Lỗ hổng lớn trong quản lý nhà ở xã hội
Lỗ hổng trong quản lý nhà ở xã hội không được khắc phục sẽ khiến việc phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp mất đi tính hiệu quả.
- 29-09-2016Đầu tư nhà ở xã hội tại các tỉnh dễ hơn TP.HCM
- 29-09-2016Nhà ở xã hội: Đừng ham của rẻ để rồi trả giá đắt
- 22-09-2016Sở Xây dựng "sờ gáy" dự án nhà ở xã hội 30 Phạm Văn Đồng
Theo quy định hiện nay, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vừa là người xây dựng, phân phối và vừa quản lý sau này. Trong khi chủ đầu tư có toàn quyền trong việc xét duyệt hồ sơ, lập danh sách mua nhà, thì các cơ quan quản lý lại chưa sâu sát trong vấn đề thanh tra, hậu kiểm, dẫn đến nhiều lo ngại về việc bán nhà ở xã hội chưa đúng đối tượng. Nếu những lỗ hổng trong việc quản lý loại nhà này không được khắc phục, thì chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị sẽ khó đạt hiệu quả.
Tháng 9 vừa qua, phân khúc nhà giá rẻ tại Hà Nội “nóng” khi 101 căn nhà ở xã hội của dự án 622 Minh Khai, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng chính thức được bốc thăm. Tỷ lệ chọi cao vì có hàng trăm người tham dự, không khí bốc thăm căng thẳng chẳng khác gì thi đại học.
Điều đáng nói là nhiều khách hàng phản ánh “cò bất động sản” làm việc rất nhiệt tình trong buổi bốc thăm. Khách hàng nào bốc trúng căn hộ là ngay lập tức, không rõ là môi giới hay người của chủ đầu tư đến gặp trực tiếp và gọi điện thoại liên tục tư vấn về việc bán lại căn hộ đó để hưởng số tiền chênh lệch từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Một khách hàng mua nhà tại dự án này cho biết: “Sau khi bốc thăm xong có rất nhiều số điện thoại lạ gọi cho tôi với mục đích hỏi muốn mua lại căn hộ của tôi. Nhưng tôi chưa có nhà ở, và mua được nhà ở vị trí này là rất may mắn nên tôi nhất quyết trả lời là không mua bán”.
Nhiều khách hàng đã phát hiện ra những điều khá bất thường trong việc xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án này. Theo một khách hàng, thời điểm “chốt hạ” danh sách, số thứ tự là hơn 300, thì đến ngày bốc thăm, không hiểu sao có thêm gần trăm hồ sơ nữa lọt vào danh sách.
“Thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ mua dự án 622 Minh Khai chỉ có 332 hồ sơ, nhưng sau đấy 3 ngày thì số hồ sơ lại lên tới 430. Không hiểu là 98 hồ sơ đấy phát sinh ở đâu ra? Đây là dấu chấm hỏi rất lớn với những người muốn mua nhà tại dự án đấy, vì số hồ sơ càng cao tức là tỷ lệ chọi càng cao và hy vọng mua nhà của người dân càng thấp”, một khách hàng cho biết.
Sự việc tại dự án 622 Minh Khai góp thêm nhiều nghi ngại về việc nhận, lập danh sách, xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội và tổ chức bốc thăm để được mua căn hộ. Trong khi đó, các chủ đầu tư cũng như lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội luôn khẳng định, việc xét duyệt hồ sơ và lập danh sách mua nhà ở xã hội được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Theo đúng quy trình, sau khi tập hợp đầy đủ giấy tờ từ các khách hàng có nhu cầu, chủ đầu tư nhà ở xã hội xem xét từng hồ sơ, chấm điểm theo quy định, tổ chức bốc thăm và lập danh sách những người được mua, thuê mua nhà ở xã hội thuộc dự án do mình làm chủ đầu tư rồi gửi về Sở Xây dựng.
Theo đó, Sở Xây dựng có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử, sau 15 ngày nếu không có ý kiến gì phản hồi, chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng với người mua nhà.
Như vậy, với quy định hiện nay, chủ đầu tư vừa là người xây dựng, phân phối dự án và vừa quản lý sau này. Theo nhiều chuyên gia, quy định này đang tạo ra lỗ hổng trong việc xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư có toàn quyền quyết định.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho biết, đây là nguyên nhân dẫn đến những hành vi trục lợi nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua.
“Nhà ở xã hội và cả gói 30.000 tỷ đang bị lợi dụng rất nhiều, vì đã giao cho các chủ đầu tư quyền xét duyệt danh sách để bán. Tốt nhất là việc này phải có một tổ công tác hay một nhóm xét duyệt, chứ giao tất cho chủ đầu tư thì rất dễ sai đối tượng, thậm chí đưa cả họ hàng vào danh sách. Ngay danh sách đã sai rồi”, ông Hùng chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, việc quản lý nhà ở xã hội của các cơ quan chức năng chưa nghiêm, dẫn đến chủ đầu tư có “cơ hội” để lọt vào danh sách mua nhà những người không đúng đối tượng.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: “Trong quy định Nhà nước có chính sách hậu kiểm, nếu phát hiện những đối tượng mua nhà không đúng tất cả các quy trình đều phải hủy bỏ. Trách nhiệm thẩm tra không đúng thuộc về Sở Xây dựng, hoặc chủ đầu tư chịu trách nhiệm về danh sách đề xuất lên Sở Xây dựng. Nếu còn có lỗ hổng, sơ hở thì vấn đề cần để khắc phục chính là phải kiểm tra lại các quy trình”.
Sự việc bố đẻ của Tổng Giám đốc, người nhà của lãnh đạo đơn vị làm chủ đầu tư lọt vào danh sách mua nhà ở xã hội đã làm xôn xao dư luận trong thời gian qua là do báo chí phát hiện, chứ không phải do thanh tra, hậu kiểm.
Gần đây, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra đột xuất dự án nhà ở xã hội tại 30 Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi có phản ánh của dư luận về việc nhiều căn hộ tại dự án này bị đập thông nhau, nhưng kết quả chưa được công khai.
Khi quỹ nhà ở xã hội còn ít, nhu cầu mua nhà của người thu nhập thấp rất lớn, thì việc để tồn tại những lỗ hổng trong quản lý, tạo điều kiện cho các hành vi trục lợi, bán nhà ở xã hội cho người không thực sự có nhu cầu là điều không thể chấp nhận được./.
VOV