MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo dân số chưa giàu đã già

Số liệu từ Tổng điều tra dân số năm 2019 sẽ giúp cơ quan chức năng phân tích, có chính sách kịp thời tận dụng thời kỳ dân số "vàng".

Tính đến ngày 1-4-2019, Việt Nam có hơn 96,2 triệu dân (hơn 47,8 triệu nam và 48,3 triệu nữ). Với số dân này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 của thế giới, đứng thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). Đây là kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được công bố ngày 11-7 tại Hà Nội.

Tốc độ già hóa nhanh

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cuộc tổng điều tra dân số vào tháng 4-2019 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và kết quả sơ bộ được công bố nhanh chóng nhờ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào các quy trình thu thập, tổng hợp và xử lý số liệu.

Là cơ quan chủ trì thực hiện cuộc tổng điều tra, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2. Trong đó, Hà Nội và TP HCM là 2 địa phương có mật độ dân số cao nhất, với 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2. Sự phân bố dân cư giữa các vùng kinh tế - xã hội cũng có sự khác biệt đáng kể. Theo đó, vùng đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất cả nước với 22,5 triệu dân, chiếm gần 23,4% dân số cả nước. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với tổng dân số 5,8 triệu người.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ lo ngại khi dẫn chứng một số chuyên gia đã cảnh báo chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng tốc độ già hóa lại nhanh. "Tổng điều tra lần này phải chứng thực bằng con số cụ thể và phân tích xu hướng dân số để có đối sách, chính sách kịp thời. Bên cạnh việc phải tránh bẫy thu nhập trung bình, phải tận dụng cơ hội của dân số vàng và có chính sách kịp thời để không rơi vào tình trạng chưa giàu đã già" - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đáng chú ý, tính đến tháng 4-2019, cả nước còn khoảng 4.800 hộ dân cư không có nhà. Trao đổi với phóng viên về thực tế này, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm hiện vẫn còn 6,9% hộ dân cư đang sống trong nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Đặc biệt, có khoảng 1,4 triệu hộ với khoảng 5 triệu người đang sống trong các nhà đơn sơ. "Đây là đối tượng cần được quan tâm trong các chính sách cải thiện nhà ở dân cư trong thời gian tới" - ông Lâm đề xuất.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thông điệp của Chính phủ là "Không để ai bị bỏ lại phía sau". Bởi vậy, ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt chú ý để tập trung chính sách giảm nghèo, làm giàu cho người dân. "Đảng, nhà nước, các cấp, các ngành đã có những chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, người thu nhập thấp, tuy nhiên, nhiều người còn khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, 65,6% dân số ở nông thôn, trong đó nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, ven biển, hải đảo còn rất khó khăn" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận từ kết quả tổng điều tra.

Lo dân số chưa giàu đã già - Ảnh 1.

Dân số Việt Nam hiện nay cao thứ 15 thế giới và thứ 3 Đông Nam ÁẢnh: TẤN THẠNH

Đô thị hóa khắp nơi

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số khu vực thành thị tính đến nay là gần 33,1 triệu người (chiếm 34,4%) và tăng 4,8% so với năm 2009. Thực tế này cũng đặt ra những lo ngại về mục tiêu đạt 45% tỉ lệ dân số đô thị vào năm 2030 tại Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới liệu có khả thi?

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng so với mục tiêu của Nghị quyết số 21 dường như vẫn còn rất xa. Do vậy, để đạt mục tiêu, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tạo điều kiện nhà ở tại các khu đô thị, khu công nghiệp và tăng cường mạng lưới an sinh.

"Cần tạo nhiều việc làm bền vững thu hút nguồn nhân lực từ các khu vực nông thôn. Các TP lớn cần quan tâm giải quyết những vấn đề xã hội tại các khu đô thị như giao thông, nước sạch, vệ sinh môi trường để giữ chân người lao động và tạo lực kéo tốt đối với những người lao động từ khu vực nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp về giáo dục - đào tạo" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ áp lực không nhỏ trong việc gia tăng dân số, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhìn nhận so với mức 6,35 triệu người năm 2009, dân số Hà Nội đã tăng lên khá nhanh (trên 33%). "Mật độ dân cư đông, quá tải đã tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, giao thông đô thị và bảo vệ môi trường trên địa bàn thủ đô" - ông Toản nói.

Theo ông Toản, kết quả tổng điều tra đưa ra bức tranh tổng quan cho TP Hà Nội về việc dân số đang tăng nhanh ở cả nội thành và ngoại thành. Tuy nhiên, mức tăng mạnh nhất là ở những quận có các khu đô thị mới, mật độ dân cư phân bố không đều, có sự chênh lệch lớn giữa các huyện ngoại thành và các quận nội thành. Từ kết quả này, TP sẽ có cơ sở để hoạch định chính sách về dân số, nhà ở cũng như phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch.

Mức sinh ở đô thị xuống thấp

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết trong tình hình mới, công tác dân số lại gặp khá nhiều thách thức về tỉ lệ sinh giữa các vùng. Ở một số đô thị, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế. Ngành dân số đã thay đổi thông điệp truyền thông ở các địa phương này như: "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con"; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.N.Dung

Theo Minh Chiến

Người lao động

Trở lên trên