"Lộ diện" sân bay Điện Biên trước ngày mở cửa trở lại
Theo kế hoạch ngày 2-12 sẽ đưa vào hoạt động trở lại Cảng hàng không Điện Biên (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).
- 26-11-2023Đẩy nhanh tiến độ đưa sân bay Điện Biên khai thác trở lại từ đầu tháng 12
- 18-11-2023Sân bay Điện Biên chuẩn bị khai thác trở lại sau thời gian tạm dừng để nâng cấp
- 05-11-2023Tập trung nguồn lực để Dự án nâng cấp sân bay Điện Biên về đích đúng hẹn
Đến thời điểm này, việc thi công các hạng mục Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã hoàn thành như: Đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách cùng các công trình phụ trợ, đài dẫn đường DVOR/DME, đèn hiệu, biển báo và hàng rào an ninh...
Cảng hàng không Điện Biên
Ngày 27-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 470/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với quy mô đường cất hạ cánh dài 2.400 m, rộng 45 m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321. Quy mô hàng không dân dụng, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300 ngàn khách/năm lên 500 ngàn khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.
Để sân bay Điện Biên có thể đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương, Dự án đã xây dựng đường cất hạ cánh 35-17 kích thước 2.400 m x 45 m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê-tông xi-măng đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương; lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5 m, dải hãm phanh 2 đầu đường cất hạ cánh kích thước 60 x 100 m, kết cấu bê-tông nhựa; xây dựng đường lăn nối cách đầu 17 khoảng cách 500 m, kết cấu bê-tông xi-măng...
Sân bay Điện Biên có sân đỗ máy bay với 4 vị trí đỗ, trong đó 3 vị trí đỗ dành cho máy bay A320/A321 hoặc tương đương và 1 vị trí đỗ dành cho máy bay ATR72 hoặc tương đương trở xuống. Hệ thống đèn phụ trợ hàng không hỗ trợ cho máy bay cất hạ cánh, di chuyển dưới mặt đất trong điều kiện ban đêm, ban ngày thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế. Dự án trang bị các hệ thống đèn đạt tiêu chuẩn CAT I theo quy định của ICAO.
Nhà ga hành khách được thiết kế gồm 2 tầng với đường nét kiến trúc hiện đại, hài hòa. Trong đó, tầng 1 bao gồm: Khu vực mái sảnh, khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến. Tầng 2 là khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.
Sân bay Điện Biên có 8 quầy thủ tục, ngoài ra còn có các quầy check-in tự động
Nhà ga có luồng riêng để khách khuyết tật đi: Khách khuyết tật sẽ theo đường dốc khuyết tật để vào sảnh đi để làm thủ tục. Sau khi soi chiếu an ninh sẽ sử dụng 2 thang máy để lên phòng chờ ở tầng 2.
Tại tầng 2 hành khách khuyết tật được phục vụ bình thường như các hành khách khác, và có khu vệ sinh khuyết tật riêng được bố trí ở 2 đầu phòng chờ. Đến giờ bay hành khách khuyết tật sẽ theo 2 thang máy để xuống cửa ra máy bay.
Nhà ga sân bay Điện Biên có luồng riêng để khách khuyết tật đi
Đây là một trong những công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Bắc nói chung.
Một số hình ảnh sân bay Điện Biên trước ngày đưa vào khai thác:
Người lao động