Lo ngại lãi suất cho vay sẽ “nóng” theo
Mặt bằng lãi suất huy động VND trên thị trường đang xuất hiện hàng chục ngân hàng có biểu lãi suất cao tới hơn 8%/năm và điều này tiếp tục gây nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tới mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới đây.
- 31-08-2019Có cần thiết phải "tuýt còi" cuộc "đua" lãi suất ngân hàng?
- 31-08-2019Khoảng 19 ngân hàng trung ương giảm lãi suất riêng tháng qua
- 30-08-2019Lãi suất VND liên ngân hàng “hạ nhiệt” nhanh
Lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông tin cảnh báo sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng vi phạm quy định về lãi suất, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, cho đến thời điểm chiều tối ngày 29.8, VietCapitalBank vẫn là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất thị trường khi công bố áp dụng lãi suất tới 10,2%/năm cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi.
Ở kênh huy động vốn dân cư xuất hiện nhiều ngân hàng như Eximbank, PVCombank, TPBank, SCB đang trả lãi suất tới 8,5 - 8,6%/năm cho tiền gửi tiết kiệm VND có kỳ hạn dài trên 12 tháng, áp dụng cho số tiền gửi lớn hoặc theo các điều kiện cụ thể mà mỗi ngân hàng đưa ra. Sức nóng của đợt đua tăng lãi suất VND lần này tiếp tục lan rộng khi hàng loạt ngân hàng cũng vừa công bố biểu lãi suất huy động VND mới với sự xuất hiện khá phổ biến của các mức lãi suất trên 8% được áp dụng cho nhiều kỳ hạn. Như tại VPBank, hàng loạt kỳ hạn gửi tiền 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng theo nhiều hình thức khác nhau được trả mức lãi suất từ 8,1 - 8,4%/năm, lãi suất tăng dần tương ướng với số tiền gửi từ trên 1 tỉ đồng đến trên 10 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, thị trường hiện đang có hơn 15 ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động cao nhất từ 8% trở lên và chủ yếu là các ngân hàng quy mô vừa, nhỏ.
Nhiều lo ngại
So với mặt bằng lãi suất cho vay VND dài hạn phổ biến trên thị trường hiện nay là khoảng 9 - 11%/năm theo thống kê của NHNN đến cuối tháng 8.2019, lãi suất huy động cao nhất tại một số ngân hàng hiện nay chỉ thấp hơn khoảng 0,6 - 2,6%. Đây là mức chênh lệch rất thấp và không thể đảm bảo biên lợi nhuận của các ngân hàng trong trường hợp dùng nguồn vốn huy động nói trên để cho vay ra. Chính yếu tố này gây lo ngại rằng mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ chịu những tác động tiêu cực và có khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng lên trong các tháng tới, đặc biệt khi nhu cầu vốn thường tăng vọt vào dịp cuối năm.
Tuy nhiên trao đổi với PV Báo Lao Động, một số chuyên gia tài chính nhìn nhận việc lãi suất chỉ tăng mạnh ở một số ngân hàng nhỏ và cũng chỉ tăng ở một số kỳ hạn dài nhất định như 18, 24 và 36 tháng chứ không biến động trên toàn bộ biểu lãi suất huy động sẽ không khiến mặt bằng lãi suất huy động nói chung bị xáo trộn quá lớn. Các thống kê trên thị trường tiền tệ của NHNN đến hết tuần qua cũng cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động cao nhất trên thị trường vẫn nằm trong khoảng 6,6 - 7,5%.
Lý giải về nguyên nhân, việc các ngân hàng điều chỉnh mạnh lãi suất một số kỳ hạn dài được cho chủ yếu nhằm cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để đảm bảo quy định tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị NHNN siết chặt từ 45% trước đó xuống còn 40% trong năm 2019, và có thể giảm tiếp xuống còn 30% trong tương lại. Cuộc đua lãi suất vẫn chủ yếu đang diễn ra ở các ngân hàng nhỏ và phần nào cho thấy thanh khoản của các ngân hàng này đang có vấn đề. Ngược lại, việc các ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống và có vai trò dẫn dắt thị trường như Vietcombank, Vietinbank hay BIDV vẫn “án binh bất động” với lãi suất cao nhất chỉ trong khoảng 6,8 - 7%/năm suốt nhiều tháng qua cho thấy những biến động lãi suất huy động các ngày gần đây sẽ không tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Trao đổi với PV Báo Lao Động xung quanh những lo ngại về tác động tiêu cực của biến động lãi suất huy động hiện nay tới mặt bằng lãi suất cho vay, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhìn nhận: “Việc một số ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động những ngày gần đây có thể xuất phát từ nhu cầu cơ cấu lại nguồn vốn trong ngân hàng. Còn thực tế qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng thị trường tiền tệ vẫn ổn định, thanh khoản tốt và hệ thống cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế”.
Ông Phạm Thanh Hà cũng nhấn mạnh: “Quan điểm điều hành của NHNN là duy trì ổn định mặt bằng lãi suất”.
Các ngân hàng có đang phạm luật?
Theo quy định hiện nay, NHNN chỉ khống chế trần lãi suất huy động VND ở mức 5,5%/năm đối với các kỳ hạn huy động dưới 6 tháng. Chính vì vậy, việc các ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng (chủ yếu là các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên) không vi phạm quy định về trần lãi suất của NHNN.