Kỳ vọng nào cho FPT Retail trong nửa cuối năm?
Long Châu được kỳ vọng sẽ là nguồn thu chính cho FRT trong năm 2023 khi chuỗi FPT Shop đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt đến từ chiến lược giảm giá bán của các nhà bán lẻ.
- 23-08-2023Góc nhìn CTCK: VN-Index tiếp tục "thăm dò" tại vùng 1.165–1.190 điểm, nhịp hồi phục ngắn hạn có thể xuất hiện
- 23-08-2023Vinfast lập đỉnh trên sàn Mỹ, trong nước 'đầu tàu' VIC tăng vọt
- 23-08-2023TNG báo lãi 7 tháng sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, phải thu ngắn hạn khách hàng tăng vọt lên gần 1.000 tỷ đồng
Doanh thu từ bán thuốc lần đầu tiên “vượt mặt” máy tính, điện thoại
Trước bối cảnh sức mua suy yếu cùng nhu cầu sụt giảm, quý 2 vừa qua tiếp tục là khoảng thời gian tương đối khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ, và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) không phải ngoại lệ.
Mức lỗ gần 220 tỷ đồng trong quý vừa qua là con số lỗ ròng (lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ) lớn nhất lịch sử của công ty này.
FRT cho biết, giữa bối cảnh kinh tế nhiều biến động, thị trường bán lẻ ICT 6 tháng đầu 2023 đối mặt với những thách thức lớn nhất trong nhiều năm khi thị trường chung giảm khoảng 24%, kèm theo đó là cuộc chiến cạnh tranh giá khốc liệt để giành thị phần.
Trong khi mảng ICT đối diện khó khăn lớn chưa từng có, điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của FPT Retail đến từ chuỗi dược phẩm Long Châu. Quý 2/2023, chuỗi nhà thuốc này tiếp tục mở mới gần 190 cửa hàng, riêng FPT Shop đã phải đóng cửa 7 cửa hàng. Doanh thu chuỗi Long Châu quý 2/2023 nhờ đó tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ đạt 3.615 tỷ đồng, con số này giúp Long Châu lần đầu tiên vượt doanh thu của chuỗi FPT Shop (ghi nhận 3.605 tỷ đồng).
Nhiều động lực tăng trưởng kỳ vọng thúc đẩy FRT thời gian tới
Báo cáo mới cập nhật về FPT Retail của Chứng khoán An Bình (ABS) nêu rõ, động lực tăng trưởng chính của FRT đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu . Nhóm phân tích đánh giá rằng Long Châu sẽ là nguồn thu chính cho FRT trong năm 2023 khi chuỗi FPT Shop đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt đến từ chiến lược giảm giá bán của các nhà bán lẻ và bối cảnh thị trường ICT bão hòa, nhu cầu tiêu thụ suy yếu.
Trong dài hạn, ABS kỳ vọng Long Châu sẽ tiếp tục là động lực của FRT nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và lợi thế về quy mô. CTCK này dự báo số nhà thuốc của Long Châu trong năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 1.340 cửa hàng và 1.763 cửa hàng, với doanh thu TB/cửa hàng đạt tăng trưởng 10%/năm trong giai đoạn này.
Đối với chuỗi FPT Shop, dù gặp nhiều khó khăn song triển vọng hồi phục trong thời gian tới được hỗ trợ bởi một số yếu tố, điển hình là việc tập trung đẩy mạnh bán hàng gia dụng trong chuỗi FPT Shop. Việc đưa hàng gia dụng vào chuỗi FPT Shop giúp FRT có thể tận dụng lượng khách đến cửa hàng, tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, FRT đã nâng số cửa hàng FPT Shop bán hàng gia dụng lên 585 cửa hàng (tăng 285 cửa hàng so với đầu năm). FRT đặt mục tiêu mảng kinh doanh này sẽ đóng góp 15% doanh thu cho doanh nghiệp trong 3 năm tới.
Ngoài ra, ABS cũng kỳ vọng sức tiêu thụ được phục hồi trong nửa cuối năm nhờ tình hình lạm phát đã hạ nhiệt và mặt bằng lãi suất giảm . Thêm vào đó, việc NHNN giảm lãi suất 4 lần từ đầu năm đã gỡ khó giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay cao như FRT.
Mặt khác, một trong những động lực tăng trưởng khác đến từ việc FRT đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn quốc để khai thác kinh doanh lĩnh vực viễn thông di động.
FPT Retail sẽ cung cấp các dịch vụ mạng viễn thông di động mặt đất trên phạm vi toàn quốc (mạng di động ảo - MVNO). Đặc biệt, công ty sẽ tập trung vào định hướng phát triển các thuê bao sử dụng 3G/4G hoặc các công nghệ cao hơn, ABS đánh giá rằng FRT có nhiều lợi thế vượt trội trong khai thác mảng kinh doanh này.
Thêm vào đó, dư địa tăng trưởng của các doanh nghiệp MVNO vẫn còn rất rộng mở. Theo số liệu của Cục Viễn thông, số lượng thuê bao ĐTDĐ tại Việt Nam khoảng 130 triệu thuê bao, trong đó số lượng thuê bao của các doanh nghiệp MVNO đạt 2,65 triệu, chiếm 2,1% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường.
“Như vậy, đây vẫn là một lĩnh vực tiềm năng mà FRT có thể khai thác trong thời gian tới, nhờ đó trở thành động lực tăng trưởng cho FRT trong tương lai", báo cáo cũng chỉ rõ.
MVNO (Mobile Virtual Network Operator) là mô hình mạng di động, trong đó nhà cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông mà sẽ thuê của một đơn vị khác.
Ở Việt Nam hiện nay, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo mới nhất là FPT Retail, 4 doanh nghiệp khác gồm: I-Telecom của Đông Dương Telecom, mạng ảo Reddi của Mobicast, mạng ảo Local của Công ty cổ phần viễn thông ASIM, Công ty TNHH Dịch vụ số Digilife Việt Nam (thuộc VnPay).
Nhịp sống thị trường