Lỗ lớn, nợ nhiều, Đạm Ninh Bình “kêu cứu” Thủ tướng
Từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 6/2016, Đạm Ninh Bình đã lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ, còn nợ tính đến cuối 2015 là hơn 8.300 tỷ...
- 13-06-2016Đạm Ninh Bình: Tương lai ảm đạm
- 10-06-2016Đạm Ninh Bình lỗ 2.000 tỷ trong 4 năm, "người anh em" Đạm Hà Bắc lỗ gần 700 tỷ chỉ trong 1 năm
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có báo cáo lên Thủ tướng về tình hình hoạt động kinh doanh của Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 6/2016, Đạm Ninh Bình đã lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ, còn nợ tính đến cuối 2015 là hơn 8.300 tỷ đồng.
Nợ hơn 8.300 tỷ đồng
Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn một năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD tại tỉnh Ninh Bình. Đây là dự án lớn nhất của Vinachem và đơn vị cũng sở hữu 100% nhưng vốn tự có khi đó chỉ là 100 triệu USD, do vậy phần lớn vốn thực hiện là đi vay.
Với tham vọng tự chủ nguồn phân bón trong nước, Vinachem được Ngân hàng Eximbank Trung Quốc cho vay 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm. Tổng thầu của dự án là Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer (Trung Quốc).
Được vận hành chính thức vào năm 2012 và thua lỗ từ đó đến nay. Gánh nặng lãi vay rất lớn, số phải trả mỗi năm cao. Năm 2015, Tập đoàn Hoá chất đã phải cho Đạm Ninh Bình vay 366 tỷ đồng để trả nợ phía Trung Quốc, năm 2016 dự kiến số phải trả là 563 tỷ đồng lãi vay.
Theo báo cáo, tổng các khoản nợ tính đến cuối năm 2015 của Đạm Ninh Bình đã vượt 8.300 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, dù đã được Chính phủ và các bộ, ngành có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ như cho giãn khấu hao, điều chỉnh một phần lãi suất vay vốn đầu tư, giảm giá than… nhưng công ty lỗ khoảng 592 tỷ đồng năm 2015.
6 tháng đầu năm 2016, Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ khoảng 457 tỷ đồng. Luỹ kế từ khi đi vào vận hành năm 2012 đến nay, Đạm Ninh Bình đã lỗ lũy kế 2.693 tỷ đồng.
Xin ưu đãi, bảo hộ
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, trong 2 năm gần đây công ty gặp nhiều khó khăn, do giá dầu giảm kéo theo giá phân bón giảm mạnh, giá bán Ure Ninh Bình bình quân giảm từ 8,7 triệu đồng/tấn năm 2012 xuống còn hơn 6 triệu đồng/tấn trong 7 tháng đầu năm 2016.
Than là nguyên liệu và nhiên liệu sản xuất chính, chiếm tỷ trọng cao trong giá thành nhưng hiện giá mua cao hơn giá mua theo lộ trình được xác lập trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư và không giảm dù giá than thế giới giảm cũng góp phần làm giảm sức cạnh tranh so với ure sản xuất từ khí.
Mặt khác, các loại chi phí như khấu hao, trả lãi vay đầu tư và vốn lưu động, hạch toán chênh lệch tỷ giá chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản phẩm, làm cho giá vốn sản xuất và giá thành tiêu thụ ở mức cao.
“Điều này khiến tình hình tài chính rất khó khăn, dòng tiền phục vụ sản xuất và trả nợ luôn trong tình trạng thiếu hụt, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gặp khó khăn. 7 tháng đầu năm 2016 công ty phải thu hẹp sản xuất, chỉ chạy máy được 76 ngày và duy trì ở phụ tải thấp, tồn kho cao và tiêu thụ khó khăn, dự kiến lỗ tiếp tục tăng và đứng trước nguy cơ dừng sản xuất dài hạn do không cân đối được dòng tiền, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động trong công ty”, báo cáo nêu.
Do đó, UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép công ty được dãn thời gian trả nợ tối thiểu là 5 năm cho Eximbank Trung Quốc đối với các khoản vay dài hạn đầu tư cho dự án để công ty ổn định lại sản xuất, giảm lỗ.
Đồng thời cho phép Đạm Ninh Bình được áp dụng chính sách trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá sau giai đoạn đầu tư đối với các khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ theo nghĩa vụ nợ phát sinh trong kỳ trong trường hợp tỷ giá có biến động.
Ninh Bình cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm Ure nhằm giúp hạn chế hàng nhập khẩu quá rẻ trong trong thời gian qua, và là nguyên nhân trực tiếp gây lỗ lớn cho Đạm Ninh Bình.
“Với biện pháp này sẽ có tác dụng lớn trong việc bảo toàn vốn nhà nước, bảo vệ được mặt hàng phân Ure trong nước và sản xuất đủ, có phần dư thừa so với nhu cầu sử dụng của ngành nông nghiệp Việt Nam”, báo cáo nêu.
Trước đó, trong văn bản gửi lên tỉnh Ninh Bình, Đạm Ninh Bình đã kiến nghị cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thành vốn góp nhà nước tại Tập đoàn để giảm hệ số lãi vay. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét đưa phân bón ure vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra với mức thuế suất 0%.
VnEconomy