Lộ diện những cú “bắt tay” ngàn tỉ gây chú ý trên thị trường địa ốc cuối năm
Gần đây, thị trường phía Nam chứng kiến những cú “bắt tay” tạo thế giữa doanh nghiệp địa ốc và ngân hàng nhằm tiếp sức cho các dự án bất động sản. Liệu những cú tạo đà này có khiến thị trường khởi sắc vào năm sau?
Mới đây, ngân hàng BIDV chi nhánh Mỹ Đình và Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) “bắt tay” hợp tác tài trợ vốn cho dự án TTC Plaza Đà Nẵng. Đây là một khu phức hợp 18 tầng với 4 sàn thương mại, 126 căn hộ du lịch, 150 phòng khách sạn, hơn 30.000 m2 sàn văn phòng cho thuê, đồng thời có vị trí đắc địa ngay thành phố biển, 4 mặt tiền đường và gần sân bay Quốc tế. Dù không tiết lộ số tiền tài trợ nhưng lần hợp tác này được nhận định sẽ là “trợ lực” tài chính rất lớn để TTC Land có thể đưa nguồn cung dự án ra thị trường trong năm 2024, giúp bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp này sáng sủa hơn. Trước đó, đơn vị này cũng từng phát triển các dự án như TTC Plaza Tây Ninh, TTC Plaza Bình Thạnh (Tp.HCM), TTC Plaza Đức Trọng (Lâm Đồng),…
Trước đó không lâu, LPBank và Hưng Thịnh ký hợp đồng tín dụng 5.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn LPBank tài trợ cho các dự án bất động sản của Tập đoàn Hưng Thịnh và các công ty thành viên, giải ngân theo tiến độ cụ thể để tiếp tục xây dựng và phát triển các dự án. Cú “bắt tay” gây chú ý khi suốt thời gian dài, Hưng Thịnh bị khó khăn về nguồn vốn và không có dự án mới triển khai. Việc gỡ nút thắt vốn từ ngân hàng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, tiếp tục cung ứng nguồn cung bất động sản ra thị trường.
Hay, Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Khởi Thành vừa qua cũng ký kết hợp tác với VietinBank để trả nợ vốn cho người mua nhà ở dự án Paris Hoàng Kim và mở bán giai đoạn tiếp của dự án. Dự án này toạ lạc tại phường Kim Khánh, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM, hiện tại đã hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao cho cư dân vào ở.
Sau hai năm “đắp chiếu”, mới đây 5.000 căn hộ Astral City của Tập đoàn Danh Khôi tại Thuận An (Bình Dương) đã tái khởi động trở lại. Động thái giải ngân 1.200 tỷ đồng từ Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VP Bank cho dự án này phần nào gỡ được nút thắt khó khăn tài chính cho Danh Khôi. Dự án dự kiến sẽ chào thị trường năm 2024. Hiện đơn vị thầu đã đưa máy móc vào công trình để tiếp tục xây dựng.
Sau nhiều lần “đứng hình” và liên tục kiến nghị gỡ vướng, Novaland (NVL) đã bắt tay hợp tác với VPBank tái khởi động dự án Aqua City (Đồng Nai). Theo thỏa thuận, VPBank sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho chủ đầu tư và các nhà thầu để thi công phân khu River Park 2 và hai phân khu thuộc đảo Phượng Hoàng (Phoenix). Cú bắt tay này được ví như “phao cứu sinh” với Novaland và dự án khi suốt thời gian dài rơi vào cảnh khó khăn, bế tắc tài chính.
Có thể thấy, việc hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp địa ốc không có gì lạ lẫm, nhưng gần đây những cú “bắt tay” liên tục diễn ra giữa hai đối tác này đa phần đến từ các ông lớn bất động sản, ở các dự án cũ, hoặc đã từng khởi động ra thị trường, nhưng sau đó “đứng hình” do doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phía sau động thái ngân hàng mạnh tay đổ vốn cho các dự án bất động sản là gì?
Nhiều ý kiến cho rằng hiện tại là thời điểm “chín muồi” để thị trường bất động sản lấy đà phục hồi từ năm 2024 trở đi. Theo đó, ngân hàng đang tỏ ra nhạy bén khi gia tăng đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại rằng: do tồn kho, nợ xấu trong bất động sản vẫn ở mức cao, ngân hàng chỉ nên cho vay thay vì đầu tư trực tiếp. Và thực chất những cú bắt tay có thể khiến giá nhà “nhảy múa” cũng không nằm ngoài dự đoán của một số chuyên gia trong ngành.
“Không chỉ ngân hàng, mà một số ông lớn ngoại hiện nay đang trong tâm thế nhảy vào bất động sản vì họ xác định rõ được cơ hội khi thị trường phục hồi trở lại sau khoảng thời gian dài chìm trong khó khăn. Các ngân hàng đầu tư vào các dự án đất sạch, thủ tục xong, sức mua lớn sẽ lớn hơn nhiều việc đổ vào cho vay các doanh nghiệp. Việc tham gia của ngân hàng vào chủ đầu tư, các dự án có tính thanh khoản thể hiện sự nắm bắt xu hướng, nhanh nhạy”, một chuyên gia nhấn mạnh trong buổi chia sẻ gần đây.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cũng từng cho hay, doanh nghiệp bất động sản vừa là đối tác, vừa là khách hàng của ngân hàng. Bên cạnh đó, người mua nhà của các dự án bất động sản cũng là khách hàng của ngân hàng. Cho nên, ngoài việc kinh doanh về mặt tín dụng ở nhiều loại hình thì bất động sản là lĩnh vực quan trọng ngân hàng nhắm tới. Việc gia tăng liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp địa ốc cho thấy sự kỳ vọng vào lợi nhuận của thị trường bất động sản từ phía ngân hàng. Đó cũng là xu hướng dễ hiểu khi khủng hoảng bất động sản đang dần đi qua, trong khi lượng tiền trong ngân hàng còn khá nhiều.
Một số luồng ý kiến lại phân tích, sự kết hợp giữa bất động sản và ngân hàng trong bối cảnh thị trường bất động sản còn trầm lắng thanh khoản, niềm tin người mua nhà đang bị lung lay cũng thể hiện cho sự khôn khéo và nỗ lực tự cứu mình của doanh nghiệp.
Dù chưa thể khẳng định rằng, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hay không sau các cú “bắt tay” này nhưng chắn chắn một điều, khi dự án có tài chính để xây dựng, doanh nghiệp sẽ có nguồn cung đưa ra thị trường thì cơ hội mua nhà của người dân sẽ ngày càng “rộng cửa” hơn. Hoặc ít ra đây là “bệ đỡ” để doanh nghiệp địa ốc có thể bước tiếp, có niềm tin về sự phục hồi và “vượt dốc” đi lên. Điều này là tốt cho bức tranh thị trường bất động sản nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Nhịp sống thị trường