Lộ diện 3 ngân hàng được Kho bạc Nhà nước gửi hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn chưa giải ngân
Lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại 3 "ông lớn" này vào cuối quý I/2023 ở mức 246.308 tỷ đồng.
- 26-05-2023Đại biểu băn khoăn 1 triệu tỉ đồng gửi trong ngân hàng, Bộ trưởng lên tiếng
- 26-05-2023ĐBQH: Ngân hàng cần chia sẻ với doanh nghiệp, không thể "một mình, một chợ"
- 25-05-2023Lãnh đạo các ngân hàng nói gì về quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN?
Số liệu từ báo cáo tài chính quý I cho thấy, lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại BIDV, Vietcombank, VietinBank vào thời điểm 31/3/2023 ở mức 246.308 tỷ đồng.
Trong đó, BIDV nhận hơn 111.221 đồng tiền gửi của KBNN, gồm gần 106.300 tỷ tiền gửi có kỳ hạn và hơn 4.900 tỷ tiền gửi không kỳ hạn. Tại thời điểm cuối tháng 3, BIDV là ngân hàng sở hữu nhiều tiền gửi của KBNN nhất hệ thống dù con số này đã giảm mạnh từ mức gần 140.800 tỷ vào cuối năm 2022.
Tương tự, số dư tiền gửi của KBNN tại VietinBank cũng giảm từ 103.043 tỷ đồng hồi cuối năm 2022 về còn 99.043 tỷ đồng vào cuối quý I.
Với Vietcombank, tiền gửi KBNN tại thời điểm 31/3 ở mức 36.044 tỷ đồng, giảm hơn 13.500 tỷ trong quý I.
Tính chung, đến cuối tháng 3, lượng tiền gửi KBNN tại 3 "ông lớn" ngân hàng nêu trên đã giảm gần 47.100 tỷ so với hồi đầu năm, nhưng tăng hơn 125.700 tỷ so với mức ghi nhận cùng thời điểm năm 2022.
Nhìn vào diễn biến chung, lượng tiền gửi KBNN tại các ngân hàng này liên tục duy trì ở mức cao kể từ cuối năm 2022 đến nay, trong bối cảnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt gần 14,7% kế hoạch năm. Mức này mới đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ 2022 (18,48%).
Đáng chú ý, hơn 246.300 tỷ gửi tại Vietcombank, VietinBank và BIDV chỉ là một phần số tiền tồn dư ngân quỹ của Kho bạc Nhà nước. Ngoài số tiền trên, Kho bạc Nhà nước còn gửi hàng trăm nghìn tỷ khác tại Ngân hàng Nhà nước dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn theo quy định tại Thông tư 58 Bộ Tài chính với lãi suất 0,8%/năm.
Trước đó, tại cuộc họp báo về "Kết quả công tác trọng tâm năm 2022 của hệ thống kho bạc nhà nước" do Kho bạc Nhà nước tổ chức chiều 27/12/2022, báo chí nêu câu hỏi: "Trên diễn đàn Quốc hội, lãnh đạo Bộ Tài chính từng thông tin có gần 900 nghìn tỷ đồng tồn quỹ đang được gửi ngân hàng. Đề nghị lãnh đạo Kho bạc Nhà nước cho biết số tiền này đang được gửi ở ngân hàng nào và lãi phát sinh ra sao?".
Trả lời câu hỏi trên, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước khi đó cho biết: Số tiền 900 nghìn tỷ đồng đó là tiền tồn quỹ của ngân sách trung ương, tồn quỹ ngân sách của 63 tỉnh, 700 huyện và hơn 10.000 xã cùng với hơn 100 nghìn số dư tài khoản của các tổ chức, đơn vị kinh tế khác. Trong đó, có khoảng gần 700 nghìn tỷ đồng đang được gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư 58 Bộ Tài chính với lãi suất 0,8%/năm. Gần 270 nghìn tỷ đồng còn lại gửi tại 4 ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối là Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV (nhóm "Big4") kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất trung bình 6%/năm.
Vì sao nhóm Big4 được “chọn mặt gửi tiền”?
Tiền gửi Kho bạc ứ đọng tại các ngân hàng không phải là vấn đề mới. Trước đây, lượng lớn tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng nằm dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn với số dư thường xuyên duy trì ở mức cả trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, tiền gửi không kỳ hạn của KBNN sẽ được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại ngân hàng thương mại như trước đây. Đồng thời, các ngân hàng sẽ phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc.
Quy định này thúc đẩy Kho bạc Nhà nước cơ cấu lại tiền gửi tại ngân hàng theo hướng giảm tiền gửi không kỳ hạn, tăng tiền gửi có kỳ hạn. Trong khi các ngân hàng cũng được nhận các khoản tiền gửi có tính ổn định hơn.
Các khoản tiền gửi có kỳ hạn của KBNN theo quy định sẽ phải đấu thầu công khai, song cơ hội để nhận được khoản tiền khổng lồ này chủ yếu vẫn thuộc về các ngân hàng quốc doanh do nguyên tắc ''chọn mặt gửi tiền''.
Cụ thể, để được nhận tiền gửi của KBNN, trước tiên, các ngân hàng phải có tên trong danh sách "nhà băng có mức độ an toàn cao" do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho Bộ Tài chính. Sau đó, từ danh sách này, KBNN sẽ đánh giá một lần nữa nhưng dựa trên 4 tiêu chí do Bộ Tài chính quy định. Qua hai vòng đánh giá này, các ngân hàng sẽ tham gia chào thầu: ai trả lãi cao, ngân hàng đó được ưu tiên.
4 tiêu chí do Bộ Tài chính quy định gồm: quy mô tổng tài sản; tổng vốn chủ sở hữu; nợ xấu so với dư nợ tín dụng; kết quả hoạt động kinh doanh (lãi sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân) và được tính theo trọng số. Tuy nhiên, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu vẫn chiếm tới 80% trọng số đánh giá. Vì vậy, với bộ tiêu chí này, hầu như chỉ 4 nhà băng có vốn nhà nước có thể đáp ứng được yêu cầu nhờ cách biệt lớn với nhóm cổ phần về quy mô tài sản và vốn.
Về phía các ngân hàng, quy mô lượng tiền gửi KBNN ở mức cao trở thành một nguồn hỗ trợ đáng kể giúp nhóm Big4 giảm áp lực huy động tiền gửi từ khách hàng.
Trong giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023, khi các ngân hàng tư nhân liên tục tăng lãi suất huy động lên tới 9,5 - 10% thì nhóm Big4 chỉ áp dụng mức cao nhất là khoảng hơn 8%. Đến những tháng gần đây, nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng tiên phong trong việc giảm lãi suất huy động. Hiện mức lãi suất cao nhất niêm yết tại quầy của nhóm này chỉ là 6,8%/năm, thấp hơn 0,3 – 1 điểm % so với các ngân hàng tư nhân lớn và thấp hơn khoảng 1,5 – 1,8 điểm % so với các ngân hàng tư nhân nhỏ.
Với việc chiếm gần một nửa thị phần trong cơ cấu huy động và cho vay trong hệ thống, dòng tiền lớn của KBNN trú ngụ tại Big4 có tác động đáng kể giúp kiềm chế cuộc đua lãi suất huy động.
Ngoài ra, Thông tư mới, có hiệu lực từ cuối năm 2022, cũng cho phép các ngân hàng được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào cấu phần huy động khi tính tỷ lệ LDR. Điều này đã giúp nhóm Big4 có thêm lượng lớn thanh khoản để cho vay thêm, giúp gia tăng khả năng sinh lời.
Nhịp sống Thị trường