Lộ diện những “tay mơ” khi “thủy triều” bất động sản rút
Thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, thanh khoản nhỏ giọt, nhiều nhà đầu tư "tay mơ" nhanh chóng thoát hàng, chấp nhận bán gần với giá lúc mua, chịu lỗ tiền ngân hàng. Còn với những nhà đầu tư có tài chính vững vàng thì có tâm lý chờ đợi xem diễn biến của thị trường ra sao.
- 18-06-2022Đầu tư đất vùng ven: Choáng với những bác nông dân sở hữu vài chục cuốn sổ đỏ
- 18-06-2022Giao dịch mua bán đất chững lại, chỉ có “sóng” nhẹ ở khu vực vành đai và nơi có dự án quy hoạch
- 17-06-2022Hết thời “lướt sóng” bất động sản, nhà đầu tư F0 nên làm gì lúc này?
Trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu chững lại khi gặp khó khăn về nguồn vốn tín dụng, thanh khoản sụt giảm, lệch pha cung cầu… Điều này khiến không ít các nhà đầu tư đuối sức.
Anh Mỹ (Hà Đông, Hà Nội) - một nhà đầu tư F0 chia sẻ vừa thoát khỏi vụ đầu tư căn hộ đầy “sóng gió”. Anh cho biết, cuối năm 2019, vợ chồng anh có 600 triệu tiền nhàn rỗi. Cả hai vợ chồng đều là dân văn phòng nên dù có chút vốn muốn kinh doanh riêng cũng khó. Anh quyết định tìm hiểu đầu tư nhà đất xem sao.
Sau khi tham khảo bạn bè, đồng nghiệp, anh mua một căn hộ để đầu tư tại khu vực Hà Đông. Quyết định xuống tiền dự án này là do nghe theo lời giới thiệu của môi giới. Đặc biệt, môi giới này do bạn anh giới thiệu nên anh càng yêu tâm.
Theo môi giới, dự án này được phát triển bởi nhà đầu tư lớn và có những ưu đãi tốt, khách chỉ cần đóng trước 30% giá trị căn hộ, còn lại được vay ngân hàng. Ngoài ra, khách hàng còn được ân hạn nợ gốc, lãi trong vòng 15 tháng.
“Theo những gì môi giới vẽ ra, tôi thấy khá ngon, sinh lời cao. Nhưng, khi vào thực tế mới biết thực sự như thế nào. Sau thời gian hết ưu đãi, mỗi tháng tôi phải trả lãi ngân hàng đến hơn 15 triệu đồng. Căn hộ bàn giao đúng vào quãng thời gian dịch bệnh, không có người thuê dù tôi đã giảm giá. Sau nhiều tháng phải gồng trả lãi ngân hàng, tôi quyết định rao bán với giá chênh hơn lúc mua 200 triệu đồng. Thế nhưng, rao bán hơn 4 tháng mà không có người mua. Đến khi có khách hỏi mua thì môi giới có báo người mua muốn thương lượng giảm giá”, anh Mỹ cho hay.
Anh Mỹ quyết định giảm để bán cho xong, thoát khỏi “gọng kìm” lãi hàng tháng đè nặng. Anh cho biết, tính ra anh còn bị lỗ nhưng anh vẫn thấy mừng vì kịp thoát hàng còn nếu để đến thời điểm hiện nay khi thị trường ảm đạm thì căn hộ của anh khó mà bán được vì vị trí nằm xa trung tâm, trường trạm chưa đầy đủ... “Nếu như thế, không biết tôi có gồng được khoản lãi ngân hàng không nữa”, anh Mỹ nói.
Không riêng gì anh Mỹ, hiện trên các trong mạng rao bán nhà đất cũng có không ít người rao bán gấp do phải chịu áp lực trả lãi ngân hàng.
Một môi giới bất động sản cho hay, thời gian gần đây nhiều khách hàng nhờ rao bán lại căn hộ, đất nền, nhà phố. Thường những người này đều phải chịu áp lực trả lãi ngân hàng hoặc có việc gì cần rút vốn về gấp.
Theo môi giới này, có không ít các nhà đầu tư non kinh nghiệm, khi thấy đầu tư bất động sản dễ dàng, mua đi bán lại cũng lại mấy trăm triệu thì cũng muốn tham gia. Họ nhanh chóng bị cuốn vào những dự án quảng cáo hoành tráng, chính sách ưu đãi hấp dẫn với viễn cảnh lợi nhuận cao.
Thế nhưng, đến khi thị trường gặp vấn đề, các nhà đầu tư “tay mơ” nhanh chóng lộ diện, chấp nhận bán với giá gần như bằng lúc mua, chịu lỗ tiền lãi ngân hàng hàng tháng trả. Còn với những nhà đầu vẫn có thể gánh được nợ ngân hàng hoặc không bị phụ thuộc vào vốn vay thì có tâm lý chờ đợi diễn biến của thị trường.
Ông Lê Quốc Kiên - nhà đầu tư bất động sản chia sẻ với báo chí, hiện tại, khi dịch bệnh đã qua, cần nguồn vốn tập trung lại vào sản xuất kinh doanh thì thị trường bất động sản lại đang mất thanh khoản, thị trường chứng khoán và coin thậm chí còn tệ hại hơn.
Tóm lại, khi thị trường đang "uptrend" - toàn thị trường gần như ở đâu cũng tăng - thì ai cũng là nhà đầu tư tài năng, ai cũng thắng lợi. Nhưng khi thị trường vào giai đoạn "thủy triều rút", thì chỉ những nhà đầu tư có nền tảng tài chính bền vững, có thu nhập tốt và ổn định từ sản xuất kinh doanh (hoặc làm thuê), đầu tư phần lớn bằng "tiền nhàn rỗi, tiền bỏ heo", kiểm soát tốt đòn bẩy (nếu có) trong khả năng cho phép của "tiền bỏ heo", và sở hữu những tài sản có khả năng thanh khoản tốt mới là những người bình yên đi qua mùa giông bão để hái quả ngọt về sau.
Theo ông Kiên, giai đoạn từ nay đến hết 2023, phương án đầu tư "cần sự an toàn" có thể sẽ lên ngôi. Lựa chọn này cần các sản phẩm khi cần có thể thanh khoản nhanh chóng, dễ dàng.
Cụ thể, để thanh khoản tốt thì bất động sản phải có pháp lý rõ ràng và có thể sử dụng được ngay. Để có thể sử dụng được ngay thì bất động sản cần phải ở các nơi có mật độ dân cư tương đối ổn, và tiện ích cơ bản tối thiểu để sinh hoạt. Đặc biệt, sản phẩm được ngân hàng sẵn sàng cho vay trên 70% giá thị trường.