MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lộ diện những doanh nghiệp lỗ lớn trong quý 2

Lộ diện những doanh nghiệp lỗ lớn trong quý 2

Với khoản lỗ lên tới cả nghìn tỷ, ông lớn hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hiện giữ vị trí quán quân.

Hiện đang có khoảng gần 100 doanh nghiệp niêm yết công bố tình hình kinh doanh thua lỗ trong quý 2/2023, tuy nhiên trong đó có khoảng 15% là các khoản lỗ nhỏ, dưới 1 tỷ đồng, khoảng 43% số doanh nghiệp có mức lỗ dưới 10 tỷ đồng.

Đáng quan tâm hơn cả là đang có khoảng 15% số doanh nghiệp công bố mức lỗ từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng, cá biệt là khoản lỗ nghìn tỷ của ông lớn hàng không Việt Nam (HVN).

Lộ diện những doanh nghiệp lỗ lớn trong quý 2 - Ảnh 1.

Cập nhật đến 1/8/2023 có gần 100 doanh nghiệp báo lỗ trong quý 2/2023

Vị trí quán quân lỗ đang thuộc về Vietnam Airlines

Quý 2/2023, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HVN) ghi nhận doanh thu thuần 20.565 tỷ đồng, cao hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sản lượng vận chuyển tăng 23,6% nhờ thị trường khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt. Tuy nhiên gánh nặng chi phí khiến hãng hàng không quốc gia vẫn chịu lỗ ròng gần 1,4 ngàn tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 14 liên tiếp.

Lộ diện những doanh nghiệp lỗ lớn trong quý 2 - Ảnh 2.

Vietnam Airlines lý giải: "Do tính mùa vụ cũng như các yếu tố rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu gia tăng... nên tổng công ty vẫn chưa có lãi. Ngoài ra, do tính mùa vụ, quý 2 là quý thấp điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên kết quả không khả quan bằng quý 1.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan".

Luỹ kế 6 tháng, Vietnam Airlines ghi nhận 44.059 tỷ doanh thu thuần, tăng 47% so với cùng kỳ, nhưng lỗ ròng 1.465 tỷ (thấp hơn so với con số lỗ 5.168 tỷ của cùng kỳ).

Các vị trí tiếp theo thuộc về các doanh nghiệp ngành thép

Xu hướng giảm của giá thép đã khiến bức tranh lợi nhuận ngành thép trong quý 2 trở nên ảm đạm hơn. Nhiều doanh nghiệp trong ngành này báo lỗ nặng như VNSteel, Thép SMC, Pomina,…

Dẫn đầu là khoản lỗ của Đầu tư thương mại SMC (SMC) khi công ty này báo lỗ gần 400 tỷ đồng trong quý 2 và xuất hiện khoản trích lập dự phòng khoản phải thu 180 tỷ đồng, phần lớn từ Novaland - Đây là khoản lỗ lớn thứ hai trong lịch sử của SMC chỉ sau khoản lỗ của quý 4/2022 (515 tỷ đồng).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, SMC ghi nhận doanh thu thuần 7.2 ngàn tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ ròng 371 tỷ đồng. Kết quả này khiến cho mục tiêu có lãi 150 tỷ đồng trong năm 2023 của SMC trở lên thật sự khó khăn.

Tiếp theo là khoản lỗ của Thép Pomina (POM), kinh doanh dưới giá vốn khiến Pomina lỗ đậm 350 tỷ đồng quý 2.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu Pomina giảm đến 70% so với cùng kỳ. Chi phí tăng cao, khiến Pomina lỗ 537 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2022 vẫn lãi sau thuế hơn 8 tỷ đồng.

Mới đây tại đại hội cổ đông thường niên 2023, diễn ra vào ngày 14/7 vừa qua, Thép Pomina đã thông qua kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận âm 150 tỷ đồng giảm mạnh so với mục tiêu được trình trước đó là doanh thu thuần đạt 14.000 tỷ đồng và có lãi 300 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh thể hiện sự thận trọng trong bối cảnh thị trường còn khó khăn. Tuy nhiên, yếu tố chính thôi thúc Công ty điều chỉnh kế hoạch là dự báo ngành bất động sản chưa tốt lên trong năm nay.

Tương tự là tình cảnh của VNSteel (TVN), việc phải ghi nhận khoản lỗ gần 324 tỷ đồng trong công ty liên doanh, liên kết đã khiến VNSteel báo lỗ sau thuế 284 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 40 tỷ đồng trong quý 2/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VNSteel đạt 15.097 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lỗ trước thuế ghi nhận hơn 200 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi tới 202 tỷ đồng. Kết quả này còn cách rất xa mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 235 tỷ đồng được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.

Lộ diện những doanh nghiệp lỗ lớn trong quý 2 - Ảnh 3.

Những khoản lỗ đáng chú ý khác thuộc về DHB, FRT, HNG,...

Kinh doanh dưới giá vốn khiến Đạm Hà Bắc (DHB) báo lỗ sau thuế hơn 350 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 478 tỷ đồng. Đây là quý thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp thuộc nhóm Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) lỗ nặng kể từ sau chuỗi lợi nhuận bùng nổ bắt đầu từ quý 3/2021.

Lũy kế 6 tháng, DHB đạt doanh thu 2.09 ngàn tỷ đồng, sụt giảm 41%; lỗ sau thuế gần 480 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 1.3 ngàn tỷ đồng). Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi trước thuế 932 tỷ đồng.

Xuất hiện trong danh sách này còn có một cái tên rất đáng chú ý là Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT). Mặc dù ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 7.170 tỷ đồng - tăng 15% nhưng đã bất ngờ báo lỗ trước thuế 200 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đạt 14.924 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và lỗ trước thuế 198 tỷ đồng do ảnh hưởng từ mảng bán lẻ ICT. Gần 220 tỷ đồng trong quý 2/2023 là con số lỗ ròng (lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ) lớn nhất lịch sử của công ty này. Cùng với đó, FPT Retail giảm hơn 5.000 nhân sự từ 15.481 người hồi đầu năm xuống còn 10.459 người.

Theo Công ty, giữa bối cảnh thị trường kinh tế nhiều biến động, 6 tháng qua thị trường bán lẻ ICT đối mặt với những thách thức lớn nhất trong nhiều năm qua khi thị trường chung giảm khoảng 24%, kèm theo đó là cuộc chiến cạnh tranh giá khốc liệt để giành thị phần. FPT Retail cũng đã liên tục đưa ra nhiều chính sách, chương trình khuyến mại đổi mới nhằm đem đến mức giá cùng dịch vụ tốt cho khách hàng.

Vị trí tiếp theo đang thuộc về Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), trong quý 2/2023, HNG vẫn lỗ sau thuế 128,3 tỷ đồng, nhưng đã giảm lỗ so với 557,37 tỷ đồng của quý 2/2022. HNG cho biết nguyên nhân do Công ty đã chuyển đổi đồng tiền, hạch toán từ đồng LAK sang USD nên không còn ghi nhận khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 329 tỷ đồng.

Lộ diện những doanh nghiệp lỗ lớn trong quý 2 - Ảnh 4.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của HNG đạt 278 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ (487 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế âm 241 tỷ - giảm 64% so với mức lỗ 670 tỷ của quý 2/2022.

Năm 2023, HAGL Agrico lên kế hoạch doanh thu thuần 1.282 tỷ đồng; lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 437 tỷ đồng; lỗ trước thuế 2.316 tỷ đồng. Nguồn thu năm nay của HNG chủ yếu đến từ cây ăn trái và cao su.

Doanh thu vỏn vẹn hơn 300 triệu đồng khiến Đầu tư LDG (LDG) báo báo lỗ 74 tỷ đồng trong quý 2/2023, nâng lỗ ròng 6 tháng đầu năm tăng lên hơn 144 tỷ đồng.

Mới đây, HĐQT LDG đã có quyết định thông qua việc gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 (lần 3) đến 31/8/2023. Trước đó, Đại hội lần 1 và lần 2 của doanh nghiệp này không thể diễn ra do không đủ tỷ lệ tham gia theo quy định.

Theo tài liệu đại hội, năm nay LDG đặt mục tiêu đạt 1.448 tỷ đồng doanh thu thuần (gấp 5,2 lần so với kết quả 2022) và sẽ có lãi 3,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) lỗ ròng quý 2 hơn 41 tỷ đồng nâng mức lỗ luỹ kế nửa đầu năm 2023 lên con số gần 50 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả kinh doanh quý 2, TPC cho biết "doanh thu thu về không đủ bù chi phí cố định và duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động, thanh lý hàng tồn kho, sản phẩm để lâu bị hỏng do khách hàng hủy đơn hàng".

Ngoài ra, còn những yếu tố khách quan, ảnh hưởng bởi lạm phát kinh tế thế giới và trong nước, thị trường bao bì dệt cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu tiêu dùng cả thị trường thế giới và trong nước ngày càng giảm nhiều.

Với kết quả này, TPC thực hiện được gần 69% kế hoạch doanh thu, nhưng vẫn còn khoảng xa để đạt mục tiêu lãi sau thuế 10 tỷ đồng năm 2023.

DRH Holdings (DRH) công bố mức doanh thu trong kỳ chưa đến 1 tỉ đồng, trong khi đó chi phí lãi vay chiếm tới 47,86 tỉ đồng. Kết quả, DRH báo lỗ sau thuế hơn 41 tỉ đồng trong quý 2/2023 - Đây là quý lỗ nặng nhất kể từ năm 2010 của công ty này.

Được biết, năm 2023, DRH đặt mục tiêu tổng doanh thu là 83 tỷ đồng (tăng 38% so với năm 2022); lợi nhuận trước thuế giảm 86%, đạt 2 tỷ đồng.

Góp mặt trong danh sách này còn có khoản lỗ gần 35,3 tỷ đồng của doanh nghiệp đồ uống Sá xị Chương Dương (SCD), con số này thậm chí còn cao gấp 3 lần con số lỗ cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của SCD đạt 65 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 13,5 tỷ đồng. Với việc thua lỗ liên tiếp trong 8 quý vừa qua, SCD đang chịu lỗ luỹ kế gần 120 tỷ đồng cao hơn mức vốn điều lệ 85 tỷ đồng của công ty.

Từng là một doanh nghiệp đầu ngành, nắm thị phần nước giải khát lớn tại khu vực phía Nam với thương hiệu Xá xị Con Cọp nổi tiếng một thời; Tuy nhiên, sau khi xuất hiện những "ông lớn" FDI như Coca Cola, Pepsi… tại thị trường Việt Nam với những chiến lược marketing hiệu quả, Chương Dương gần như đã đánh mất thị trường.

Kinh doanh dưới giá vốn khiến Sông Đà 6 (SD6) báo lỗ kỷ lục gần 33 tỷ đồng trong quý 2/2023 - Đây là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này. SD6 được biết đến là một thành viên "lâu năm" trong nhóm công ty họ "Sông Đà".

Đáng chú ý kể từ quý 3/2019 trở lại đây (ngoại trừ quý 2/2020), tình hình kinh doanh của SD6 liên tục ghi nhận sa sút với lợi nhuận quý chỉ vài trăm triệu đồng trong khi doanh thu cũng lao dốc mạnh từ vài trăm tỷ về còn vài chục tỷ. Sông Đà 6 cũng là gương mặt từng được nhắc đến sau những lần "khất nợ" cổ tức cho cổ đông nhiều năm.

Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF) trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong "hệ sinh thái" FLC báo lỗ trong quý 2/2023. Tuy không còn kinh doanh dưới giá vốn như cùng kỳ, nhưng doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh cùng với chi phí tài chính tăng cao đã góp phần khiến KLF báo lỗ gần 26 tỷ đồng.

Trong kỳ còn ghi nhận tình hình khó khăn của nhóm ngành dệt may khi mà Garmex Sài Gòn (GMC) báo lỗ ròng khoảng 12,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của GMC ở mức hơn 8 tỷ, giảm 97% và lỗ ròng hơn 33 tỷ (trong khi cùng kỳ lãi hơn 4 tỷ đồng).

Lộ diện những doanh nghiệp lỗ lớn trong quý 2 - Ảnh 5.

Trần Dũng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên