Lộ lý do đội cận vệ tổng thống Nam Phi bị giữ tại Ba Lan
Lý do khiến đội cận vệ Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bị chặn lại tại sân bay Ba Lan dường như là mang theo số lượng vũ khí quá lớn.
- 15-12-2013Lễ an táng cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela
- 07-12-2013Dư luận thế giới trước sự ra đi của cựu Tổng thống Nam Phi
- 06-12-2013Nhìn lại cuộc đời cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela
Theo hãng thông tấn Ba Lan Rzeczpospolita, phái đoàn khoảng 120 người cùng Tổng thống Cyril Ramaphosa đến thủ đô Warsaw - Ba Lan bằng chuyên cơ riêng hôm 15-6. Các thành viên phái đoàn bao gồm lực lượng đặc nhiệm quân đội và đội cận vệ của nhà lãnh đạo Nam Phi.
Các nhân viên hải quan tại sân Warsaw Chopin sau đó không cho đội cận vệ tổng thống Nam Phi tháo dỡ hành lý và rời khỏi máy bay.
Tờ Pravda (Nga) cho biết đội trưởng cận vệ của ông Cyril Ramaphosa đã cáo buộc chính phủ Ba Lan "cố tình phá hoại" sứ mệnh hòa bình của tổng thống Nam Phi.
Tuy nhiên, các cáo buộc không đề cập việc đội cận vệ tổng thống Nam Phi cố gắng dỡ 12 thùng hàng - được cho là chứa vũ khí - khỏi máy bay. Thông tin này được nhà báo Amanda Khoza, người có mặt trên chuyến bay cùng đội an ninh của ông Cyril Ramaphosa tới Ba Lan, tiết lộ.
Các thùng hàng hóa trên chuyến bay chở đội cận vệ của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: Amanda Khoza
Tổng thống Ramaphosa đến Warsaw sau khi dự hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc tại Geneva - Thụy Sĩ. Khi đội cận vệ bị chặn lại tại sân bay Ba Lan, ông Ramaphosa vẫn lên tàu đến Kiev - Ukraine mà không có họ.
Châu Phi đã lập phái đoàn hòa bình gồm tổng thống 6 nước Zambia, Senegal, CH Congo, Uganda, Ai Cập và Nam Phi, để tới Ukraine và Nga tìm giải pháp cho cuộc xung đột. Tổng thống Comoros, quốc gia đang giữ ghế chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), sau đó thông báo tham gia phái đoàn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó lần lượt tiếp phái đoàn châu Phi nhưng xem ra chưa đạt được nhiều tín hiệu khả quan để chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 481 ngày.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (bên trái) cùng phái đoàn châu Phi trên tàu từ Ba Lan tới Ukraine hôm 15-6. Ảnh: AP
Người Lao động