MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lộ diện nhà đầu tư đề xuất làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ 6 tỉ USD

25-05-2024 - 13:38 PM | Bất động sản

Lộ diện nhà đầu tư đề xuất làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ 6 tỉ USD

UBND Tp.HCM vừa có báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc thẩm định chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. “Siêu cảng" này sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế trong nước và khu vực.

Ngoài việc thuộc danh mục dự án được định hướng ưu tiên, dự án cảng Cần Giờ được định hướng kết hợp với khu cảng Cái Mép hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế có quy mô lớn tại cửa sông Cái Mép, phục vụ trung chuyển hàng hóa cho các cảng biển trong cả nước và các nước trong khu vực.

Cụ thể, đến năm 2030, cảng Cần Giờ sẽ phát triển quy mô 4 cầu cảng với tổng chiều dài đạt 2.016m, năng lực thông qua 57,6 triệu tấn, phát triển phù hợp với tiến trình thu hút nguồn hàng trung chuyển container quốc tế. Bến cảng sẽ đáp ứng cho cỡ tàu 250.000 tấn hoặc lớn hơn, có bến container và các bến cảng khác… Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tiếp tục đầu tư khu bến cảng Cái Mép và trung tâm logistics sau cảng cùng các bến cảng tại Cần Giờ.

Về vị trí, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Tập đoàn MSC/TIL, hãng tàu container lớn thứ hai thế giới là đơn vị đề xuất đầu tư “siêu” dự án này.

Mục tiêu dự án: xây dựng dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cửa ngõ Sài Gòn (SIGP) tại Cần Giờ, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển và những dịch vụ: xếp dỡ hàng container; sử dụng cầu, bến và phao neo; đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan); vận tải hàng hóa; phân tích, kiểm định kỹ thuật; các dịch vụ khác.

Tổng chiều dài mặt sông khoảng 7,2 km, bến chính dài 6,8 km, khả năng tiếp nhận đồng thời 13 tàu mẹ trọng tải đến 250.000 DWT, sức chở 24.000 TEUs và tàu trung chuyển; bến sà lan dài 1,9 km: tiếp nhận tàu tải trọng đến 5.000 tấn, sức chở 250 TEUs. Công suất tối đa của cảng Cần Giờ là 16,9 triệu TEUs, tổng mức đầu tư dự kiến gần 6 tỷ USD. Toàn dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2045.

Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571ha. Trong đó, diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) 93,37ha, diện tích mặt nước 477,63ha.

UBND Tp.HCM nhận thấy nội dung đề xuất của nhà đầu tư phù hợp với nội dung Tờ trình về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ.

Tiểu Bảo

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên