống
- 21-05-2024Chuyển hồ sơ vụ kho hàng Mailystyle của "hot girl" livestream sang Công an để điều tra
- 15-05-2024Livestream bán sầu riêng 20 phút được 1,2 tỉ đồng và kết cục bất ngờ
Chiều 1/6, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến việc thời gian qua diễn ra hàng loạt các buổi livestream bán hàng với doanh thu hàng tỷ đồng. Việc quản lý chống thất thu thuế với những buổi livestream bán hàng này như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, khi thực hiện livestream bán hàng trên mạng, tức là hoạt động này đã phát sinh doanh thu, có thể phát sinh thu nhập.
“Khi đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các luật thuế, sắc thuế cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế”, ông Nguyễn Đức Chi lý giải.
Về hoạt động thương mại điện tử nói chung cũng như livestream bán hàng trên mạng, theo ông Chi, Bộ Tài chính đã thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế.
Với cá nhân, nếu phát sinh doanh thu và thu nhập thì chịu thuế đối với thu nhập, được điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nếu là hộ kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử hay livestream có phát sinh doanh thu (gọi là hoa hồng) thì quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý hộ kinh doanh (theo hình thức khoán hoặc kê khai về thuế).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thương mại điện tử cũng như livestream bán hàng là hoạt động được phát sinh trong quá trình phát triển công nghệ thông tin. Thời gian qua, cơ quan thuế đã tập trung truyền thông với tất cả các đối tượng tham gia hoạt động này, để hiểu rõ các quy định về thuế. Từ đó, họ tự tiến hành kê khai và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát, kiểm tra hoạt động này với đối tượng là cá nhân và hộ kinh doanh.
Lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin về số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Cụ thể, trong năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng.
Năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, kết quả thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm lũy kế trong 3 năm (2021, 2022 và 2023), tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đưa vào diện rà soát là 31.570 (doanh nghiệp là 6.257, cá nhân là 25.313).
Tổng số các trường hợp đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế , xử lý vi phạm là 22.159 cơ sở kinh doanh (doanh nghiệp là 543, cá nhân là 21.616) với số thuế tăng thêm là 2.900 tỷ đồng.
Tiền phong