MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỡ hẹn với hòa bình

10-04-2024 - 11:11 AM | Tài chính quốc tế

Một lệnh ngừng bắn từng được kỳ vọng diễn ra tại Dải Gaza trong tháng lễ ăn chay Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo.

Cơ hội cho một cuộc ngừng bắn để dẫn đến hòa bình tạm thời cho Dải Gaza đã đóng sập lại, khi lực lượng Hamas ngày 9/4 tuyên bố bác bỏ mọi đề xuất để ngừng giao tranh của Israel.

Một lệnh ngừng bắn từng được kỳ vọng diễn ra tại Dải Gaza trong tháng lễ ăn chay Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo. Tuy nhiên, cho đến khi chỉ còn một ngày là đến lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ này vào ngày 10/4 vẫn không có bất cứ lệnh ngừng bắn nào cho dải đất này được đưa ra. Lý do Hamas khước từ đề xuất của Israel thông qua các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar là không đáp ứng bất cứ yêu cầu nào từ phía Israel.

Dù vậy, phía Hamas vẫn cho biết sẽ nghiên cứu thêm các đề xuất của phía nhà nước Do Thái về ngừng bắn. Nỗ lực hòa giải như thế chưa thất bại hoàn toàn nhưng tín hiệu này của lực lượng Hamas là vô cùng mong manh có thể dẫn đến cơ hội hòa bình và cũng đánh dấu việc cuộc đàm phán ngừng bắn cho Dải Gaza đến nay không ghi nhận bất cứ tiến triển nào.

Rào cản để hai bên đi đến ngừng bắn là việc các quan điểm mâu thuẫn nhau về điều kiện. Phía Hamas muốn thỏa thuận phải đảm bảo chấm dứt cuộc tấn công quân sự của Israel, rút quân đội Do Thái khỏi Dải Gaza và cho phép những người sơ tán được trở về nhà trên khắp dải đất này.

Trong khi đó, Israel chưa sẵn sàng cho việc chấm dứt chiến dịch tại Dải Gaza mà chỉ đồng ý trả tự do cho một số tù nhân Palestine để đổi lấy các con tin còn lại bị Hamas bắt giữ ở Gaza.

Sau nửa năm phát động chiến dịch quân sự vào Dải Gaza để trả đũa Hamas tấn công làm chết và bắt cóc hàng nghìn người Do Thái, quân đội Israel vẫn khẳng định mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt hoàn toàn lực lượng này.

Để đạt được mục tiêu, chiến trường tiếp theo trong chiến dịch của Israel là thành phố Rafah ở miền Nam Dải Gaza. Quân đội Israel đánh giá đây là cứ điểm cuối cùng của Hamas và buộc phải tấn công để hoàn tất mục tiêu đã đặt ra từ đầu chiến dịch.

Song song với việc cử phái đoàn tới Ai Cập để bắt đầu vòng đàm phán ngừng bắn mới với sự tham gia của các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập, quân đội Israel vẫn thực hiện chiến dịch ở Gaza bất chấp ý kiến phản đối từ nhiều nước.

Đồng minh lớn nhất của họ là Mỹ cũng đang gây sức ép, buộc Israel phải công khai các bước đi cụ thể trong chiến dịch để hạn chế gây tổn hại dân sự cũng cũng như nhân đạo.

Sức ép quốc tế với Israel ngày càng tăng sau vụ quân đội nước này không kích nhầm làm chết 7 nhân viên cứu trợ tại Dải Gaza hồi đầu tháng. Quân đội đã sa thải 2 sỹ quan cấp cao và khiển trách 3 người liên quan khác liên quan đến cuộc không kích được cho là phạm sai lầm vì xử lý sai thông tin và vi phạm quy tắc giao chiến.

Tuy nhiên, động thái trên cũng như chiến dịch quân sự tiếp diễn vẫn đang khiến chính phủ Do Thái hứng chịu sức ép quốc tế. Trong một động thái mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/4 tuyên bố áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Israel cho đến khi nào một lệnh ngừng bắn được thực hiện tại Gaza. Đây cũng là biện pháp phản đối cứng rắn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt lên Israel sau 6 tháng xung đột tại Dải Gaza.

Dù những tiếng nói phản đối cũng như biện pháp gây sức ép ngày càng cụ thể, nhưng dường như những điều này vẫn không thể khiến Israel thay đổi mục tiêu quân sự của mình tại Dải Gaza. Điều này đồng nghĩa hòa bình vẫn chưa thể đến, tiếng súng và máu sẽ vẫn tiếp tục đổ trên dải đất nhiều bi thương nhất hành tinh này.

Theo Đức Anh

Giáo dục & thời đại

Trở lên trên