MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗ hổng ở SEC, thương vụ 3.600 tỷ USD và người họa sĩ tự tuyên bố mình giàu hơn cả Bill Gates

23-03-2017 - 10:09 AM | Tài chính quốc tế

Mỗi năm có khoảng 800.000 tài liệu được nộp lên Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), tức 3.000 hồ sơ mỗi ngày. Tuy nhiên những tài liệu này hiếm khi được kiểm tra và hiệu đính, thậm chí có đôi lúc những thứ giả mạo cũng không bị hạ xuống.

Một vài giờ sau khi thị trường New York đóng cửa hôm 1/2, một họa sĩ ít ai biết đến người Chicago có tên Antonio Lee tuyên bố với thế giới rằng anh vừa trở thành người giàu nhất hành tinh. Người họa sĩ 32 tuổi nói rằng công ty mẹ của Google, Alphabet, vừa mua công ty nghệ thuật của anh với số tiền được trả bằng một lượng lớn cổ phiếu. Số cổ phiếu này có giá trị lớn đến nỗi Lee sẽ giàu hơn cả Bill Gates, Warren Buffett và ông chủ Jeff Bezos của Amazon cộng lại.

Tất nhiên, chẳng có điều nào trong những tuyên bố trên là sự thực. Nhưng đúng là vào ngày 1/2, Lee đã thành công trong việc phát đi bản thông báo của mình ở một trong những nơi quyền lực nhất trong giới tài chính quốc tế: cơ sở dữ liệu Edgar của Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) – nền tảng của các giao dịch tài chính có giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi ngày.

800.000 tài liệu mỗi năm

Hơn 30 năm qua, về cơ bản thì SEC vẫn luôn chấp nhận việc các công ty nộp bản mềm hồ sơ pháp lý (regulators filings) qua mạng. Mỗi năm có khoảng 800.000 tài liệu được nộp lên, tức 3.000 hồ sơ mỗi ngày. Tuy nhiên những tài liệu này hiếm khi được kiểm tra và hiệu đính, thậm chí có đôi lúc những thứ giả mạo cũng không bị hạ xuống.

Theo Lawrence West, một cựu cán bộ của SEC, cơ quan này chỉ có thể phạt người đưa thông tin sau khi tài liệu đã được đưa lên và xóa bỏ tài liệu ấy ra khỏi hệ thống.

Mới đây Quốc hội Mỹ cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này. Về phần mình, SEC cho biết phía nộp sẽ chịu trách nhiệm về sự trung thực của tài liệu và số thông tin giả là không nhiều. Nộp tài liệu sai là một trong những vi phạm theo quy định của SEC, thậm chí có thể bị kiện lên cấp liên bang. Tuy nhiên, trường hợp vừa rồi của Lee cho thấy vẫn có nhiều lỗ hổng trong dữ liệu của SEC.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Lee nói rằng trước đây anh là một người thợ cắt tóc, sau đó làm môi giới cho thuê nhà trước khi trở thành họa sĩ. Công ty mà anh bán cho Alphabet có tên YnoFace Holdings. “Tôi luôn muốn trở nên giàu có, để có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình”, Lee nói.

Trong suốt cuộc nói chuyện dài 2 giờ đồng hồ tại một triển lãm nghệ thuật ở Chicago, Lee không hề cho rằng tuyên bố của mình sai hay đó chỉ là một trò đùa.

Cổ phiếu Avon tăng vọt 20% thì thông tin sai

Lee không được hưởng lợi chút nào từ thông tin này và có vẻ như cũng không có nhà đầu tư bị lừa. Tuy nhiên, đã có một số vụ mà nhà đầu tư phải trả giá đắt.

Ngày 14/5/2015, Nedko Nedev, một người có 2 quốc tịch Mỹ và Bulgaria, đã nộp lên SEC tài liệu cho thấy anh đang chào mua công ty mỹ phẩm Avon Products. Vì thông tin này, cổ phiếu Avon tăng vọt 20% trước khi bị tạm ngừng giao dịch và Avon lên tiếng phủ nhận. Nedev bị buộc tội thao túng thị trường.

Thượng nghị sĩ Chuck Grassley của bang Iowa đã viết một bức thư phàn nàn SEC hãy xem xét các tiêu chuẩn của mình. Tuy nhiên Chủ tịch SEC khi đó là Mary Jo White nói rằng khó có thể kiểm tra mọi dữ liệu mà không làm ảnh hưởng đến tốc độ của dòng chảy thông tin.

Và những thông tin giả mạo, thông tin sai vẫn tiếp tục xuất hiện. Tập đoàn Berkshire của Warren Buffett từng bị giả mạo. Tháng 9/2015, một công ty có trụ sở ở Singapore có tên LMZ & Berkshire Hathaway Co. nộp lên tài liệu thông báo về việc thoái 10% cổ phần ở cả công ty năng lượng Phillips 66 và công ty thực phẩm Kraft Heinz Co. Ở cả 2 nơi này Berkshire đều là cổ đông lớn.

Tháng 11 năm ngoái, xuất hiện thông tin ABM Capital (1 công ty có địa chỉ ở Thượng Hải) chào mua Fitbit, nhà sản xuất những đồ đeo tay theo dõi quá trình luyện tập. Fitbit nói rằng họ không nhận được lời đề nghị nào cả.

Năm 1934, SEC ra đời bởi công chúng mất niềm tin vào thị trường tài chính sau cú sụp đổ 5 năm trước đó. Tuy nhiên Chủ tịch đầu tiên, Joseph Kennedy (bố của cố Tổng thống John F. Kennedy) được cho là đã hưởng lợi nhờ bóp méo giá cổ phiếu trước khi thị trường sụp đổ.

Năm 1984, SEC bắt đầu thử nghiệm nộp tài liệu qua mạng. 10 năm sau, SEC ra quy định tất cả các thông tin đều phải nộp dưới dạng bản mềm, thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu Edgar và quá trình này đơn giản đến ngạc nhiên. Người nộp điền vào một bảng câu hỏi trực tuyến gọi là Form ID, sau đó đính kèm tài liệu được chứng thực bởi một công chứng viên để được nhận mã truy cập Edgar. Mất chưa đến 48 giờ để hoàn thành xong thủ tục.

Nếu như SEC kiểm tra dữ liệu kỹ lưỡng hơn, họ sẽ có một vài câu hỏi dành cho Lee. Lee cho biết anh đã tiếp xúc với nhiều “tay to” trong giới tài chính và công nghệ như Brian Moynihan (CEO Bank of America), Larry Page và Sergey Brin (các nhà sáng lập của Google). Brian Moynihan rất thích các bức vẽ của Lee trong khi Larry Page và Sergey Brin muốn mua lại công ty của anh.

Ngày 19/10/2016, Lee nộp lên SEC tài liệu thông báo Bank of America đã mua cổ phần của YNoFace Holdings bằng cổ phiếu với giá 88 tỷ USD. Con số 88 tỷ USD tương đương với giá trị vốn hóa của Starbucks và Nike.

Vài tháng sau, Lee lại nộp lên tài liệu cho thấy Alphabet đã mua YNoFace Holdings bằng 4,5 tỷ cổ phiếu loại A của Alphabet. Con số không tưởng này cao gấp 10 lần số cổ phiếu đang lưu hành và có giá trị 3.800 tỷ USD. Bank of America và Google đều tuyên bố những thông tin về vụ mua bán cũng như việc Lee liên lạc với các lãnh đạo cấp cao đều không có thật.

Tuy nhiên cho đến tận hôm nay cả hai tài liệu này đều vẫn còn trong cơ sở dữ liệu của SEC.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên