Lộ bàn tay trong vụ đánh bom Nord Stream
Các thủ phạm đánh bom tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream) của Nga đã chi 300 nghìn dollars Mỹ cho vụ phá hoại này.
- 16-08-2024Báo Mỹ tiết lộ chấn động: Tướng Ukraine 'bất tuân thượng lệnh', cho nổ Nord Stream – Kiev liền phản ứng
- 16-08-2024Bị báo Mỹ cáo buộc liên quan đến vụ nổ đường ống Nord Stream, Ukraine lên tiếng
Chính quyền Đức mới đây đã công bố những chi tiết mới liên quan đến vụ phá hoại tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream), trong đó, một khoản tiền là 300 nghìn USD được chi cho vụ nổ phá hoại tuyến đường ống trị giá hàng tỷ USD, chưa tính đến những thiệt hại vì gián đoạn dòng chảy khí đốt sang Đức và các quốc gia châu Âu khác.
Theo giới truyền thông Berlin, Nội các Bộ trưởng Đức hôm 25/9 đã công bố những chi tiết mới về cuộc điều tra vụ phá hoại tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” chạy ngầm dưới đáy biển Baltic từ Nga sang Đức.
Người phát ngôn của chính phủ liên bang Đức là ông Steffen Hebestreit cho biết, văn phòng công tố Đức đã chính thức ban hành một số lệnh bắt giữ các nghi phạm.
Theo đó, vụ đánh bom tuyến đường ống Nord Stream đang được các cơ quan công tố nước này điều tra đồng thời với cuộc điều tra những vụ nổ gần đây tại các nhà máy công nghiệp quốc phòng ở Đức.
Giới truyền thông Đức cũng dẫn những nguồn tin riêng cho biết, một số công dân Ukraine cũng có thể liên quan đến những vụ việc này.
Theo văn phòng công tố Đức, hoạt động phá hoại tuyến đường ống dẫn khí đốt Nga-Đức được chỉ đạo bởi cựu nhân viên của cơ quan đặc biệt Ukraine là Đại tá Roman Chervinsky; trong khi những người tham gia còn lại trong chiến dịch đánh bom này chủ yếu là các chuyên gia dân sự.
Tạp chí Der Spiegel dẫn nguồn tin trong Nội các Bộ trưởng Đức viết rằng, chi phí phá hoại lên tới khoảng 300 nghìn dollars Mỹ, nguồn tài chính đến từ các nhà tài trợ tư nhân giấu tên.
Nguồn tin cũng cho rằng, lệnh cho nổ đường ống dẫn khí đốt được đích thân Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Ukraine lúc đó là ông Valery Zaluzhny đưa ra. Đồng thời, nhà lãnh đạo chính quyền Kiev là Tổng thống Vladimir Zelensky được cho là không biết về kế hoạch phá hoại này.
Trước khi những thông tin mới được công bố hôm 25/9, những kết quả điều tra về vụ nổ “Dòng chảy phương Bắc” được công bố trong thời gian gần đây cũng đã gây ra một vụ bê bối ngoại giao giữa Đức và Ba Lan.
Truyền thông Đức cho rằng, chính quyền Warsaw đã cố tình cho phép nghi phạm Roman Chervinsky - người chịu trách nhiệm vạch kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch - đến Ukraine thay vì dẫn độ về Đức.
Trong khi đó, Đại sứ hiện tại của Ukraine tại Vương quốc Anh chính là cựu Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhny, người đã chính thức bị nghi ngờ là nhân vật ra lệnh thực hiện vụ phá hoại, cũng khó có thể bị bắt giữ bởi các lệnh bắt giam của Berlin.
Giáo dục & thời đại