MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lộ diện những doanh nghiệp báo lỗ ngay quý 1

27-04-2019 - 08:59 AM | Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp đã có quý khởi động của năm tài chính 2019 không thuận lợi khi hiện đã có tới gần 80 doanh nghiệp báo lỗ.

Hiện khoản lỗ lớn nhất trên sàn niêm yết đang thuộc về Chứng khoán phố Wall (WSS) với mức lỗ trên 90 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do lãi lỗ liên quan đến các khoản đầu tư tài chính và đánh giá lại giá trị hợp lý của các khoản đầu tư tài chính.

Đáng chú ý sau nhiều năm lãi thấp thì kết thúc năm 2018 WSS báo lãi gần 40 tỷ đồng cao nhất kể từ năm 2010 đến nay và mục tiêu kinh doanh năm 2019 của công ty là có lãi 15,3 tỷ đồng.

Thép Dana – Ý (DNY) cũng đã báo lỗ quý 1/2019 lên tới gần 57 tỷ đồng cao gấp 3 lần so với khoản lỗ cùng kỳ 2018. Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do trong quý 1/2019 công ty vẫn tiếp tục tạm dừng sản xuất theo Quyết định số 5585/QĐ-XPVPHC ngày 22/11/2018 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty, trong đó có nội dung xử phạt hành vi không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) của dự án "Đầu tư dây chuyền luyện thép 200.000 tấn/năm và dây chuyền cán thép 200.000 tấn/năm" với số tiền là 300 triệu đồng và xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất thời hạn 6 tháng để khắc phục vi phạm.

Do đó doanh thu trong kỳ của công ty là đến từ việc thanh lý hoặc xuất trả vật tư thiết bị có thời hạn sử dụng ngắn. Hiện Thép Dana – Ý đã khởi kiện vụ việc công ty bị đình chỉ sản xuất ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công ty và hàng trăm cổ đông.

Một doanh nghiệp thép khác là Thép Việt Ý (VIS) cũng đã báo lỗ 33,6 tỷ đồng. Tuy nhiên lý do khác với DNY, VIS cho rằng nguyên nhân thua lỗ của công ty là do tiếp tục chuỗi biến động của thị trường từ cuối năm 2018, giá đầu vào các nguyên vật liệu tăng lên, trong khi giá đầu ra của sản phẩm thép không có sự thay đổi tương ứng.

Nhu cầu sử dụng thép giảm do trong dịp tết nguyên đán các công trình xây dựng nghỉ tết nên sản lượng tiêu thụ thấp, các nhà phân phối lấy hàng cầm chừng do tâm lý lo sợ giảm giá. Nhà máy phôi tiếp tục hoạt động cầm chừng do sản phẩm không cạnh tranh được về giá với các loại phôi trung tần trên thị trường.

Đây đã là quý thứ 4 liên tiếp VIS kinh doanh thua lỗ, kết thúc năm 2018 VIS đã bất ngờ báo lỗ trên 326 tỷ đồng – số lỗ lớn nhất từ trước đến nay, trong đó riêng quý 4 lỗ trên 195 tỷ đồng. Sang năm 2019 công ty dự kiến lỗ tiếp khoảng 92,54 tỷ đồng, trong khi kế hoạch doanh thu vẫn khá lớn, ước đạt 4.861,6 tỷ đồng.

Một khoản lỗ đáng chú ý tiếp theo là của Quốc tế Hoàng Gia (RIC) với mức lỗ hơn 43 tỷ đồng. Theo RIC, doanh thu giảm chủ yếu vì doanh thu câu lạc bộ trong quý 1/2019 giảm từ hơn 40 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 9 tỷ đồng. Doanh thu này giảm là do kinh doanh câu lạc bộ có tính chất may rủi. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng 17% so với cùng kỳ năm trước do lương CBNV tăng, mặt khác doanh thu mặt hàng ăn, uống quý 1/2019 cũng tăng so với quý 1/2018 nên giá vốn tăng. Ngoài ra, RIC còn góp mặt trong nhóm doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ đậm trong quý 1/2019.

Điện lực Khánh Hòa (KHP) do giá mua điện bình quân tăng gần 15% so với cùng kỳ trong khi giá bán chỉ tăng 2,25% đã khiến công ty chịu lỗ hơn 25 tỷ đồng, trong khi mục tiêu kinh doanh của công ty năm nay là có lãi gần 39 tỷ đồng.

Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) sau khi báo lỗ năm 2018 lên tới 164,3 tỷ đồng đã tiếp tục lỗ thêm gần 20 tỷ đồng trong quý 1/2019. Công ty cho biết năm 2018 doanh thu hoạt động kinh doanh nông sản bị thua lỗ nặng vì sự biến động của giá cả thị trường. Mặt khác ngành hàng điện tử của công ty cũng sa sút trầm trọng vì lỗi thời không còn phù hợp với nhu cầu thị trường, chậm luân chuyển khiến công ty phải trích lập dự phòng đối với hàng tồn tho và nợ phải thu khó đòi vào niên độ tài chính tiếp theo. Sang năm 2019, Maseco đã quyết định ngừng hoạt động kinh doanh nông sản là hồ tiêu và cà phê nhân, tập trung giải phóng hàng tồn kho thu hồi công nợ, thu gọn bộ máy hoạt động kinh doanh nông sản và điện tử.

Lộ diện những doanh nghiệp báo lỗ ngay quý 1 - Ảnh 1.

Một doanh nghiệp nông nghiệp khác là Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (Hakinvest) báo lỗ tiếp quý thứ 8 hơn 13 tỷ đồng không khỏi làm cho nhà đầu tư thất vọng. Với vỏn vẹn 145 triệu đồng doanh thu trong khi chi phí QLDN là 13,3 tỷ đồng đã khiến HKB tiếp tục thua lỗ. Khó khăn của HKB đến từ việc công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng. Bên cạnh đó hiện giá nông sản trên thế giới giảm sâu cũng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của HKB.

Giải pháp khắc phục được HKB đưa ra là sẽ tăng vốn điều lệ Công ty Tấn Hưng để không hạch toán khoản "giảm trừ giá trị lợi thế thương mại" hàng năm số tiền hơn 45 tỷ đồng và lợi nhuận sẽ được thu hồi về công ty mẹ. Sẽ tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi là nông nghiệp và thực phẩm trong đó có giá trị phân khúc giá trị gia tăng. Theo đó HKB dự kiến là phải có lãi 20 tỷ đồng trong quý 1/2019 trong nghị quyết HĐQT ngày 26/3/2019 nhưng kết quả vẫn là lỗ.

2 doanh nghiệp dầu khí là PVC-MS (PXS) và PVC-PT (PXT) cùng nhau báo lỗ trong quý 1, trong đó PXS tiếp tục lỗ quý thứ 6 với số tiền hơn 16 tỷ đồng, trước đó tại báo cáo kiểm toán 2019, PXS đã bị nghi ngờ đáng kể về khả năng thanh toán ngắn hạn của công ty do nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 110 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng. Trước ý kiến này PXS cho biết trong thời gian tới công ty sẽ đẩy mạnh công tác thu hồi các khoản nợ phải thu tồn đọng của các công trình, đồng thời công ty đang trình Tổng công ty phương án bán các mặt bằng từ tầng 1 đến tầng 5 tòa nhà số 2 Nguyễn Hữu Cảnh được sử dụng để cho thuê và làm văn phòng. Nếu phương án bán được phê duyệt công ty có thể thu được một nguồn tiền lớn và văn phòng công ty sẽ được chuyển về bãi cảng của công ty. Theo đó mục tiêu kinh doanh năm 2019 của PXS là có lãi 0,6 tỷ đồng.

Còn PXT sau nhiều quý lãi thấp khiến 2018 chỉ còn lãi chưa đến 2 tỷ đồng so với mức lãi hàng chục tỷ đồng của các năm trước cuối cùng đã phải chịu lỗ hơn 14 tỷ đồng trong quý 1, nguyên nhân là do trong kỳ công ty có một số vướng mắc chung của dự án Thái Bình 2, bên cạnh đó hạng mục thải tro xỉ thuộc công trình Thái Bình bị điều chỉnh đơn giá thanh toán so với biên bản nghiệm thu trước đó dẫn đến công ty phải ghi giảm doanh thu.

Ngoài ra trên sàn còn có hàng chục doanh nghiệp khác báo lỗ từ vài trăm triệu đến vài tỷ trong quý 1/2019 trong đó đa phần là các khoản lỗ không quá trầm trọng.

Trần Dũng

HNX&HSX

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên