MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ảnh hưởng tới lạm phát và mặt bằng lãi suất khi doanh nghiệp đua phát hành trái phiếu lãi suất cao

10-07-2019 - 09:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sớm báo cáo về việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất rất cao hiện nay...

Mới đây tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết có thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao, từ 12-14%/năm và lo ngại sẽ ảnh hưởng tới việc điều hành lạm phát, lãi suất đã được Chính phủ đặt mục tiêu từ trước.

"Vừa qua, nhiều đồng chí có trách nhiệm lo ngại về hiện tượng phát hành riêng lẻ mà lãi suất rất cao, không biết các ngân hàng thương mại có mua hay không, hay chỉ các nhà đầu tư tư nhân? Mặt bằng lãi suất có bị ảnh hưởng không? Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sớm báo cáo việc này", Phó Thủ tướng đề nghị.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua có sự phát triển tương đối nhanh. 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp khoảng 60.000 tỷ đồng, chủ yếu là phát hành của các tập đoàn tư nhân lớn, và chủ yếu phát hành riêng lẻ cho đối tác, không phải phát hành ra công chúng.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm bảng niêm yết khi phát hành trái phiếu riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán để công bố công khai.

Hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển. Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm sửa đổi Nghị định số 90/2011/NĐ-CP.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Phải thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm phụ thuộc vào kênh vốn của ngân hàng thương mại. Nếu vốn của doanh nghiệp mà dựa cả vào ngân hàng thương mại thì sẽ khó khăn. Do vậy, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là bước tất yếu. Doanh nghiệp có nhu cầu vốn mà họ phát hành được thì tốt, tăng vốn cho nền kinh tế. Nhưng nếu có bất thường, thiếu minh bạch hoặc thiếu an toàn thì phải chấn chỉnh".

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan lưu ý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp khi đây không phải là kênh cần khuyến khích hiện nay, đang cần dẫn vốn đúng mục tiêu, liều lượng phù hợp. 

"Chưa nói tới sai hay đúng gì mà thấy có hiện tượng nào bất thường thì phải lưu ý", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.

Trước đó vào đầu tháng 7, tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhiều chuyên gia kinh tế là thành viên cũng đề nghị Chính phủ có đánh giá sát hơn thị trường bất động sản hiện nay, trong đó có việc các doanh nghiệp huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao hơn lãi suất của ngân hàng có thể tác động tới các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Như chúng tôi đã phản ánh, thời gian gần đây các doanh nghiệp đua phát hành trái phiếu để huy động vốn, và đáng lưu ý dòng trái phiếu ấy đã được các ngân hàng hấp thu gần như toàn bộ. Có thể kể đến hai đợt phát hành trái phiếu của Công ty Cáp treo Bà Nà tổng 1.340 tỷ đồng đã được Techcombank mua trong vòng 1 tháng qua. Hay 650 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư và Xây dựng Vịnh Nha Trang được MSB gom hết. Hoặc 925 tỷ trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du Lịch Hoàng Trường thì được VPBank mua toàn bộ, 800 tỷ đồng trái phiếu CTCP Đầu tư Văn Phú cũng do VPBank mua...

Lãi suất của các khoản trái phiếu này thường rất cao. Hiện huy động vốn của các ngân hàng lãi suất cao nhất hệ thống cũng chỉ 8,6%/năm, nhưng lãi suất trái phiếu thì không dưới 10%.

Chẳng hạn của Techcombank mua từ Cáp treo Bà Nà lãi suất cho kỳ tính lãi đầu tiên là 10,3%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất bằng 3,6%/năm và trung bình cộng của lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng do BIDV chi nhánh Sở giao dịch 1, Vietcombank Sở giao dịch, VietinBank chi nhánh Hà Nội và Agribank Sở giao dịch công bố. Riêng lãi suất áp dụng từ kỳ tính lãi thứ hai đến kỳ tính lãi thứ tư vẫn là 10,3%/năm.

Hay như lãi suất mà VPBank nhận được khi đầu tư vào trái phiếu của Văn Phú là 12%/năm cho kỳ thanh toán lãi đầu tiên, kỳ tiếp theo là bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng cộng với biên độ 4,3%...

Việc các ngân hàng ôm trái phiếu doanh nghiệp thường để xé lẻ bán cho các nhà đầu tư cá nhân, thường là các khách VIP của những nhà băng này. Theo họ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp khách hàng có cơ hội thu được lợi nhuận cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm thông thường, nhất là với các khoản tiền nhàn rỗi trên 6 tháng.

Thành Chung - Hằng Kim

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên