Lộ diện các khoản thua lỗ trong quý 2: Một công ty xăng dầu gây bất ngờ, những cái tên đầu tiên của ngành thép ghi nhận lợi nhuận âm
Góp mặt trong danh sách là những công ty chứng khoán, một số công ty tập trung vào hoạt động đầu tư cổ phiếu, có cả doanh nghiệp xăng dầu lỗ hơn 300 tỷ và những khoản lỗ đầu tiên của các doanh nghiệp thép.
Mùa báo cáo tài chính quý 2 đã và đang diễn ra với nhiều điểm nhấn. Bên cạnh loạt kết quả kinh doanh khả quan từ những cái tên có mức tăng trưởng tốt, tồn tại không ít doanh nghiệp chịu cảnh thua lỗ, thậm chí còn có khoản lãi cùng kỳ năm trước đã bị chuyển thành lỗ trong quý 2 vừa qua.
Nhóm công ty chứng khoán là những đại diện đầu tiên được điểm tới trong danh sách này. Thị trường trồi sụt, VN-Index giảm mạnh hơn 20% sau nửa đầu năm, hàng trăm cổ phiếu giảm giá đã khiến hoạt động kinh doanh của nhóm chứng khoán bị ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên.
Những khoản lỗ trăm tỷ hiện diện tại một số cái tên như Chứng khoán APEC (mã chứng khoán: APS), Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán: SHS), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã chứng khoán: VDS), Chứng khóa ACB (ACBS), Chứng khoán Bảo Minh (BMS). Đại diện tiêu biểu, Chứng khoán APEC (mã APS) công bố BCTC quý 2 với khoản lỗ gộp tại hoạt động tự doanh lên tới 474 tỷ. Sau khi cộng trừ các khoản thu nhập và chi phí khác, APS ghi nhận khoản lỗ sau thuế xấp xỉ 363 tỉ đồng trong khi cùng cùng năm trước vẫn lãi gần 4 tỷ.
Cũng cần nói rằng, phần lớn số lỗ này là lỗ chưa thực hiện, tới từ việc chênh lệch giảm đánh giá lại FVPTL (gần 461 tỷ đồng). Còn thực tế trong quý 2 vừa qua, BCTC của APS ghi nhận công ty đã bán cắt lỗ khoản đầu tư và chịu lỗ khoảng 29 tỷ đồng. Giải trình với Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ông Nguyễn Đỗ Lăng – Tổng Giám đốc APS cũng thừa nhận kết quả kinh doanh thụt lùi phần lớn do hoạt động tự doanh chứng khoán gây nên.
Trong danh mục đầu tư của công ty chứng khoán này có các hai mã chiếm tỷ trọng chi phối là mã IDJ (Đầu tư IDJ Việt Nam) và API (Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương) – đều liên quan mật thiết đến ông Lăng. Ngoài ra còn có NBB (Năm Bảy Bảy), TCH (Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy), AAT (Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa), PHC (Xây dựng Phục Hưng Holdings), CEO (Tập đoàn C.E.O)...
Nguồn: BCTC quý 2/2022 của APS
Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã chứng khoán: ORS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 tương đối ảm đạm. Theo báo cáo, TPS ghi nhận lỗ 250 tỷ đồng từ hoạt động tự doanh, trong đó khoảng 135 tỷ đồng lỗ từ việc mua bán trái phiếu chưa niêm yết. Ngoài ra, TPS cũng lỗ gần 90 tỷ đồng do hoạt động tự doanh cổ phiếu, riêng khoản đầu tư vào cổ phiếu SSI khiến công ty lỗ 24 tỷ đồng.
Tổng cộng, TPS lỗ sau thuế hơn 160 tỷ đồng trong quý 2, thiết lập kỷ lục buồn với quý kinh doanh bết bát nhất từ ngày lên sàn chứng khoán của công ty.
Bên cạnh những công ty chứng khoán chịu tổn thất do diễn biến ảm đạm của thị trường, còn có không ít doanh nghiệp tại các ngành nghề khác, tuy đầu tư chứng khoán không phải hoạt động cốt lõi, nhưng cũng góp mặt trong top lỗ lớn do đầu tư chứng khoán.
Cụ thể, mặc dù theo đăng ký kinh doanh thì bất động sản là lĩnh vực chính, song CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán NDN) trong quý 2 vừa qua chỉ đạt 1 tỷ đồng doanh thu, trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 184 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, NDN chỉ lãi vỏn vẹn 679 triệu từ hoạt động cốt lõi, giảm mạnh so với quý 2/2021.
Đặc biệt, tâm điểm đổ dồn vào hoạt động tài chính khi chú ý, doanh thu tài chính trong kỳ chiếm tỷ trọng chính với gần 10 tỷ đồng, tuy nhiên đã giảm hơn 81% so với cùng kỳ. Song song, phải trích lập dự phòng cho danh mục đầu tư chứng khoán khiến chi phí tài chính đột biến. NDN theo đó lỗ nặng hơn 114 tỷ đồng trong quý 2 năm nay, cùng kỳ năm trước đang lãi đến 85 tỷ đồng.
Nhìn lại khoảng 2 năm về trước, giai đoạn TTCK tăng trưởng mạnh đã giúp NDN thu về mức lãi tài chính tương đối tốt. Dù vậy, nửa đầu năm nay Công ty cũng nhanh chóng bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn thu từ đầu tư là trọng yếu.
Tương tự, khác với những quý kề trước, hoạt động tài chính của CTCP Licogi 14 (mã L14) trong quý 2/2022 là điểm trừ lớn khi mang về doanh thu chỉ hơn 7 tỷ đồng nhưng khoản mục chi phí tài chính lại lên tới hơn 402 tỷ đồng, gấp tới 6.094 lần con số chỉ gần 66 triệu của quý 2/2021. Như vậy, riêng mảng tài chính đã khiến L14 lỗ gộp hơn 390 tỷ đồng.
Kết quả, Licogi 14 lỗ trước thuế gần 367 tỷ đồng, trong đó, phần lỗ của công ty mẹ đạt xấp xỉ 238 tỷ đồng, cùng kỳ 2021 L14 đang lãi ròng gần 23 tỷ. Luỹ kế nửa đầu năm 2022, doanh thu thuần của L14 vẫn tăng 41% so với cùng kỳ lên 117 tỷ đồng. Song, khấu trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 234 tỷ đồng, khoản lỗ thuộc về công ty mẹ là hơn 176 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/6/2022, giá trị khoản mục chứng khoán kinh doanh đạt 689 tỷ đồng, giảm hơn 10 tỷ so với thời điểm cuối quý 1. L14 đang phải dự phòng giảm giá chứng khoán là 380 tỷ đồng, đồng nghĩa là danh mục đang lỗ số tiền như vậy, tương ứng tỷ lệ lỗ 55% danh mục.
Trước đó, thời điểm cuối năm 2021, giá trị hợp lý của danh mục đầu tư chứng khoán lên đến gần 816 tỷ đồng trong đó Licogi 14 tạm ghi lãi 239 tỷ đồng với CEO và 91 tỷ đồng với DIG. Dù vậy, trong trường hợp vẫn còn nắm giữ CEO, DIG đến thời điểm hiện tại, số lãi của doanh nghiệp này có thể đã "bốc hơi" phần lớn.
Khác với những doanh nghiệp trên, một cái tên gây bất ngờ khi báo lỗ đậm trong quý vừa qua là Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã chứng khoán: PSH). Xung đột địa chính trị và lạm phát toàn cầu đã tác động đến lượng cung dầu khí thế giới, hậu quả là giá dầu tăng phi mã, liên tiếp lập kỷ lục mới. Giá xăng dầu trong nước cũng nhanh chóng có biến động theo khi tăng cao chưa từng có, giúp kết quả nhiều công ty xăng dầu lãi lớn nhờ doanh thu ấn tượng. Tuy vậy, không phải ai cũng được hưởng niềm vui.
Doanh thu của Dầu khí Nam Sông Hậu mặc dù tăng 43% so với cùng kỳ lên 1.732 tỷ đồng, song giá vốn hàng bán lại tăng tới 79% khiến doanh thu bị bào mòn hoàn toàn, lợi nhuận gộp trong quý 2 âm 188 tỷ đồng.
Theo giải trình của ban lãnh đạo PSH, giá xăng dầu trên thế giới và trong nước có nhiều biến động làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành nguyên vật liệu đầu vào của công ty, dẫn đến giá vốn tăng cao. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của doanh nghiệp cũng tăng mạnh dẫn đến khoản lỗ sau thuế quý 2/2022 khoảng 265 tỷ đồng của PSH trong khi cùng kỳ đang lãi 52 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý 2 thì tổng nợ vay của PSH cao gấp khoảng 2,5 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 40% nguồn vốn của doanh nghiệp. Nửa đầu năm 2022, khoản nợ vay này đã tiêu tốn của doanh nghiệp khoảng 114 tỷ đồng tiền lãi.
CTCP Quốc tế Hoàng Gia (mã RIC – sàn UPCoM) vừa có quý thứ 11 liên tiếp báo lỗ. Lợi nhuận gộp đã thành công chuyển từ con số âm sang lãi gần 12 tỷ đồng trong quý 2/2022. Song sau khi khấu trừ các khoản chi phí thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục chịu lỗ sau thuế khoảng 460 triệu đồng, khả quan hơn rất nhiều khoản lỗ 18 tỷ đồng của quý 2/2021. Quý gần nhất mà RIC làm ăn có lãi là quý 3/2019 với LNST đạt hơn 8 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2022, tổng lỗ lũy kế của RIC đạt hơn 443 tỷ đồng, bằng 67% vốn điều lệ công ty. Điểm đáng lưu ý, tài sản ngắn hạn tại thời điểm cuối quý 2 là 76 tỷ đồng nhưng nợ ngắn hạn lên tới 210 tỷ đồng, đồng nghĩa công ty đang có sự mất cân bằng về cơ cấu tài sản khi sử dụng 134 tỷ đồng nợ ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn.
Trước việc giá thép sụt giảm mạnh, không chỉ lợi nhuận ngành thép sụt giảm mạnh, đã có một số doanh nghiệp thép đầu tiên ghi nhận lỗ trong quý 2 vừa qua. Theo đó, CTCP Thép Thủ Đức – Vnsteel (mã chứng khoán: TDS) ghi nhận doanh thu quý 2 xấp xỉ 378 tỷ đồng, giảm tới 45% so với cùng kỳ. Khấu trừ đi các khoản chi phí liên quan, lợi nhuận sau thuế của Thép Thủ Đức âm khoảng 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 34 tỷ đồng.
Thép Thủ Đức cho biết, giá cả đầu ra giảm sâu liên tục từ đầu quý 2 đến nay, lượng thép tiêu thụ giảm mạnh nên dẫn tới công ty ngưng sản xuất, giá thép tồn kho cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng đến giá vốn.
Hay mới đây, CTCP Quốc tế Phương Anh (mã chứng khoán PAS) đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 với số lỗ sau thuế gần 10 tỷ đồng. Cụ thể, quý 2/2022, PAS ghi nhận doanh thu giảm 10% so cùng kỳ, về 228 tỷ đồng. Công ty cho biết do hàng tồn kho bị giảm giá nhanh trong thời gian ngắn khiến lỗ gộp hơn 3 tỷ đồng. Việc hàng nhập về không đúng thời hạn dự kiến đã dẫn đến giá vốn giảm cả ở hàng tồn kho và hàng đang về.
Sau cùng, PAS chuyển từ lãi cùng kỳ sang lỗ sau thuế gần 10 tỷ đồng trong quý 2/2022.
Được biết, CTCP Quốc tế Phương Anh tiền thân là Công ty TNHH Inox Thành Nam thành lập vào năm 2010, có trụ sở và nhà máy tại Hưng Yên. Hoạt động chính là gia công cắt xẻ inox, sản xuất ống inox… Năm 2015, công ty nhận sáp nhập Thép Sài Gòn để mở rộng địa bàn, kinh doanh thêm các sản phẩm sắt thép.
Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán VNDirect đánh giá những yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường trong nửa cuối năm 2022 đến từ tăng trưởng GDP dự kiến cải thiện, đội ngũ phân tích lạc quan về tăng trưởng GDP ở mức 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Việc chính phủ đẩy nhanh thực hiện gói kích thích kinh tế, bao gồm gói cấp bù lãi suất và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công cũng góp phần hỗ trợ.
Ngoài ra, VNDirect cũng lạc quan về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết duy trì ở mức tăng trưởng cao, có thể đạt 23% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, động lực thúc đẩy VN-Index còn đến từ định giá là thị trường rất hấp dẫn so với mức lịch sử và các thị trường khác trong khu vực.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ những rủi ro mà nhà đầu tư cần phải quan sát thêm. Chủ yếu do căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn kỳ vọng của thị trường cũng như lạm phát ở Việt Nam cao hơn dự kiến.