MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Lơ lửng" đất vàng quận 1, ngân hàng tranh giành 23 sổ đỏ

26-11-2019 - 09:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Thủ phạm đem một tài sản đi giao dịch sai nguyên tắc ngồi trong tù, để lại nhiều bên liên quan trầy trật đòi quyền lợi.

Tại phiên tòa phân giải quyền sở hữu 23 sổ đỏ (là vật chứng) trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có chủ mưu là Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bình Phát), cả Ngân hàng Thương mại CP Phương Nam (viết tắt: NH Phương Nam) lẫn NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 6 (Agribank CN 6) đều tranh cãi gay gắt về số phận 23 tài sản. Đây là 2 NH giải ngân hàng trăm tỉ đồng vốn vay nhưng nhận trùng tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Hai ngân hàng tranh giành mãi không xong

Trong quá trình làm ăn, Dương Thanh Cường lập nhiều công ty con, trong đó có Công ty TNHH Thanh Phát. Cuối năm 2007, Cường triển khai dự án cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM). Do cần vốn nên Cường làm hồ sơ vay Agribank CN 6 700 tỉ đồng. Hồ sơ tín dụng đứng tên Công ty TNHH Thanh Phát. Tài sản thế chấp là toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai từ 23 GCNQSDĐ - nơi xây dựng dự án. Cuối năm 2007, Agribank CN 6 giải ngân 628 tỉ đồng. Trước đó, cơ quan chức năng không hề phê duyệt dự án. Tức là, tài sản thế chấp thực ra chỉ nằm trên giấy vì dự án không thể hoàn thành. Dù vậy, Cường tiếp tục mượn 23 GCNQSDĐ, mang sang NH Phương Nam thế chấp vay 79,8 tỉ đồng và 9.000 lượng vàng.

Lơ lửng đất vàng quận 1, ngân hàng tranh giành 23 sổ đỏ - Ảnh 1.

Bị cáo Dương Thanh Cường nhiều lần hầu tòa trong vụ án lừa đảo

Chủ mưu Dương Thanh Cường vào tù với án chung thân trong 9 bản án hình sự. Về trách nhiệm dân sự, tòa án buộc Cường bồi thường cho Agribank CN 6 hơn 1.127 tỉ đồng (gốc và lãi). NH Phương Nam tiếp quản 23 GCNQSDĐ, bởi Agribank CN 6 có lỗi khi cho mượn giấy tờ.

Tuy nhiên, chánh án TAND Tối cao kháng nghị đối với phán quyết trên. Sau đó, quyết định giám đốc thẩm nhận định 2 cấp xét xử sai lầm nghiêm trọng khi giao tài sản về NH Phương Nam. Vì vậy, quyết định giám đốc thẩm hủy phần phán quyết liên quan đến 23 GCNQSDĐ. Quá trình xét xử lại, cấp sơ thẩm tuyên bố tiếp tục kê biên chứ không giao tài sản. Không đồng tình, hai NH đồng loạt kháng cáo.

Tại tòa phúc thẩm mới đây, đại diện NH Phương Nam cho rằng NH này nhận giấy tờ gốc trong hồ sơ vay. "Như vậy, chúng tôi nắm giữ giấy tờ để xử lý nợ là đúng quy định pháp luật" - đại diện NH Phương Nam khẳng định. Trái lại, phía Agribank CN 6 đề nghị tòa án buộc NH Phương Nam trả 23 GCNQSDĐ với căn cứ Cường mua 23 lô đất bằng tiền vay từ Agribank CN 6.

Tòa phúc thẩm bác tất cả kháng cáo. HĐXX nhận thấy hai bên không đưa ra tình tiết có thể chứng minh quyền sở hữu 23 GCNQSDĐ. Từ đó, tòa án tiếp tục kê biên 23 sổ đỏ, không giao NH nào.

Sau khoảng 10 năm với đủ cấp xét xử, 2 NH nhận trùng tài sản thế chấp chưa thể xử lý khoản vay.

"Lơ lửng" đất vàng 

Vừa qua, TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên bố hủy án sơ thẩm vụ án lừa bán khu đất tại số 4-6 đường Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP HCM.

Năm 2010, UBND TP HCM bán chỉ định nhà - đất tại số 4-6 đường Hồ Tùng Mậu cho Công ty Upexim (do Trương Vui làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc). Do gặp khó khăn về tài chính nên ông Vui ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Tradeco. Upexim đứng tên giấy tờ nhà - đất nhưng không có quyền sang nhượng, cầm cố hay thế chấp nếu Tradeco chưa đồng ý.

Ký xong hợp đồng, Công ty Tradeco chuyển Công ty Upexim 60 tỉ đồng. Nhận tiền, Trương Vui lấy 10 tỉ đồng thanh toán tiền mua nhà - đất trên. Sau khi hoàn tất thủ tục với UBND TP, Công ty Kim Cương Xanh mua lại bất động sản đó với giá 290 tỉ đồng. Dù bán tài sản nhưng Trương Vui tiếp tục thế chấp vay 110 tỉ đồng tại Agribank CN Sài Gòn. Không chỉ vậy, người đứng đầu Công ty Upexim còn lừa bán 20% thị phần căn nhà cho Công ty Tradeco. Chiêu trò bại lộ, Trương Vui cùng nhiều đồng phạm vướng vòng lao lý. Cấp sơ thẩm kê biên nhà - đất tại số 4-6 Hồ Tùng Mậu. Tòa án giao cơ quan thi hành án sẽ tổ chức bán đấu giá tài sản. Với số tiền thu về, cơ quan thi hành án giao 50% cho Tradeco, 50% thanh toán khoản vay tại Agribank CN Sài Gòn.

Xử phúc thẩm phần dân sự, HĐXX kết luận giá trị thực tế tài sản ở số 4-6 đường Hồ Tùng Mậu lớn hơn nhiều so với định giá trong tố tụng hình sự. Song, cấp sơ thẩm lại kê biên, giải quyết việc dân sự trong vụ án hình sự là không đúng quy định tố tụng. Đó là một trong những lý do quan trọng dẫn đến kết quả hủy án sơ thẩm.

Một hành vi không thể bị truy cứu 2 lần

TAND Cấp cao tại TP HCM nhận thấy Tòa án Quân sự Quân khu 7 và Tòa án Quân sự trung ương đã tuyên phạt Trương Vui 12 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", TAND TP lại tiếp tục truy cứu bị cáo về hành vi trên trong bản án chung thân. Do đó, cơ quan xét xử cần làm rõ việc bị cáo đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự 2 lần ở 2 bản án khác nhau.

Bởi theo nguyên tắc hình sự thống nhất từ trước đến nay, pháp luật không thể xử bị cáo 2 lần về 1 hành vi.

Theo Di Lâm

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên