MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lộ diện những khoản lỗ lớn nhất quý 3

Lộ diện những khoản lỗ lớn nhất quý 3

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài tiếp tục là nguyên nhân đẩy các doanh nghiệp này rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ.

Lĩnh vực hàng không nằm trong top đầu thua lỗ 

Cho đến thời điểm hiện tại các hãng hàng không như Hàng không Việt Nam (HVN), Hàng không Vietjet (VJC),… vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021, tuy nhiên với tình hình chung hiện nay bức tranh quý 3 của các doanh nghiệp này được dự đoán thậm chí còn ảm đạm hơn các quý trước đó do quy định giãn cách nghiêm ngặt, nguy cơ tiếp tục thua lỗ là rất lớn.

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay và hoạt động trong ngành phụ trợ hàng không cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi hành khách sử dụng dịch vụ sụt giảm mạnh. Bức tranh chung vẫn là tình trạng kinh doanh dưới giá vốn và lỗ lũy kế ghi nhận từ những đợt dịch trước vẫn chưa thể khắc phục

Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hiện giữ vị trí quán quân lỗ khi mà doanh thu thuần giảm tới 74%, xuống còn 370,5 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn cộng với gánh nặng chi phí khiến ACV ghi nhận khoản lỗ ròng kỷ lục 855,4 tỷ đồng trong quý 3/2021.

Lộ diện những khoản lỗ lớn nhất quý 3 - Ảnh 1.

Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không khác cũng đã lần lượt báo lỗ trong quý 3, trong đó Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) báo lỗ hơn 43 tỷ đồng, Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) cũng đã báo lỗ sau thuế hơn 25 tỷ đồng trong quý 3/2021 - đây cũng đã là quý thứ 6 liên tiếp NCS kinh doanh thua lỗ. 

Đáng chú ý ngay cả Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) sau nhiều quý vẫn duy trì có lãi đã lần đầu tiên báo lỗ trước tác động từ đại dịch Covid-19. Hoạt động kinh doanh cốt lõi lỗ nặng cộng với các áp lực về chi phí, SGN ghi nhận lỗ ròng gần 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 5 tỷ đồng.

Bán lẻ, thép, vận tải, khu công nghiệp đều xuất hiện các khoản lỗ lớn

Đối với ngành bán lẻ, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) trong tháng 7 và tháng 8 đã phải tạm đóng hơn 270 cửa hàng trên toàn hệ thống để thực hiện giãn cách xã hội. Kết quả PNJ báo lỗ gần 160 tỷ đồng trong quý 3 – Đây cũng là mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của PNJ.

Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS) báo lỗ ròng gần 97 tỷ đồng do trong kỳ công ty tiến hành trích lập dự phòng khoản đầu tư tài chính đối với khoản vay ngắn hạn - Đây cũng là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử niêm yết của QBS. 

Thép Việt Ý (VIS)  báo lỗ 92 tỷ đồng trong quý 3 khiến thành quả nửa đầu năm 2021 không thể giữ được. Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, đầu ra của sản phẩm thép gần như đóng băng. Cả hai nhà máy luyện phôi và cán thép đều có những khoảng thời gian phải dừng hoạt động, phát sinh lỗ chi phí cố định.

Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) tiếp tục báo lỗ ròng hơn 90 tỷ đồng trong quý 3, đánh dấu quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp. Việc tạm ngưng hoạt động lĩnh vực taxi là nguyên nhân gây lỗ cho doanh nghiệp.

Xây dựng Số 9 (VC9) báo lỗ ròng quý 3 lên tới 76 tỷ đồng – mức lỗ kỷ lục kể từ khi Vinaconex 9 chào sàn. Hiện cổ phiếu VC9 nằm trong diện kiểm soát, lợi nhuận nửa năm 2021 "bay màu" sau soát xét, kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ, lọt vào danh sách không được giao dịch ký quỹ... 

Yeah1 (YEG) cũng lỗ gần 62 tỷ đồng trong quý 3 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với việc thua lỗ cả ba quý đầu năm, lỗ ròng 9 tháng của YEG đã xấp xỉ 259 tỷ đồng.

Lĩnh vực BĐS ghi nhận khoản lỗ gần 59 tỷ đồng của Tập đoàn C.E.O (CEO), cùng kỳ lãi hơn 7 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp công ty báo lỗ. Đơn vị giải trình nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận giảm là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Trong quý 3, hoạt động cho thuê đất và cơ sở hạ tầng của Kinh Bắc (KBC) tăng trưởng. Tuy nhiên, do chi phí lãi vay tăng cao nên doanh nghiệp lỗ ròng hơn 68 tỷ đồng.

Lộ diện những khoản lỗ lớn nhất quý 3 - Ảnh 2.

Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 với con số lỗ ròng 42 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 30 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do ghi nhận chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay đầu tư xây dựng nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum.

Lãi lớn nửa đầu năm nhờ đầu tư chứng khoán, nhưng cũng chính chứng khoán là nguyên nhân gây ra khoản thua lỗ hơn 41 tỷ đồng của MHC. Tuy thua lỗ, đây cũng là quý đẩy mạnh giải ngân của MHC.

Ngoài ra còn có những khoản lỗ đáng chú ý khác của Nhựa Bình Minh (BMP) lỗ gần 26 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 153 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Nhựa Bình Minh báo lỗ trong một quý kể từ khi hoạt động.

Lĩnh vực dệt may ghi nhận khoản lỗ gần 30 tỷ đồng của May Việt Tiến (VGG). Tasco (HUT) lỗ 6 quý liên tiếp, bắt đầu lỗ luỹ kế nhưng thị giá gấp 3 lần. 

Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) báo lỗ 37 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 11 liên tiếp thua lỗ. Tuy nhiên trên sàn chứng khoán cổ phiếu FTM có đà tăng giá mạnh trong vòng hơn 2 tháng qua, giá từ vùng 2.700 đồng/cp lên 5.400 đồng/cp.

Trang Trần

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên