MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại cuộc đua “zero fee” diễn ra quyết liệt, cổ phiếu ngành chứng khoán ngày càng kém hấp dẫn giới đầu tư?

Thời gian gần đây, nhiều CTCK, đặc biệt các CTCK vốn Hàn đang thực hiện miễn phí giao dịch (zero fee), điều này đang gây ra áp lực không nhỏ tới các CTCK nội, qua đó khiến cổ phiếu ngành này đang dần kém hấp dẫn giới đầu tư.

Những năm trước đây, cổ phiếu chứng khoán là một trong những nhóm ngành thu hút dòng tiền đầu cơ hàng đầu thị trường. Mỗi khi thị trường rục rịch có sóng, dòng chứng khoán thường "tiên phong" bứt phá. Những đặc tính về thanh khoản và được hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường đã giúp dòng tiền luôn tìm đến nhóm ngành này mỗi khi thị trường khởi sắc.

Tuy vậy trong thời gian gần đây, cổ phiếu ngành chứng khoán đang dần kém hấp dẫn giới đầu tư. Trong năm 2019, thị trường không ít lần tạo sóng nhưng cổ phiếu ngành chứng khoán không có nhiều biến động tích cực, thậm chí hầu hết các cổ phiếu trong ngành đều giảm sâu.

Thống kê những cổ phiếu chứng khoán nổi bật như HCM, SSI, VND, SHS, VCI, CTS…hầu hết đều ghi nhận mức giảm từ 50 – 70% so với đỉnh được xác lập vào cuối quý 1/2018. Trong khi đó, chỉ số VN-Index chỉ giảm khoảng 20% trong cùng quãng thời gian.

Lo ngại cuộc đua “zero fee” diễn ra quyết liệt, cổ phiếu ngành chứng khoán ngày càng kém hấp dẫn giới đầu tư? - Ảnh 1.

Cổ phiếu ngành chứng khoán liên tục "phá đáy"

Vậy điều gì đã khiến nhóm cổ phiếu đầu cơ "hạng nặng" như chứng khoán kém hấp dẫn giới đầu tư?

Kết quả kinh doanh kém khả quan theo diễn biến thị trường

Trong các nhóm ngành niêm yết, kết quả kinh doanh của ngành chứng khoán có lẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi diễn biến thị trường. Giai đoạn thị trường tích cực, ngành chứng khoán có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến từ hoạt động cho vay margin, môi giới, tự doanh…Ở chiều ngược lại, diễn biến thị trường chứng khoán kém thuận lợi sẽ khiến các hoạt động kể trên gặp khó.

Năm 2019, mặc dù VN-Index đã hồi phục mạnh từ vùng 890 điểm và có thời điểm lên 1.030 điểm nhưng tâm lý giới đầu tư vẫn khá yếu. Dòng tiền có xu hướng rút khỏi thị trường khiến hoạt động môi giới, cho vay margin phần nào ảnh hưởng. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh vốn đem lại lợi nhuận đột biến cho CTCK khi thị trường thuận lợi đã trở thành gánh nặng khi khá nhiều CTCK thua lỗ ở mảng này trong bối cảnh thị trường biến động thất thường.

Báo cáo KQKD 9 tháng được công bố cho thấy hoạt động của các CTCK đang gặp không ít khó khăn trong năm 2019. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của HSC chỉ đạt 305 tỷ đồng, giảm ½ so với cùng kỳ; SSI (mẹ) cũng chỉ đạt 644 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 44%. Tương tự, các CTCK khác như VND, SHS, VCSC…cũng ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận hàng chục phần trăm.

Lo ngại đánh mất thị phần vào tay các CTCK ngoại?

Bên cạnh yếu tố KQKD kém tích cực, việc cổ phiếu chứng khoán kém hấp dẫn trong thời gian gần đây còn xuất phát từ lo ngại thị phần sẽ ngày càng sụt giảm, rơi vào tay các CTCK có vốn ngoại.

Vài năm gần đây, làn sóng các CTCK ngoại, đặc biệt các CTCK có nguồn vốn Hàn Quốc đổ vào Việt Nam đang diễn ra khá mạnh. Thống kê trên TTCK Việt Nam hiện có 6 CTCK vốn Hàn Quốc hiện diện, bao gồm Chứng khoán KIS, Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán Pinetree (tiền thân HFT, được Hanwha mua lại), Chứng khoán KB Việt Nam (tiền thân chứng khoán Maritime), Chứng khoán Shinhan Việt Nam (tiền thân là Chứng khoán Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân chứng khoán Woori CBV).

Sau khi hiện diện tại Việt Nam, các CTCK Hàn Quốc đã mau chóng tăng vốn và trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh với các CTCK trong nước.

Lo ngại cuộc đua “zero fee” diễn ra quyết liệt, cổ phiếu ngành chứng khoán ngày càng kém hấp dẫn giới đầu tư? - Ảnh 2.

Vào cuối tháng 9, Chứng khoán Mirae Asset đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 4.300 tỷ lên gần 5.500 tỷ đồng. Việc tăng vốn lên gần 5.500 tỷ đồng sẽ giúp Mirae Asset trở thành Công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam (chưa tính đến SSI dự kiến tăng vốn bằng trả cổ tức lên hơn 6.000 tỷ đồng).

Chứng khoán Pinetree sau khi được mua lại bởi Hanwha Investment & Securities Co., Ltd cũng tiến hành tăng vốn từ 100 tỷ lên 600 tỷ trong tháng 9 vừa qua.

Trước đó, KBSV sau khi mua lại Chứng khoán Maritime cũng liên tục tiến hành tăng vốn trong giai đoạn cuối năm 2018 và đầu năm 2019 lên 1.675 tỷ đồng, qua đó lọt top 10 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Ngoài Mirae Asset và KBSV, trong top 10 CTCK vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam còn có sự hiện diện của một cái tên Hàn Quốc khác là Chứng khoán KIS với vốn điều lệ 1.897 tỷ đồng.

Với tiềm lực tài chính hùng hậu từ công ty mẹ, các CTCK vốn Hàn Quốc mau chóng trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm với các tên tuổi trong nước, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin).

Báo cáo quý 3 các CTCK vừa công bố cho thấy dư nợ cho vay margin của Mirae Asset lên tới 6.566 tỷ đồng, vượt qua 2 CTCK hàng đầu Việt Nam là SSI (dư nợ margin 5.310 tỷ đồng) và HSC (dư nợ margin 4.670 tỷ đồng). Đây cũng là lần đầu tiên trên TTCK Việt Nam có một CTCK vốn ngoại vươn lên đầu bảng về dư nợ margin.

Các CTCK Hàn Quốc khác cũng có dư nợ margin cuối quý 3 khá lớn như KIS (2.642 tỷ đồng), KBSV (1.816 tỷ đồng), không thua kém nhiều so với dư nợ margin của các CTCK lớn trong nước như VNDirect (2.950 tỷ đồng), VCSC (2.887 tỷ đồng), MBS (2.427 tỷ đồng)…

Lo ngại cuộc đua “zero fee” diễn ra quyết liệt, cổ phiếu ngành chứng khoán ngày càng kém hấp dẫn giới đầu tư? - Ảnh 3.

Mặc dù trên thực tế dư nợ tại các CTCK có thể lớn hơn con số trong báo cáo tài chính do một số CTCK còn nguồn cho vay 3 bên. Tuy vậy, những con số trên phần nào phản ánh được sức mạnh của các CTCK vốn Hàn Quốc trong cuộc đua margin, thị phần. Báo cáo thị phần môi giới quý 3 của HoSE và HNX được công bố đều có sự hiện diện của 2 CTCK vốn Hàn là Mirae Asset, KIS Việt Nam nằm trong top 10 đã phản ánh rõ nét điều này.

Miễn phí giao dịch, bài toán "hóc búa" với CTCK nội

Mới đây, một CTCK sau khi được đối tác Hàn Quốc mua lại đã tung ra chính sách miễn phí giao dịch trọn đời (chỉ thu phí nộp cơ quan quản lý ~ 0,03%). Đây thực sự là áp lực không nhỏ đối với các CTCK trong nước khi mức phí thường được áp dụng ở mức 0,15% - 0,3%.

Mức độ cạnh tranh từ phí giao dịch có thể thấy qua trường hợp VPS khi công ty này đã mau chóng lọt top 10 thị phần môi giới nhờ việc miễn phí giao dịch.

Tại Hàn Quốc, lãi suất hiện khá thấp, chỉ khoảng 1-2% và do đó khi dòng vốn này đổ vào Việt Nam sẽ có mức cạnh tranh khá lớn. Các CTCK vốn Hàn Quốc có thể bỏ qua phí giao dịch, tập trung vào cho vay margin cũng đủ mang về mức lợi nhuận hấp dẫn. Trong khi đó, các CTCK trong nước khó có thể huy động được nguồn vốn với lãi suất thấp để có thể chạy đua giảm phí, giảm lãi margin.

Có lẽ xu hướng miễn phí giao dịch, đặc biệt tại các CTCK vốn ngoại sẽ chưa dừng lại. Điều này có thể gây sức ép lớn với các CTCK nội, đặc biệt các CTCK vốn phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động môi giới cá nhân. Điều đáng nói là ngoài SSI, HSC, VCSC, hay TCBS thì hầu hết các CTCK trong nước đang phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động bán lẻ và đây sẽ là bài toán "hóc búa" với các CTCK trong những năm tới.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên