MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗ hổng lớn của ngành kiểm toán (P2): Khi tính thận trọng bị coi nhẹ

09-08-2018 - 12:35 PM | Tài chính quốc tế

Từ những năm 1960, bắt đầu xuất hiện quan điểm kiểm toán cần giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về mức giá trị hiện tại của công ty. Điều này đồng nghĩa với loại bỏ những quan điểm gây cản trở như sự thận trọng và bảo thủ; thay vào đó, kiểm toán phải mang tính "trung lập" và sử dụng các dữ liệu được cập nhật liên tục.

Khi tính thận trọng bị thay thế bởi tính hữu ích

Kiểm toán hiện đại ở Anh bắt nguồn từ một thất bại lớn: sự sụp đổ của Ngân hàng City of Glasgow Bank năm 1878. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi những định chế trách nhiệm vô hạn như vậy, với sự sụp đổ tác động mạnh đến tầng lớp bình dân ở London, ngày càng có nhiều ngân hàng chuyển đổi sang loại hình trách nhiệm hữu hạn. Và mô hình này đi kèm với nhiều thứ, bao gồm cả việc phải tiến hành kiểm toán độc lập.

Mục đích là để đảm bảo với nhà đầu tư rằng vốn của các công ty không bị lạm dụng bởi các nhà quản lý lạc quan thái quá hay có hành vi gian lận. Natasha Landell-Mills, giám đốc quỹ quản lý tài sản Sarasin & Partners cho biết: "Về bản chất, kiểm toán nghĩa là bảo vệ vốn, và do đó đảm bảo sự quản lý vốn có trách nhiệm."

Đứng sau là một hệ thống kế toán thận trọng. Nguyên tắc rằng tài sản được định giá ở mức thấp hơn chi phí hoặc giá trị thuần có thể thực hiện được (hoặc mức giá có thể được bán) không loại trừ các ước tính. Nhưng chỉ lấy giá trị ước tính khi không tìm được các giá trị. Các nhà quản lí hoàn toàn không thể cung cấp những lợi nhuận không chính thức và cung cấp chúng như những dữ liệu thực tế.

Ý tưởng rằng kiểm toán trước tiên phải là "hữu ích" bắt nguồn từ thứ gọi là giả thuyết thị trường hiệu quả. Từ những năm 1960, các nhà nghiên cứu như William Beaver tại Đại học Stanford đã nâng cao quan điểm rằng để các thị trường có thể phân bổ nguồn vốn đến các lĩnh vực sinh lời hiệu quả nhất, kiểm toán cần giúp các nhà giao dịch chứng khoán hiểu rõ hơn về mức giá trị hiện tại của một công ty.

Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ những quan điểm gây cản trở như sự thận trọng và bảo thủ; thay vào đó, kiểm toán phải mang tính "trung lập" và sử dụng các dữ liệu được cập nhật liên tục cho bảng cân đối kế toán. Do đó giá trị hợp lý (fair value) được coi trọng.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã từng chỉ trích cách kiểm toán giá trị hợp lý, cho rằng nó góp phần vào cú sụp đổ của thị trường năm 1929. Tuy nhiên, các sự kiện đương đại lại rất coi trọng giả thuyết này. Lạm phát tăng cao trong thập niên 1970 khiến cho số liệu chi phí giá gốc dường như không còn chính xác với giá trị tài sản. Cuộc khủng hoảng về tiền gửi và cho vay ở Hoa Kỳ những năm 1980 một phần là do các công ty kiểm toán sử dụng sổ sách cũ.

Từ những năm 1990, giá trị hợp lý bắt đầu thay thế giá gốc trên các bảng cân đối kế toán, đầu tiên ở Mỹ và sau đó, với sự ra đời của các tiêu chuẩn kế toán IFRS năm 2005, lan ra toàn EU. Tài sản ngân hàng được giao dịch bắt đầu được đánh giá lại thường xuyên theo giá trị thị trường. Ngày càng có nhiều hợp đồng được định giá là dòng thu nhập chiết khấu theo thời gian, kéo dài liên tục đến 1 mốc trong tương lai.

Đây cũng là thời điểm mức lương của các nhà quản lý, đặc biệt là ở Mỹ, tăng lên thông qua việc sử dụng các ưu đãi liên quan đến thị trường. Từ năm 1992 đến năm 2014, mức thù lao dựa trên vốn chủ sở hữu cho các lãnh đạo tại các công ty trong S&P 500 đã tăng từ 25% đến 60% tổng thù lao của họ, theo cơ sở dữ liệu ExecuComp.

Lỗ hổng bị lạm dụng

Không mất nhiều thời gian để các ông chủ nhận thấy khả năng tài chính của họ đã ảnh hưởng đến giá trị hợp lý. Ví dụ, từ năm 1995 đến năm 1999, cổ phiếu của Enron có mức lợi suất thấp hơn của chỉ số S&P 500. Tuy nhiên, vào năm 2000, khi công ty năng lượng Mỹ này bắt đầu sử dụng những mánh khóe kiểm toán, cổ phiếu của nó đã vượt chuẩn. Trong 10 tháng trước khi sụp đổ, công ty đã trả 340 triệu USD cho các giám đốc điều hành.

Lỗ hổng lớn của ngành kiểm toán (P2): Khi tính thận trọng bị coi nhẹ - Ảnh 1.

Với việc các mánh khóe kiểm toán giúp cổ phiếu của công ty vượt trội so với S&P 500, Enron đã trả tới 340 triệu USD cho các lãnh đạo cao cấp trong 10 tháng trước khi phá sản vào tháng Mười 2001 © Reuters

"Vấn đề với kế toán sử dụng giá trị hợp lý là rất khó để phân biệt giữa hạch toán theo giá thị trường, hạch toán theo dữ liệu giả định và hạch toán theo giả thuyết", một nhà đầu tư nằm trong hội đồng quản trị của 1 công ty kiểm toán cho hay.

Về lý thuyết, giá trị hợp lý không nên ngăn cản kết quả kiểm toán đáng tin cậy. Nhưng nó sẽ làm việc kiểm toán khó khăn hơn. Việc nới lỏng các qui định đã được kiểm chứng làm tăng áp lực lên các kiểm toán viên, dẫn đến việc các nhà quản lí được nhận mức thưởng cao hơn.

Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng về việc áp lực lên các kiểm toán viên tăng lên. Hãy nhìn vào lợi thế thương mại (goodwill), mục đo lường sự chênh lệch giữa số tiền mà một doanh nghiệp bỏ ra để mua một doanh nghiệp khác với giá trị tài sản thuần của doanh nghiệp được mua.

Cho đến đầu thế kỷ này, có một quy ước chung là khi một công ty mua một công ty khác, lợi thế thương mại là một chi phí của giao dịch cần phải được khấu hao từng kỳ. Nếu không làm vậy, lợi ích của thương vụ M&A sẽ bị thổi phồng do có khoản được ghi nhận 2 lần trong khi kiểm toán lợi nhuận bổ sung từ các tài sản đã mua. Theo Karthik Ramanna, giáo sư về kinh doanh và chính sách công tại Blavatnik School of Government thuộc đại học Oxford, cho rằng: "Điều này vi phạm tiền đề cơ bản của kiểm toán truyền thống".

Lỗ hổng lớn của ngành kiểm toán (P2): Khi tính thận trọng bị coi nhẹ - Ảnh 2.

Tấm séc của Ngân hàng City of Glasgow, ngân hàng đã phá sản năm 1878 sau những qui định siết chặt kiểm toán © AllyD/Wikicommons

Tuy nhiên, ở phố Wall, những người thiết lập các tiêu chuẩn đã giảm bớt các quy tắc về lợi thế thương mại vào năm 2000. Lợi thế thương mại sẽ được hạch toán cố định trong bảng cân đối kế toán và sẽ chỉ bị cắt giảm nếu có bằng chứng cho thấy dòng tiền chiết khấu trong tương lai từ tài sản cơ bản suy giảm đủ mạnh.

Do các vụ mua lại hầu hết đầu không giữ được bản chất nguyên thủy, rất khó để nắm bắt được vấn đề. Kể từ năm 2007, tổng lợi thế thương mại trong bảng cân đối của các công ty S&P 500 đã tăng vọt từ 1,8 lên 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2016, phần lớn lại được sử dụng làm tài sản thế chấp trong các thương vụ mua lại bằng nợ.

Khi Carillion sụp đổ vào tháng Một, người ta phát hiện ra tập đoàn chỉ ghi giảm 134 triệu bảng trong tổng số 1,5 tỉ bảng lợi thế thương mại trên bảng cân đối kế toán, mặc dù có ít nhất một vụ mua lại lớn có tài sản ròng âm gần 200 triệu bảng và công ty đó nhẽ ra đã phá sản nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ công ty mẹ.

Còn tiếp

Minh Trang

FT

Trở lên trên