MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo đầu ra cho hàng triệu tấn nông sản ra sao?

09-08-2021 - 08:01 AM | Thị trường

Lo đầu ra cho hàng triệu tấn nông sản ra sao?

Đại diện nhiều địa phương cho rằng, để tháo gỡ đầu ra cho hàng triệu tấn nông sản đang bị tắc, cần có sự phối hợp, thống nhất các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, tránh tình trạng “mạnh ai người đó làm”.

Chưa tìm được đầu mối tiêu thụ

Theo báo cáo của Tổ công tác tiền phương thuộc Bộ Công Thương, hiện nay số lượng hàng hóa nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi đến kỳ thu hoạch cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam và khu vực Tây Nguyên là khá lớn.

Cụ thể, những tỉnh này đang có khoảng 5 triệu tấn lúa đến kỳ thu hoạch; 3,7 triệu tấn rau, củ quả cùng hơn 4 triệu tấn các loại trái cây như: thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, xoài, bưởi, cà phê, dứa, ca cao… đến kỳ hái quả. Ngoài ra còn khoảng 120.000 tấn hải sản, 80.000 tấn lợn hơi, 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng đang cần được tiêu thụ…Tuy nhiên, do dịch bệnh, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên việc lưu thông, tiêu thụ hàng nông sản kể trên gặp nhiều khó khăn.

Ông Bùi Vương Anh, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức cho rằng, hiện nay tiềm năng của thị trường Đức và các nước châu Âu còn rất lớn. Trong bối cảnh, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu vừa có hiệu lực, các địa phương và doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội từ hiệp định để thâm nhập vào thị trường này.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương có khoảng 200.000 tấn cua nuôi và 20.000 tấn cua khai thác cùng 530.000 tấn lúa chưa tìm được đầu mối tiêu thụ. Trong hơn 1 tháng qua, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh không đáp ứng được các yêu cầu “3 tại chỗ” hoặc “2 điểm đến 1 cung đường” dẫn đến việc thu mua nông sản tại địa phương bị giảm mạnh. Nông sản giảm giá trầm trọng, nhiều nông dân chán nản, bỏ sản xuất.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, Long An cũng đang có khoảng 1 triệu tấn lúa; 300.000 tấn rau, đậu các loại; 550.000-600.000 tấn trái cây, chưa kể lượng lớn thịt lợn hơi, trứng gia cầm ùn ứ, chưa có nơi tiêu thụ... Phần lớn nông sản của Long An cung cấp cho thị trường TPHCM nhưng TPHCM và các tỉnh phía Nam đang thực hiện các biện pháp phòng dịch không thống nhất nên các doanh nghiệp gặp khó trong khâu lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vina T&T cho biết, COVID-19 đang làm gián đoạn khâu lưu thông, làm thời gian vận chuyển hàng xuất khẩu kéo dài. Hàng nằm chờ tại cảng nhưng chậm xuất khẩu do thiếu container rỗng và cước phí vận chuyển container đã tăng hơn 10 lần so với trước.

Theo ông Tùng, hiện đã có hãng tàu thông báo không nhận vận chuyển hàng trái cây, rau củ quả bằng kho lạnh. Giá chuyên chở hàng trái cây lạnh bằng giá chở hàng khô, rủi ro lại cao nên nhiều hãng tàu không muốn nhận chuyển. Thiệt hại với các doanh nghiệp xuất khẩu trái tươi vô cùng lớn khi sản xuất ra mà không tiêu thụ được.

Thống nhất các giải pháp hỗ trợ

Trước thực tế hàng triệu tấn nông sản đang tắc đầu ra, để tháo gỡ khó khăn trong khâu kết nối tiêu thụ, lãnh đạo các tỉnh Long An, Cà Mau, Đắk Lắk cho rằng, các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp, thống nhất các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Đại diện UBND tỉnh Cà Mau đề nghị mỗi tỉnh cử một đầu mối để liên hệ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, dự kiến các loại sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản cần bán, cần mua, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương, tránh tình trạng hàng hóa thừa ở nơi sản xuất nhưng thiếu ở nơi tiêu thụ.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Công ty CP Sen Đỏ cho rằng, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và giao thương khó khăn, các đơn vị cần tận dụng kênh phân phối, tiêu thụ trên nền tảng thương mại điện tử. Hiện, Sendo đã triển khai Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia; Nông nghiệp số và Đi chợ tại nhà nhằm giúp các hợp tác xã giảm trong phân phối, giảm khâu trung gian. Các địa phương có thể tham khảo để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản của địa phương mình.

Ông Bùi Vương Anh, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức cho rằng, hiện nay tiềm năng của thị trường Đức và các nước châu Âu còn rất lớn. Trong bối cảnh, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu vừa có hiệu lực, các địa phương và doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội từ hiệp định để thâm nhập vào thị trường này.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vina T&T kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cần nhanh chóng làm việc với các hãng tàu ưu tiên vận chuyển hàng lạnh nhằm khơi thông hàng hóa. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần nghiên cứu giảm tiền điện cho các cơ sở trữ hàng đông lạnh.


Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên